Dòng sự kiện:
Cận cảnh dự án 500 triệu USD thành... nơi chăn bò
23/02/2022 10:05:31
Được kỳ vọng là khu du lịch sinh thái tầm cỡ khu vực, với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD nhưng dự án công viên Sài Gòn Safari nay vẫn chỉ là bãi cỏ hoang, dân địa phương tận dụng chăn thả trâu, bò.

Dự án Khu công viên Sài Gòn Safari có quy mô gần 500 ha nằm tại các xã An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi, TPHCM). Tổng kinh phí đầu tư dự án lên tới 500 triệu USD, do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên làm chủ đầu tư.

Năm 2004, để thực hiện "siêu" dự án này, UBND TPHCM ra quyết định thu hồi đất, đồng thời giao chủ đầu tư, UBND huyện Củ Chi tiến hành bồi thường và tái định cư cho hơn 700 hộ dân thuộc địa bàn 2 xã của huyện Củ Chi.

Hơn 700 hộ dân bị thu hồi đất, trong đó 443 hộ bị giải tỏa trắng, 262 hộ bị ảnh hưởng đất nông nghiệp.

Dự án thuộc cụm du lịch văn hóa lịch sử Củ Chi, cách trung tâm thành phố khoảng 50 km. Theo quy hoạch, Sài Gòn Safari sẽ là khu du lịch sinh thái tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Nơi đây sẽ tổ chức biểu diễn thú ban ngày, ban đêm, khu dã ngoại, resort, khu vui chơi giải trí cho thiếu nhi...

Dự kiến, Sài Gòn Safari còn tổ chức nuôi dưỡng, trưng bày nhân giống 300 loài động vật quý hiếm với khoảng 10.000 con, 3.000 loài thực vật (bao gồm luôn cả cây cảnh, cây xanh, dây leo.

Tuy vậy, khi triển khai dự án, "siêu" dự án vấp phải nhiều khiếu nại của người dân liên quan đến mức đền bù, giải phóng mặt bằng. Đến nay, vẫn còn 15 hộ dân chưa đồng ý với mức giá bồi thường nên chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng, trong đó, 11 hộ (thuộc xã An Nhơn Tây) diện tích 6,31ha, 4 hộ (thuộc xã Phú Mỹ Hưng) diện tích 2,71ha.

Trước những lùm xùm liên quan đến việc chậm tiến độ của dự án, năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc chỉ ra hàng loạt vấn đề tại đây. Cụ thể, dự án có quy mô lớn, diện tích đất phải thu hồi hơn 450ha, nhưng UBND TP HCM chưa thực hiện đúng trình tự pháp luật. TPHCM đã giao dự án cho Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên làm chủ đầu tư nhưng doanh nghiệp này không đủ năng lực thực hiện.

Cuối năm 2021, UBND huyện Củ Chi kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh quy hoạch Khu công viên Sài Gòn Safari sang chức năng khu công nghiệp kỹ thuật cao. Việc chuyển đổi nhằm "gỡ rối" cho dự án bỏ hoang gần 20 năm và tạo điều kiện cho huyện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Theo người dân nằm trong khu vực dự án, việc dự án bỏ hoang kéo dài khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng loạt căn nhà bị bỏ hoang, nhiều căn nhà xuống cấp trầm trọng nhưng không được sửa chữa, xây dựng. Người dân chưa chịu di dời thì sống tạm bợ trong những căn nhà lá, dột nát. Hàng trăm ha đất bỏ trống nay làm nơi chăn thả trâu, bò.

Bà Lâm Thị Nở (60 tuổi), cho biết, đại gia đình bà có hơn 10ha đất nằm trong khu quy hoạch dự án Sài Gòn Safari, riêng bà có hơn 4.000m2. Việc chủ đầu tư chậm đền bù, giải phóng mặt bằng khiến đời sống gia đình bà và các chị em bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dù nhiều lần phản ánh với chủ đầu tư nhưng đến nay gia đình bà vẫn chưa được giải quyết.

"Năm 2004, họ xuống ghi số lượng cây cối, nhà cửa... áp giá 75.000 đồng/m2. Thấy nhiều gia đình khác nhận 150.000 đồng/m2 mà đất nhà tôi 2 mặt tiền mà chỉ nhận 75.000 đồng/m2 nên gia đình tôi không chấp nhận bồi thường. Nay giá đất đã hơn 20 triệu/m2 mà đền bù chúng tôi có 75.000 đồng/m2 thì chúng tôi biết sống thế nào. Mong các cấp chính quyền sớm có hướng hỗ trợ cho dân nghèo chúng tôi", bà Nở cho hay.

Khu tái định cư của dự án hiện cũng chỉ là nơi để chăn, thả trâu, bò. Nhiều người dân chờ đợi hàng chục năm để vào ở nhưng đến nay khu này vẫn chưa được xây xong hạ tầng.

Theo thống kê của Sở TN&MT, hiện TPHCM còn hơn 500 dự án treo với tổng diện tích hơn 20.000 ha. Ngoài dự án Công viên Sài Gòn Safari, các dự án lớn, có thời hạn "treo" hàng chục năm gồm: Bình Quới - Thanh Ða; dự án Khu đô thị Sing-Việt (331 ha), dự án Khu đô thị Tây Bắc (hơn 900 ha) và khu đô thị Nam thành phố...

Liên quan đến dự án treo, cuối năm 2021, HĐND TPHCM đã tổ chức giám sát và UBND TPHCM cho rà soát lại trên 2.800 dự án. Trong đó, 600 dự án hoàn thành, hơn 1.500 dự án đang triển khai thực hiện, 547 dự án phải thu hồi chủ trương do chậm triển khai. TPHCM đã ra quyết định hủy bỏ 108 dự án quá 3 năm không thực hiện, trình HĐND thành phố thông qua, hủy bỏ 61 dự án thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.

Tác giả: Xuân Hinh

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến