Dòng sự kiện:
Cân nhắc giảm giá điện để hỗ trợ người dân vượt qua 'bão' dịch
19/05/2021 08:45:16
Dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát trên diện rộng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất - thương mại và đời sống nhân dân.

Do đó, sau 2 đợt giảm giá điện, Bộ Công thương đang tiếp tục xem xét báo cáo Chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ các cơ sở lưu trú du lịch khắc phục khó khăn.

Có tới 87,2% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19. Ảnh: TL

Thu hẹp đối tượng được giảm tiền điện đợt 3

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Trong đó, có yêu cầu Cục Điều tiết điện lực xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch, miễn giảm tiền điện cho các cơ sở được dùng để cách ly tập trung, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã nhiễm Covid-19 theo danh sách được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Năm 2020, EVN triển khai 2 đợt giảm giá điện, giảm tiền điện với tổng giá trị dự kiến trên 12.000 tỉ đồng, với tổng thời gian giảm lên tới 6 tháng. Trong đó, đợt 1 hơn 9.000 tỉ đồng đã được giảm trực tiếp cho khách hàng trong kỳ hóa đơn từ tháng 4 đến tháng 6, đợt 2 với dự kiến số tiền giảm lên trên 3.000 tỉ đồng.

Như vậy là so với 2 đợt giảm giá năm 2020 với đối tượng được hỗ trợ tiền điện là hầu hết các khách hàng và tổng số tiền lên tới 12.300 tỉ đồng thì đối tượng để miễn, giảm được đề xuất lần này đã thu hẹp đáng kể.

Trong đó, hộ tiêu dùng sinh hoạt được giảm 10% giá bán lẻ điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4, cơ sở lưu trú du lịch và khách hàng có kho chứa hàng hóa được áp dụng mức giảm giá bằng mức giá bán lẻ áp dụng cho các ngành sản xuất; giảm 100% tiền điện cho các cơ sở cách ly, khám bệnh…

Mới đây, trước những thông tin lo lắng về việc giá điện có thể tăng trong thời gian tới do dự báo quý II hàng năm là thời gian cao điểm của mùa khô, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, tại thời điểm này không có việc điều chỉnh giá điện. Theo tính toán, nếu nhiệt độ tăng thêm từ 0,5 – 10C thì sản lượng điện tiêu thụ sẽ tăng khoảng 2,5 – 3%.

Cân nhắc việc mở rộng đối tượng

Điện là sản phẩm thiết yếu và là một trong những mặt hàng có tác động rất mạnh đến đời sống của người dân cũng như sản xuất của doanh nghiệp. "Việc hỗ trợ giảm giá điện 2 đợt trong năm 2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã kịp thời hỗ trợ rất hiệu quả, qua đó đã giúp nhiều doanh nghiệp tiết giảm được một khoản chi phí để vượt qua cơn bĩ cực. Đồng thời, người dân cũng được giảm bớt khó khăn về tài chính khi thất nghiệp gia tăng, thu nhập bấp bênh..." - bà Nguyễn Thu Hương - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Hương (Hà Nội) chia sẻ.

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang trong giai đoạn cực kỳ căng thẳng, bùng phát trên diện rộng đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng điện tại các hộ gia đình, doanh nghiệp gia tăng do tăng cường các thiết bị, nhiều đối tượng nghỉ dịch cũng đội lên không ít chi phí tiền điện trong kinh doanh hay sinh hoạt hằng ngày của doanh nghiệp và người dân. "Trước tình hình đó, cùng với gói an sinh xã hội, việc giảm giá điện sẽ hỗ trợ giảm bớt gánh nặng tài chính, khó khăn do tác động của dịch bệnh nên cả doanh nghiệp và người dân mong muốn tiếp tục được hỗ trợ" - bà Hương chia sẻ thêm.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giảm giá điện vẫn được coi là giải pháp thiết thực nhất hỗ trợ hộ tiêu dùng sinh hoạt, các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh thu nhập giảm mạnh, chi phí, giá xăng, thất nghiệp… đều gia tăng.

Cũng theo các chuyên gia, dù chỉ giảm tiền điện trong ngắn hạn thì vẫn sẽ phần nào thể hiện được sự chia sẻ và đồng cảm với người dân, doanh nghiệp khi bị khó khăn bủa vây vì đại dịch như hiện nay./.

Tác giả: Tố Uyên

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến