Cần cái nhìn đúng đắn về nợ công
24/11/2014 08:35:43
Sau khi Chính phủ công bố công khai trước Quốc hội về tình hình nợ công của Việt Nam, các đại biểu Quốc hội và đông đảo nhân dân cả nước đã bày tỏ thái độ đồng tình trước những giải pháp mà Chính phủ đưa ra để quản lý nợ công chặt chẽ hơn, thực hiện trả nợ đúng cam kết.

Tin liên quan

Thế nhưng bên cạnh đó, vẫn còn có người có cái nhìn phiến diện về nợ công, xuyên tạc sự thật, suy diễn về nợ công ở Việt Nam đăng tải trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận.

Báo cáo trong ngày khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Trong năm 2014 này, chúng ta cơ bản đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội mà Quốc hội đã đề ra. Về kinh tế vĩ mô, báo cáo khẳng định: “Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, 9 tháng tăng 2,25%, thấp nhất trong 10 năm qua; dự kiến cả năm tăng dưới 5%. Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2013. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 7,26% (cùng kỳ là 6,87%), dự kiến cả năm tăng 12-14% theo kế hoạch. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên”. Báo cáo của Chính phủ cũng đã thẳng thắn nêu ra những hạn chế, yếu kém: “Kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc. Bội chi ngân sách còn cao. Nợ công tăng nhanh. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định của Chiến lược nợ công là không quá 25%), nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại thì khoảng 26,2%”.

Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ công bố vấn đề nợ công trước Quốc hội, trước nhân dân, mà từ nhiều kỳ họp trước, các số liệu về nợ công đã được trình cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Ảnh minh họa: vietnamplus.vn.

Lý giải về tình trạng nợ công tăng nhanh, trong phần phụ lục, Báo cáo của Chính phủ đã phân tích nguyên nhân do thu ngân sách Nhà nước (NSNN) có nhiều khó khăn nhưng vẫn phải giảm thu để hỗ trợ doanh nghiệp. Và phải tập trung nguồn vốn ngân sách và huy động trái phiếu Chính phủ cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng. Đồng thời, còn phải dành để thực hiện các chính sách xã hội và tiền lương. Mặt khác, cơ cấu vay ưu đãi nước ngoài có xu hướng giảm qua các năm do Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình, nên tỷ trọng vay trong nước tăng lên và việc huy động trái phiếu Chính phủ chủ yếu là dưới 5 năm dẫn đến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong ngắn hạn tăng lên. Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn bảo đảm trả nợ đầy đủ, không để phát sinh nợ quá hạn.

Như vậy, phần giải thích của Chính phủ về nợ công đã rõ ràng, các chỉ số về nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn. Thế nhưng, trên một số trang mạng xã hội, một số người đã ra những thông tin sai lệch nợ công rồi “nhận định”: “Khủng hoảng nợ công ở Việt Nam sắp diễn ra”, “Việt Nam sắp vỡ nợ công”, “Kinh tế Việt Nam sắp đến hồi kết”, “Nợ công ở Việt Nam không thể trả nổi”... Những thông tin này đưa ra nhằm mục đích gây hoang mang dư luận, làm cho nhân dân nghi ngờ về sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Chính phủ.

Nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Nợ công có vai trò quan trọng đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nợ công đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn cho đầu tư phát triển và cân đối NSNN. Tại Việt Nam, rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng, các chương trình xóa đói, giảm nghèo, cải thiện môi trường, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, các dự án tăng trọng quốc gia... được đầu tư bằng nguồn vốn vay công. Theo số liệu của Bộ Tài chính, hiện hơn 98% vốn vay công được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào NSNN cho chi đầu tư (1,5%) và một phần chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%). Nhiều công trình quan trọng, thiết yếu về giao thông, điện, nước, thủy lợi, y tế, giáo dục... đã hoàn thành, phát huy hiệu quả và đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhiều công trình mới, góp phần thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, qua đó sẽ tăng thu ngân sách và bảo đảm được nguồn trả nợ.

Theo Luật Quản lý nợ công, Nghị quyết số 10/2013/QH13 của Quốc hội quy định, đến năm 2015 nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 quy định, nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể vay về cho vay lại) không quá 25% tổng thu NSNN.

Theo số liệu chính thức từ Bộ Tài chính, đến cuối năm 2013, nợ công của Việt Nam bằng 54,2% GDP (trong đó, nợ Chính phủ 42,3%, nợ Chính phủ bảo lãnh 11,1%, nợ của chính quyền địa phương 0,8%) và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 37,3% GDP. Dự kiến cuối năm 2014, nợ công bằng khoảng 60,3% GDP (trong đó, nợ Chính phủ 46,9%, nợ Chính phủ bảo lãnh 12,6%, nợ của chính quyền địa phương 0,8%) và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 39,9% GDP. Các chỉ tiêu này nằm trong giới hạn cho phép theo nghị quyết của Quốc hội.

Cũng theo Bộ Tài chính, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN năm 2014 ước khoảng 14,2% (theo quy định của Chiến lược nợ công là không quá 25%). Ngoài ra, còn sử dụng một phần vay mới để đảo nợ với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn, góp phần giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và giảm chi phí vay vốn (năm 2014 vay đảo nợ khoảng 77.000 tỷ đồng). Việc đảo nợ này không làm tăng nợ công và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chiều 30-10, tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phát biểu ý kiến, trao đổi rõ hơn với đại biểu Quốc hội về quản lý và sử dụng nợ công.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trước đây, chúng ta quản lý nợ mang tính thụ động thì giờ chúng ta đã chủ động, đã có Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tất nhiên, chiến lược của này sẽ điều chỉnh theo từng thời kỳ.

Tại diễn đàn của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã đưa ra 7 nhóm giải pháp để tăng hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công. Trong đó sẽ trình Quốc hội thông qua Luật Ngân sách sửa đổi, Luật Quản lý nợ công sửa đổi để nâng cao hiệu quả quản lý nợ công. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, chống thất thu qua buôn lậu, gian lận thương mại, đồng thời cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan, tạo nguồn thu phát triển bền vững. Triệt để tiết kiệm chi ngân sách, chống lãng phí trong chi thường xuyên và phát triển, quản lý chặt các khoản chi, tinh giảm biên chế, bộ máy, chi mua sắm tiết kiệm, giảm tối đa tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài, kết hợp với cơ cấu lại cân đối ngân sách để dành tiền chi đầu tư trả nợ…

Về dự tính nợ công đến năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, yêu cầu huy động vốn trong thời gian tới của Chính phủ và các địa phương là rất lớn. Cụ thể, vay của Chính phủ bảo đảm cân đối ngân sách gồm dự kiến ngân sách tiếp tục bội chi trong năm 2015 là 5%, sau đó giảm dần 4% vào năm 2020. Phát hành trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch, dự kiến bình quân 50.000 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2017-2020. Thời gian tới, cân đối ngân sách cho trả nợ còn khó khăn do yêu cầu chi trả nợ tăng nhanh, cần tiếp tục thực hiện phát hành để đảo nợ một phần nợ gốc đến hạn. Vay nước ngoài của Chính phủ chủ yếu là vay ODA, vay ưu đãi về cho các doanh nghiệp vay lại, dự kiến mức giải ngân vay vốn nước ngoài khoảng 5- 6 tỷ USD/năm, trong đó, vay để cho vay lại khoảng 1,5-2 tỷ USD/năm. Chính phủ tiếp tục bảo lãnh cho doanh nghiệp vay thực hiện các dự án trọng điểm với giá trị bảo lãnh bình quân 3-4 tỷ USD/năm. Về phát hành trái phiếu trong nước, mức tăng dư nợ bình quân 10%/năm với nhu cầu vay Chính phủ bảo lãnh từ 60.000-70.000 tỷ đồng/năm.

Tại Phiên họp thường kỳ tháng 10-2014 mới đây, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý nợ công, bảo đảm trong giới hạn cho phép, sử dụng vốn vay để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đi đôi với kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả, không để thất thoát lãng phí và bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo quy định.

Cũng tại phiên họp này, sau khi nghe Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng báo cáo về nợ công, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương: Tập trung quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới, bảo đảm trong giới hạn cho phép và an toàn tài chính quốc gia; tập trung đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu theo quy hoạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả và theo đúng quy định. Khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng nhanh tỷ trọng vay dài hạn với lãi suất thấp. Kiểm soát chặt chẽ việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và thu đủ nợ đối với các khoản vay về cho vay lại. Bố trí nguồn từ NSNN trong giới hạn theo quy định và sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ đúng hạn. Rà soát, hoàn thiện thể chế, sửa đổi bổ sung Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công, Chiến lược và Chương trình quản lý nợ công trung hạn.

Trong Thông cáo báo chí về phiên họp, Chính phủ khẳng định, sẽ giảm dần các chỉ tiêu nợ công trong giai đoạn 2016-2020 để đến năm 2020, nợ công khoảng 60,2% GDP, nợ Chính phủ khoảng 46,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 46% GDP và tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN khoảng 20% (giới hạn quy định là không quá 25%). Bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.

Như vậy, vấn đề nợ công của Việt Nam đã rõ ràng và minh bạch. Tiếc rằng, có một số người do thiếu thông tin đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu, đưa ra những “nhận định” không có căn cứ, gây hoang mang cho dư luận.

Theo QDND.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến