Dòng sự kiện:
Cấm lãnh đạo gửi tiền nước ngoài: Việt Nam học theo Nga?
17/03/2015 07:43:39
ANTT.VN - Nga là quốc gia đi đầu trong việc cấm các quan chức cấp cao cùng gia đình của họ gửi tiền tại nước ngoài.

Cấm lãnh đạo gửi tiền nước ngoài là cách các quốc gia trên thế giới áp dụng nhằm chống lại tham nhũng, rửa tiền (ảnh: Internet)

Trong những nỗ lực kiên quyết nhằm chống lại tham nhũng cũng như quản lý tiền tệ, Nga đã thông qua luật đề nghị cấm quan chức gửi tiền tại nước ngoài. Những chính sách trên được đưa ra từ năm 2013 và tiếp tục được bổ sung sửa đổi đến bây giờ.
 
Tháng 2/2013, tổng thống Vladimir Putin đã gửi một đề luật đến quốc hội Nga đề nghị cấm quan chức nước này và gia đình họ mở tài khoản hoặc nắm giữ cổ phiếu, trái phiếu nước ngoài, trong những nỗ lực sâu rộng hơn nhằm chống lại tham nhũng và nguồn tiền tháo chạy khỏi Nga.
 
Ba tháng sau đó, luật này được thông qua. Cụ thể, các đối tượng của lệnh cấm bao gồm các ủy viên công tố, giám đốc NHTW, quan chức địa phương cũng như thành viên được chỉ định hay đã nghỉ hưu tại các tập đoàn nhà nước, các tổ chức và quỹ nhà nước được thành lập bởi luật liên bang có quyết định của thủ tướng; chính phủ, thống đốc và các thành viên quốc hội.

Giới chức Nga đã bị chỉ trích trong một thời gian dài vì găm giữ tiền tại nước ngoài. Trước đó ông Putin từng kêu gọi một chiến dịch mang tên “thu hồi từ nước ngoài” để thu lại hơn 1 nghìn tỉ USD được cất giữ tại nước ngoài bởi các công ty và giới chức Nga.

Trong thông báo trên website của điện Kremlin, mục đích của dự luật được viết là nhằm “bảo vệ an ninh quốc gia…đem lại trật tự cho các hoạt động vận động hành lang, tăng đầu tư vào nền kinh tế quốc gia và nâng cao hiệu quả nỗ lực chống tham nhũng.”

Đề luật trên được Putin đưa ra áp dụng cho tất cả các quan chức cấp cao – bao gồm chính bản thân ông- cũng như những thành viên của các quỹ quốc gia, các tập đoàn và thành viên của Hội đồng Quản trị Ngân hàng TW Nga. Các giới chức có khoảng 3 tháng để đóng các tài khoàn nước ngoài sau khi dự thảo này được thông qua.

Tháng 12/2014, luật sửa đổi mở rộng danh sách quan chức bị cấm gửi tiền nước ngoài. Sau khi dự luật trên đã được thông qua tổng thống Putin tiếp tục thảo một dự luật chi tiết hơn yêu cầu cấm tất cả nhân viên làm việc trong hệ thống quản lý nhà nước và các ngành công nghiệp chiến lược được mở tài khoản tại nước ngoài.

Dự luật trình lên Viện Duma Quốc gia Nga lần này được coi là tiếp nối lệnh cấm quan chức nhà nước cấp cao (bao gồm cả được bầu lên và chỉ định) được giữ các tài khoản ngân hàng, trái phiếu và cổ phiếu nước ngoài. Lệnh cấm cũng “sờ gáy” cả những lãnh đạo của các tập đoàn nhà nước lớn.

Bản dự luật mở rộng danh sách những quan chức bị giới hạn mở gửi tiền tại nước ngoài cho tất cả đối tượng “liên quan đến việc chuẩn bị những quyết định ảnh hưởng đến chủ quyền và an ninh quốc gia của Liên Bang Nga” và tất cả những người phục vụ trong NHTW cùng với các tập đoàn nhà nước, các quỹ và các tổ chức nhà nước tương tự.

Các công chức này sẽ phải báo cáo chi tiêu nếu giá trị tài sản như: bất động sản, xe hoặc cổ phiếu cao hơn thu nhập trong 3 năm của họ.

Đầu năm 2015, Chánh văn phòng Tổng thống Nga Sergei Ivanov thông báo sẽ có nghị định chính thức cấm các giới chức mở tài khoản tại nước ngoài và sử dụng các dịch vụ tài chính quốc tế.

Vào 8/3 năm nay, tổng thống Putin tiếp tục ký một lệnh yêu cầu lãnh đạo các Bộ ngành, tập đoàn nước ngoài, NHTW và chính quyền địa phương trong ba tháng phải thảo ra được danh sách cụ thể bao gồm danh tính các quan chức thuộc diện áp dụng lệnh cấm mở tài khoản tại nước ngoài thuộc cơ quan của họ.

Luật lệ mới đã tạo ra một sự biến chuyển trong chính trường Nga – các doanh nhân lớn có tài sản nước ngoài đã phải bán chúng đi, ví dụ như phó thị trưởng Mát-xcơ-va, ông Maksim Liksutov. Bên cạnh đó nhiều tỉ phú lại lựa chọn từ bỏ sự nghiệp chính trị để "bảo toàn" gia tài của mình như Roman Abramovich.

Một vài quốc gia khác cũng có luật cấm tương tự đối với giới chức bao gồm Venezuela, Nigeria, Kenya và Bangladesh. Tuy nhiên, một nghiên cứu của tổ chức Minh bạch Quốc tế vào năm 2011 cho biết những nỗ lực tại các quốc gia trên chưa có hiệu quả rõ ràng trong việc ngừng tham nhũng và rửa tiền.

Rất nhiều quốc gia khác bao gồm Ukraine, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Brazil có lệnh cấm tất cả công dân nắm giữ những tài khoản nước ngoài trong nỗ lực quản lý tiền tệ.
 

Tú Anh (theo RT/WSJ)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến