Tính đến cuối tháng 7/2020, dư nợ toàn hệ thống chưa vượt qua mức 4%
Tín dụng ách tắc vì nhu cầu vốn giảm mạnh
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phan Thanh Tịnh, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Việt Ân kể, những năm trước, đoạn đường từ nhà ông vào Khu công nghiệp Đồng Nai khoảng 20 km, đi qua sông Đồng Nai thấy chủ yếu người già ngồi câu cá như một thú vui giết thời gian, còn hiện tại, rất đông người đến “quây” con sông này.
Họ chủ yếu là lao động bị sa thải hoặc làm việc theo ca, thời gian có nhiều mà không có việc gì làm, trong khi kinh tế gia đình chưa có tích lũy nên ra sông với mưu cầu kiếm sống.
“Đánh bắt được cá xong họ bán ngay bên đường, giá bán cũng rất rẻ, chỉ 7.000-8.000/kg cá rô. Chua xót khi nhìn cảnh này, nhưng trong bối cảnh hiện nay, tôi cũng sẽ không có lựa chọn nào khác nếu buộc phải sa thải hay cho công nhân thay phiên nhau làm ca”, ông trần tình.
Giám đốc một doanh nghiệp quy mô 400-500 công nhân lĩnh vực dệt may tại Đồng Nai chia sẻ, công ty trả lương cơ bản là 4,9 triệu/tháng và đóng bảo hiểm 1 triệu/tháng cho mỗi công nhân theo quy định của Nhà nước, nghĩa là mỗi tháng phải nộp bảo hiểm xã hội 400-500 triệu đồng, cho dù không có sản xuất.
“Doanh nghiệp chưa sa thải công nhân với kỳ vọng đại dịch sẽ sớm qua và nền kinh tế được phục hồi. Nhưng đến giờ này, khi dịch bệnh quay trở lại, tình hình kinh tế thế giới ngày càng ảm đạm, đơn hàng không có, chủ yếu là điều đình với ngân hàng về phương án giãn hoãn nợ chứ không vay thêm, thì phương án giảm bớt nhân công là điều buộc phải tính đến”, vị giám đốc trên nói.
Giám đốc Công Ty TNHH Nhựa bao bì Phan Công thì cho biết, 7 tháng đầu năm 2020, doanh thu của doanh nghiệp có 40 nhân công này đã giảm 50%, nhu cầu vay mới không có bởi thị trường gần như “đóng băng”.
“Vấn đề ở đây là nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Khi nhu cầu vốn giảm, lãi suất ngân hàng dù có giảm thêm đi chăng nữa cũng không có nhiều tác dụng”, vị này nhấn mạnh.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho hay: “Tính đến cuối tháng 7/2020, dư nợ toàn hệ thống chưa vượt qua mức 4%, tín dụng vẫn đang ách tắc, bất chấp mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh”.
Cần nhiều giải pháp
Ngày 6/8/2020, NHNN đã giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng tại NHNN từ mức 1%/năm xuống 0,5%/năm.
Ngoài ra, lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại NHNN cũng được giảm 0,2 điểm phần trăm, từ mức 1%/năm xuống 0,8%/năm.
Theo tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần, tác động của động thái này tới các ngân hàng khá hạn chế, chủ yếu là để giảm áp lực chi ngân sách.
Cụ thể, vị này phân tích, giảm lãi suất dự trữ bắt buộc tuy có ảnh hưởng tới lợi nhuận của các ngân hàng nhưng không đáng kể do mức dự trữ bắt buộc hiện nay ở mức thấp, chỉ khoảng 3% đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 năm và 1% đối với khoản tiền gửi trên 1 năm.
Bà Thái Thị Việt Trinh, chuyên viên phân tích vĩ mô KB Securities ước tính, mức tác động của việc giảm lãi suất này tới tổng hệ thống ngân hàng vào khoảng 600 tỷ đồng, trong đó khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối chịu ảnh hưởng nhiều nhất, khoảng 60 tỷ đồng mỗi ngân hàng.
Mặc dù động thái hạ lãi suất của NHNN được nhận định không tác động nhiều tới thị trường, nhưng với dịch Covid-19 tái bùng phát và tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, có quan điểm cho rằng, nhiều khả năng NHNN sẽ điều chỉnh giảm lãi suất điều hành thêm ít nhất 1 lần nữa từ nay đến cuối năm để giảm chi phí đi vay của các ngân hàng, qua đó giúp giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường trong nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 3-4% được Thủ tướng Chính phủ đưa ra gần đây.
Cụ thể hơn, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được dự báo tiếp tục giảm với 3 yếu tố chính: Kỳ vọng điều chỉnh lãi suất điều hành, thanh khoản trong hệ thống dự báo tiếp tục dư thừa trong 6 tháng cuối năm và NHNN dự kiến sẽ cho phép giãn lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn để giải tỏa bớt áp lực cơ cấu nguồn vốn huy động của ngân hàng.
Trên thực tế, từ những ngày đầu tháng 7, cả 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối đã đồng loạt giảm lãi suất huy động với mức giảm 0,4-0,5%/năm tùy từng kỳ hạn, đưa lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng cao nhất chỉ là 4%/năm, 6 tháng là 4,4%/năm, 9 tháng là 4,6%/năm và 12 tháng là 6%/năm…
Không chỉ các ngân hàng này, tính đến đầu tháng 8, nhiều ngân hàng cổ phần cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,2-0,5%/năm tùy từng kỳ hạn, cho dù không có chỉ thị mới của NHNN về lãi suất điều hành. Dư vốn trong khi tín dụng tăng trưởng chậm chạp được cho là nguyên nhân chính khiến nhiều ngân hàng chủ động giảm lãi suất cho vay.
Trong một tương quan khác, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định: “Chúng tôi duy trì quan điểm chính sách tiền tệ của NHNN trong 2 quý cuối năm sẽ tập trung vào việc tháo gỡ các rào cản tiếp cận vốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thay vì chỉ cố gắng giảm lãi suất điều hành như trong 6 tháng đầu năm”.
Tác giả: Nhuệ Mẫn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy