Dòng sự kiện:
Cần 'giải tán' những công trình xâm phạm rừng phòng hộ Sóc Sơn
02/11/2018 19:03:34
Ông Nguyễn Hữu Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ (Tổng cục Lâm nghiệp) cho rằng, cần phải “giải tán” những công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

Liên quan đến những công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) mà báo chí phản ánh thời gian qua, ngày 1/11, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thiện – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ (Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT) để tìm hiểu về vai trò của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và những quy định trong công tác quản lý các loại rừng ở Việt Nam.

Ông cho biết vai trò của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là như nào?

Hiện nay Việt Nam phân làm 3 loại rừng, đó là: rừng sản xuất, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Loại rừng nào cũng có chức năng bảo vệ môi trường, nhưng đối với rừng phòng hộ và rừng đặc dụng ngoài chức năng bảo vệ môi trường còn bảo vệ giá trị về đa dạng sinh học.

Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường, hạn chế xâm nhập mặn, chắn cát...

Những tổ hợp nghỉ dưỡng, du lịch vẫn tiếp tục mọc lên trên địa bàn huyện Sóc Sơn. (Ảnh: Toàn Vũ)

Còn rừng đặc dụng là loại rừng được thành lập với mục đích chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, bảo vệ nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh phục vụ nghỉ ngơi du lịch kết hợp với phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái.

Rừng phòng hộ cũng có giá trị sinh học nhưng thấp hơn chút, có thể là rừng trồng và rừng tự nhiên, nhưng rừng đặc dụng hầu hết phải là rừng tự nhiên.

Vậy công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được quy định như nào, thưa ông?

Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đều do nhà nước quản lý và có các Ban quản lý. Nhưng riêng rừng đặc dụng thì 100% phải do cán bộ nhà nước quản lý.

Còn rừng phòng hộ có 2 thể chế, nghĩa là rừng này vẫn thuộc đối tượng nhà nước quản lý nhưng có thể là tổ chức, cá nhân, hộ dân có thể được giao quản lý. Tức là cá nhân, tổ chức được nhà nước cấp cho sổ lâm bạ để quản lý một diện tích rừng nhất định, thậm chí được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), nhưng sổ đỏ không phải để tổ chức, cá nhân được làm nhà to và kiên cố, mà phải giữ nguyên trạng rừng đó.

Khoảng 10-15 năm về trước khả năng đầu tư về lâm nghiệp không được nhiều, nên phải khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia cùng quản lý, giao cho họ một diện tích rừng phòng hộ, trong đó có quy định khoảng 30% diện tích đất trống để họ tăng gia sản xuất. Ví dụ giao cho họ 10ha rừng phòng hộ, trong đó có 2ha đất trống thì tổ chức, cá nhân được sử dụng 30% của 2ha đất trống này để làm công tác sản xuất như chăn nuôi, được xây những lán trại tạm thời để trông coi, chứ không được xây dựng nhà kiên cố.

Về mặt quy định phải giao rừng phòng hộ cho người địa phương, rừng phòng hộ không được phép chuyển nhượng cho người ngoài địa phương. Nếu người được giao quản lý rừng phòng hộ mà sau một thời gian không làm nữa phải thông báo để cơ quan chức năng giao cho người khác cùng địa phương, chứ không thể người từ Sài Gòn ra nhận quản lý rừng ở Sóc Sơn là không được.

Nhà nước trả công cho người được giao quản lý rừng phòng hộ như nào, thưa ông?

Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 9/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý rừng phòng hộ, khi được giao diện tích rừng phòng hộ nào đó, tổ chức, cá nhân có quyền được sử dụng một phần đất trống trong khu vực đó để làm sản xuất, để họ gắn bó bền vững với diện tích rừng đó. Trả công theo khoán bảo vệ rừng phòng hộ có từng loại, nơi có dịch vụ môi trường rừng có thể trả cao lên tới 500.000-600.000 đồng/ha, ở những nơi khác có thể chỉ được 50.000-100.000 đồng/ha, như Sóc Sơn khoảng 200.000 đồng/ha.

Một toà nhà biệt thự trong khu Hoàng Lê Gia Garden đã xây xong phần thô trên đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn đang trong giai đoạn hoàn thiện. (Ảnh: Toàn Vũ).

Rừng phòng hộ có những nơi được trồng mới toàn bộ, nghĩa là khi giao cho người dân một diện tích đất trống được quy hoạch làm rừng phòng hộ, sau đó người này được giao trồng rừng do nhà nước đầu tư tiền và cây. Ngày xưa theo quy định, trồng rừng phòng hộ là 10 triệu đồng/ha, nên khi giao cho ai đó 10ha thì họ có hơn 100 triệu đồng, từ đó họ có thể thuê hoặc tự trồng, đơn giản là họ giống như nhà thầu thi công và sau đó bảo vệ diện tích rừng họ được giao.

Như ở Sóc Sơn - Hà Nội để xảy ra những vi phạm về xây dựng trên đất rừng phòng hộ, theo ông trách nhiệm chính thuộc về đơn vị nào?

Tổng cục Lâm nghiệp chỉ tổng hợp số liệu và xây dựng những chính sách liên quan, còn thực thi là chính quyền và các cơ quan chuyên môn ở địa phương. Rõ ràng để xảy ra chuyện như vậy thì Ban quản lý rừng cũng có trách nhiệm. Tuy nhiên, Ban quản lý chỉ có trách nhiệm phát hiện và đề xuất xử lý với chính quyền địa phương chứ không xử lý được, thậm chí có nơi đã lập biên bản vi phạm nhưng rồi cứ kéo dài từ năm này qua năm khác, vẫn không được xử lý. Như ở Sóc Sơn thì phải nói là chính quyền địa phương trong công tác quản lý và thực thi pháp luật về rừng còn kém, đôi khi chính quyền địa phương còn xem nhẹ công tác quản lý rừng.

Như ông nói ở trên thì rừng phòng hộ có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, vậy với những công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng phòng hộ như ở Sóc Sơn thì theo ông phải xử lý như nào?

Đã là đất rừng phòng hộ mà xây dựng toàn những nhà 3-4 tầng, rộng hàng vài trăm mét vuông như vậy là không đúng quy định. Về mặt quy định của pháp luật phải giải tán, dứt khoát phải phá dỡ, chứ không thể “phạt cho tồn tại”.

Xin cảm ơn ông!

Theo Dân trí

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến