Dòng sự kiện:
Cận cảnh 7 cây lim di sản trên vùng đất hát Ví phường vải
25/07/2017 10:01:02
Trong quá trình đi tìm những nét đẹp văn hóa còn sót lại của “Trường Lưu bát cảnh” xưa, chúng tôi đã được 'mục sở thị' 7 cây lim xanh được vinh danh là Cây di sản lịch sử văn hóa.

Thôn Quỳnh Sơn nằm ẩn mình sau những ngôi làng mang đậm giá trị lịch sử của vùng đất nức tiếng cả nước một thời về hát ví phường vải – Đất Trường Lưu xưa, nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Thôn Quỳnh Sơn xưa có Đền Ô Trà Sơn Nam Nhạc rất linh thiêng cho tổng Lai Thạch.

Những cây lim di sản in bóng xuống mặt giếng Mụn Trôi tạo nên cảnh đẹp hữu tình

Đất Trường Lưu có nhiều danh nhân như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ... 8 cảnh đẹp nổi tiếng suốt nhiều thế kỉ được Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) về quê nghỉ hưu đã dày công xây dựng nên gồm: Quan thị triêu hà (Ráng sớm trước chợ Quan); Phượng sơn tịnh chiếu (Nắng chiều trên núi Phượng); Hân tự hiểu chung (Chuông gọi sáng chùa Hân); Nghĩa thương vãn thác (Tiếng mõ chiều kho Nghĩa); Cổ miếu âm dung (Bóng rợp che cổ miếu); Liên trì nguyệt sắc (Ánh trăng dưới hồ sen); Thạc tính tuyền hương (Hương thơm nước giếng Thạc); Nguyễn trang hoa mỵ (Hoa đẹp trong trang viên họ Nguyễn).

Đặc biệt, chính Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đã lập nên Phúc Giang thư viện, chính nơi đây có cả một xưởng in với hàng ngàn bản sách được in khắc gỗ. Từ Phúc Giang thư viện, ông mở trường dạy học gọi là "Thạc Đình học hiệu" (cũng có người gọi là Trường Lưu học hiệu) để đào tạo nhân tài cho vùng quê xứ Nghệ. Từ Thạc Đình học hiệu đã có 30 ông nghè (tiến sĩ) và hàng mấy trăm ông cống, nhiều người nổi danh về sau như Phạm Quý Thích, Phạm Nguyễn Du....

Cũng chính Nguyễn Huy Oánh đã tậu 20 mẫu ruộng, gọi là ruộng "học điền" để khuyến khích con em theo nghiệp học hành khoa cử. Sau này ông được vua ban khen "lấy văn trồng người mở kế trăm năm". Mộc bản Phúc Giang đã được UNESCO công nhận và vinh danh là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Mộc bản Phúc Giang được công nhận là Di sản kí ức thế giới

Tuy Đền Ô Trà Sơn Nam Nhạc không thuộc một trong 8 cảnh đẹp của Trường Lưu xưa nhưng đây là địa chỉ tâm linh có từ lâu trước đó. 

Theo thần tích, Đô Nam nhạc Ô Trà Sơn Đại vương chính là ông Võ Sùng Ban, làm quan dưới triều Lý Nhân Tông, có công lớn trong việc cầm quân đánh giặc Chiêm Thành, được nhà vua phong Thượng Quốc Công. Sau khi ông mất, triều đình ra chỉ dụ giao cho nhân dân vùng Tổng Nội Ngoại Thiên Lộc (nay là xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc) - nơi ông đóng quân lập đền thờ tự và được phong thần bảo hộ của làng. Người dân Trường Lưu nói riêng và tổng Nội Ngoại đã vì mến danh mà xây dựng đền để thờ cúng và xem là thành hoàng làng.

Cho đến nay, ngoài Mộc bản Phúc Giang và Ví phường vải thuộc Ví giặm Nghệ Tĩnh được bảo tồn và vinh danh thì các cảnh đẹp khác của Trường Lưu xưa hầu như chỉ còn trong kí ức.

Cách đây 2 năm, khi phát hiện khu vực Ô Trà Sơn Nam Nhạc thuộc thôn Quỳnh Sơn, xã Trường Lộc có cụm 7 cây lim quý, trong đó cây lớn nhất có đường kính gần 1m, cây bé nhất có đường kính 65cm, Hội sinh vật cảnh Hà Tĩnh đã phối hợp với chính quyền xã Trường Lộc lập hồ sơ đệ trình và đã được Hội sinh vật cảnh Việt Nam công nhận Quần thể 8 cây (1 cây chỉ còn dấu tích) là “Cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam” từ năm 2015.

Những cây lim hàng trăm năm gắn bó với lịch sử văn hóa thôn Quỳnh Sơn

Giá trị văn hóa lịch sử của quần thể 7 cây lim đã được khẳng định. Hiện tại, tất cả các cây đều có cành lá sum suê, khép tán tỏa bóng mát cả một vùng khá lớn ngay dưới chân dốc dẫn lên dấu tích Đền Ô Trà Sơn Nam Nhạc xưa. Lúc trời nắng đẹp, bóng của những cây lim in bóng xuống giếng Mụn Trôi ngay cạnh taoh nên một phong cảnh hữu tình hiếm có.

Tuy nhiên, khi cận cảnh chứng kiến tại thực địa thì cả 7 cây lim quý đều bị tổn thương do trong một thời gian dài không được chăm sóc, bảo vệ. Cây lớn nhất, nằm gần đường nhất vẫn lộ ra một hốc lớn là dấu tích bị đốt thủng ngang cây, còn 6 cây khác, ở thân cây sát gốc đều lộ phần ròng ra ngoài và có dấu hiệu bị mục.

Hầu hết cây lim, phần gốc đều bị tổn thương cần sớm được bảo vệ tích cực

Cụ Lê Văn Hà (82 tuổi, thường gọi là cụ Tứ) chia sẻ: "Tui (tôi) sinh ra đã chộ (thấy) những cây lim ở đó. Ngày xưa, từ chỗ cây lim lên đến đền có nhiều cây cổ thụ nhưng dân chặt phá hết. Kể cả 7 cây lim hiện tại xã cũng đã từng hóa giá bán. Tuy nhiên, sau khi chặt 1 cây, người mua gặp nhiều chuyện lạ nên họ trả lại, không dám chặt tiếp nên giờ mới còn sót lại”.

Hiện nay, dấu tích của Đền Ô Trà Sơn Nam Nhạc không còn, thay vào đó là nghĩa trang Rú Cồn. Xung quanh 7 cây lim là san sát mộ. Dưới gốc và tán cây lim, những buổi trưa nóng nực, người dân nơi đây đưa trâu bò ra để được hưởng bóng im mát và không khí trong lành.

Những buổi trưa hè, dân Quỳnh Sơn thường cột trâu bò dưới tán cây lim

“Chúng tôi tự hào có Ví phường vải Trường Lưu góp phần vào để Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, Mộc bản Phúc Giang được công nhận là Di sản kí. Năm 2015, việc những cây lim ở thôn Quỳnh Sơn được công nhận là Cây di sản lịch sử văn hóa Việt Nam đã tô điểm thêm những giá trị lịch sử to lớn của dân Trường Lộc. Hiện nay, theo quy hoạch Nông thôn mới, chúng tôi đã đóng cửa khu nghĩa địa Rú Cồn ở thôn Quỳnh Sơn vừa để tránh quá tải, vừa là để lâu dài có điều kiện khôi phục lại đền Ô Trà Sơn Nam Nhạc.

Cùng với quần thể 7 cây lim Di sản và khu nghĩa trang, tất cả sẽ trở thành khu văn hóa tâm linh theo nguyện vọng của bà con nhân dân Quỳnh Sơn nói riêng và cả xã nói chung” - ông Nguyễn Hữu Tuấn, Chủ tịch UBND xã Trường Lộc cho biết.

Tác giả và một trong những Cây lim Di sản

Về những việc làm cụ thể của xã để bảo tồn cây Di sản sau khi được công nhận, ông Nguyễn Hữu Tuấn bộc bạch: “Thú thật là xã mới chỉ đổ 5 xe đất sỏi để tránh bị xói mòn gốc rễ dẫn đến đổ cây chứ chưa có nguồn kinh phí nào để tạo cảnh quan xung quanh xứng đáng với Cây di sản. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục lập hồ sơ đề nghị Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xem xét công nhận cụm 7 cây lim này là “Cây di sản Việt Nam”. Đến lúc đó, chúng tôi sẽ xây dựng phương án bảo tồn một cách bài bản”.

Được biết, trên địa bàn Huyện Can Lộc, cụm 4 cây Kơnia (cây Lậy Cầy) cổ thụ trong khuôn viên trường Tiểu học Sơn Lộc cũng đã được công nhận và vinh danh là Cây di sản Việt Nam.

Quốc Hiệp
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến