Tin liên quan
VAMC đã mua được 6.397 khoản nợ của 37 TCTD
Việc mua nợ xấu là bước ban đầu
Đến thời điểm này, sau hơn một năm được thành lập và hoạt động, VAMC đã mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt với 6.397 khoản nợ của 37 TCTD, trị giá nợ gốc xấp xỉ 93 nghìn tỷ đồng và giá trị mua là 76 nghìn tỷ đồng. Như vậy, đến nay VAMC đã đưa 94.983 tỷ đồng nợ gốc của các TCTD ra ngoại bảng. Điều này, giúp tỷ lệ nợ xấu giảm xuống, tái cấu trúc lại chính các TCTD. Đặc biệt, theo quy định các TCTD có tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở lên buộc phải bán nợ cho VAMC, nhưng hiện có những ngân hàng tỷ lệ nợ xấu dưới mức này vẫn bán cho VAMC.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV VAMC cho biết, việc mua nợ xấu là bước ban đầu. Với các khoản nợ đã mua VAMC cơ cấu lại với số dư hàng chục nghìn tỷ đồng, ký hạn mức cho hàng trăm khách hàng được vay vốn, điều chỉnh lãi suất 3 lần; tiến hành đấu giá, ủy quyền bán tài sản đảm bảo, thu hồi nợ. “Với các khoản nợ của DN không có khả năng hồi phục, như tài sản thế chấp là máy móc thiết bị để lâu dẫn đến mất giá, VAMC phải tiến hành xử lý ngay. Khoản nợ nào mà khách hàng thể hiện thái độ không hợp tác, VAMC có trách nhiệm tổ chức thu hồi nợ, thu giữ tài sản và tiến hành phát mại”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm với ông Hùng, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)cho biết, nhiều người lo ngại về khả năng xử lý nợ xấu nhưng khi theo dõi tiến trình xử lý nợ xấu có thể thấy, xử lý nợ phải thực hiện từng bước. Bước đầu là gom nợ lại và bước tiếp theo sau đó là phát mại tài sản. Hiện VAMC phát mại chậm chủ yếu do tài sản thế chấp đa số là bất động sản. Khi xử lý tài sản là bất động sản, chúng ta bị mắc chủ yếu ở khâu pháp lý. “Đây là đặc thù của Việt Nam khi quyền tài sản liên quan đến ngân hàng chưa được xác định đầy đủ. Những người làm ngân hàng và VAMC gặp khó khăn nếu như tài sản thu hồi rồi, nhưng khi chuyển sang người khác mà người mua tài sản không được toàn quyền sử dụng và sở hữu theo đúng nghĩa, dẫn tới khó khăn trong việc bán nợ. Điểm nữa là khi xác định giá của tài sản, hầu như khi phát mại một tài sản trong tình trạng nợ xấu thì không bao giờ thu hồi được bằng như giá trị ban đầu” ông Thành nói.
Chia sẻ về vấn đề trên, Phó Tổng giám đốc Vietinbank - Trần Minh Bình cho rằng, khó khăn mà phía VAMC đề cập đến nay là rất đúng. Dưới góc độ là NHTM, chúng tôi thấy trong các nghiệp vụ thì xử lý nợ là nghiệp vụ khó nhất. Trong xử lý nợ thì xử lý tài sản bảo đảm là chủ điểm và rất nóng với các NHTM. Mặc dù có tỷ lệ nợ xấu rất thấp, nhưng ngân hàng cũng dành nguồn lực rất lớn trong vấn đề xử lý các khoản nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm.
Ông Bình phân tích thêm, khi cho vay, ngân hàng phải định giá tài sản trên cơ sở giá trị thị trường. Nhưng đặc điểm của thị trường BĐS Việt Nam là biến động giá rất lớn. Khi ngân hàng xử lý tài sản thì BĐS rơi vào đáy nên ngân hàng xử lý không thu được cả gốc và lãi. Đó là vấn đề ngân hàng phải cân nhắc để xử lý. Trong nhiều trường hợp, khách hàng không muốn tham gia vào phát mại nên ngân hàng xử lý tài sản rất phức tạp. Nhưng ngay cả khi khách hàng không hợp tác thì ngân hàng phải khởi kiện qua tòa án, phát mại qua thi hành án thì khó khăn cũng chồng chất. Ví dụ, khách hàng không tham gia vụ kiện, bỏ khỏi nơi cư trú thì các vụ khởi kiện kéo dài, mất rất nhiều thời gian.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)
Vướng ở khâu pháp lý
Trong thời gian qua VAMC đã tích cực, chủ động xây dựng phương án, kế hoạch mua nợ, xử lý nợ, bán nợ. Chủ tịch VAMC Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đến nay VAMC đã hoàn thành 80% kế hoạch xây dựng từ đầu năm 2014. Riêng về thu hồi nợ, đã đưa ra kế hoạch từ thu hồi nợ, bán nợ là 2.500 tỷ đồng, nhưng đến nay vượt kế hoạch khi đạt 3.000 tỷ đồng. “Tuy nhiên, việc thu giữ và phát mại tài sản kể từ khi làm thủ tục đến khi đấu giá thành công một khoản nợ là khoảng 4 tháng (có những khoản phải đấu giá đến lần thứ 4 mới thành công). Như vậy, bản thân VAMC đã có tác động rất tích cực, phải chấp nhận mức giá mỗi lần thay đổi và mỗi lần thay đổi mức giá là 1 tháng. Nhất là khi VAMC đã ủy quyền cho TCTD đấu giá lần thứ 7 không thành công” ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng cho biết thêm, khó khăn nhất hiện nay của quá trình xử lý nợ xấu là khâu đấu giá. Nguyên nhân là do định giá quá cao vì lo ngại định giá thấp lại sợ ảnh hưởng tới trách nhiệm với khoản nợ, nên khi phát mại muốn tương đương với khoản nợ gốc cộng với lãi. Trong khi kinh tế khó khăn, kỳ vọng tăng giá tài sản BĐS thấp nên kể cả tài sản bán bằng giá thị trường chưa chắc đã hấp dẫn. Tính thanh khoản của thị trường cũng quyết định tới việc mua bán nợ xấu.
Cùng chung quan điểm trên TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, nguồn lực của VAMC hiện nay không chỉ giới hạn về mặt tài chính mà vướng mắc đầu tiên là pháp luật xung quanh các quy chế liên quan tới vấn đề tài sản, quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Thông tư 18/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp mới ban hành, VAMC đã từng bước được trao quyền. Đây là mấu chốt để hỗ trợ cho việc bán đấu giá tài sản và hy vọng rằng, thời gian tới sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho VAMC.
Cung cấp thêm thông tin về Thông tư 18/2014/TT-BTP, Chủ tịch HĐTV VAMC cho biết, Thông tư 18/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp mới ban hành hướng dẫn việc bán đấu giá tài sản của VAMC là bước khởi đầu thuận lợi và tăng quyền để VAMC tổ chức đấu giá tài sản. Nếu như đấu giá không thành công thì VAMC có quyền đưa ra giá chứ không phải hỏi ý kiến khách hàng vay TCTD. Đây chỉ là một trong những chính sách tháo gỡ khó khăn. Để giải quyết triệt để những khó khăn của VAMC hiện này thì cần nhiều giải pháp đồng bộ nữa từ các bộ, ngành, địa phương.
Nợ xấu là khoản nợ của doanh nghiệp không trả được TCTD, những khoản nợ xấu này phát sinh từ nhiều nguyên nhân: Có nguyên nhân từ TCTD, từ doanh nghiệp, môi trường kinh tế vĩ mô. Bởi vậy, câu chuyện xử lý nợ xấu phải là câu chuyện của cả nền kinh tế, không chỉ có sự tham gia tích cực của hệ thống ngân hàng. Hy vọng, với sự quyết tâm và thực hiện quyết liệt các giải pháp của toàn hệ thống chính trị, của Chính phủ, các bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp cùng với những cố gắng nỗ lực của hệ thống ngân hàng, nợ xấu sẽ được xử lý nhanh hơn và sớm đưa về mức hợp lý trong thời gian tới.
Ngọc Quyết
Nên đọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy