ANTT.VN - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thú 9 Quốc hội khóa XIII, trong 2 ngày 16 và 17/6/2015, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Một trong những nội dung được thảo luận sôi nổi nhất là vấn đề giảm bớt số lượng, loại hình tội danh áp dụng hình thức tử hình.
Tin liên quan
Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) - ảnh: quochoi.vn
Không đồng ý bỏ tử hình tội ma túy, tham nhũng
Giảm tử hình là một chủ trương lớn của Đảng được thể hiện trong các nghị quyết về cải cách tư pháp và trong thực tiễn lập pháp hình sự nước ta, trên tinh thần bảo vệ các quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp năm 2013 và xu hướng hội nhập quốc tế.
Áp dụng chủ trương này, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về Bộ luật Hình sự (BLHS) (sửa đổi) tán thành việc hạn chế hình phạt tử hình ở cả ba phương diện: giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình; quy định điều kiện chặt chẽ nhằm hạn chế các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình và mở rộng hơn đối tượng bị kết án tử hình nhưng không phải thi hành án tử hình. Dự thảo luật bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình bao gồm: cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.
Đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình với tinh thần Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình với việc bỏ tử hình tội ma túy, tham nhũng. Theo đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên): “ Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 12 đã thảo luận để bỏ hình phạt tử hình đối với tội ma túy nhưng chưa được sự đồng tình của đại biểu Quốc hội. Chỉ có gần 44% đại biểu Quốc hội đồng tình nên vẫn giữ khung hình phạt cao nhất đến tử hình. Trong bối cạnh hiện nay, nhiều vụ án các đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn, thủ đoạn tinh vi cấu kết chặt chẽ và thường trang bị vũ khí sẵn sàng chống trả quyết liệt các lực lượng chức năng của ta. Rất nhiều gương hy sinh dũng cảm của cán bộ chiến sỹ công an, biên phòng trong cuộc chiến khốc liệt này. Vì vậy cá nhân tôi thấy cần tiếp tục hình phạt tử hình đối với tội này”.
Cùng chung ý kiến như trên, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng cần phân tách đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy, nếu là đối tượng buôn bán vận chuyển chuyên nghiệp thì vẫn nên áp dụng hình thức cao nhất là tử hình để tăng tính răn đe trong cộng đồng, còn nếu đối tượng vi phạm là người dân nghèo bị dụ dỗ thì cần xem xét các yếu tố giảm nhẹ khi định tội.
Đối với tội tham nhũng, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) cho rằng bỏ tử hình tội tham nhũng là “..tạo kẽ hở để tội tham nhũng, có thể lợi dụng dùng tiền để đổi mạng, làm như vậy chẳng khác nào khuyến khích, dung túng, bao che cho tham nhũng. Tham nhũng là tội có mục đích kinh tế, tham nhũng là quốc nạn, là lũng đoạn đất nước, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ”.
Không đồng tình bỏ hình thức tử hình tội tham nhũng còn là ý kiến chung của các đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam), Bùi Văn Phương (Ninh Bình), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) và rất nhiều đại biểu khác.
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) - ảnh: quochoi.vn
Một số điều khoản gây nhiều tranh luận
Trái với ý kiến của một số đại biểu đồng tình với việc bỏ 7/22 tội danh áp dụng hình thức tử hình, đại biểu Nguyễn Thế Trường (Vĩnh Phúc)đề nghị “không nên bỏ hình phạt tử hình đối với các tội như tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, tội chống loài người, tội phạm chiến tranh, ở các điều 436, 437, 438 trong dự thảo. Vì đây là loại tội phạm nghiêm trọng nhất trong các tội đặc biệt nghiêm trọng và xét về ý nghĩa chính trị, chừng nào còn duy trì hình phạt tử hình thì không nên bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh này”.
Rất nhiều ý kiến không đồng tình với việc bỏ áp dụng tử hình đối với đối tượng người trên 70 tuổi, ví dụ đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Trần Thị Dung (Điện Biên). Đại biểu Dung cho rằng: “Một số năm gần đây, trong một số vụ án hình sự có không ít đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng là người từ 70 tuổi trở lên. Ví dụ: Bị cáo Lê Đức Mỹ, 82 tuổi, trú tại thành phố Tây Ninh, phạm tội hiếp dâm trẻ em mà nạn nhân là bé gái 7 tuổi, 5 tháng; Bị cáo Nguyễn Văn Tài, 85 tuổi, trú tại thành phố Nam Định phạm tội giết người, nạn nhân bị giết hại với 43 nhát dao chính là vợ của bị cáo... Đây là những trường hợp người trên 70 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất tử hình. Tôi cho rằng người 70 tuổi trở lên vẫn đủ sức khỏe, đủ năng lực để thực hiện hành vi phạm tội, tại sao lại được miễn trừ án tử hình và như vậy có đảm bảo nguyên tắc Hiến định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật theo Khoản 1, Điều 16, Hiến pháp hay không? Bên cạnh đó, nếu quy định như dự thảo luật thì người từ đủ 70 tuổi trở lên phạm bất kỳ tội phạm nào cũng được miễn hình phạt tử hình và như tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội khủng bố, tội chống loài người, tội phạm chiến tranh được miễn áp dụng hình phạt tử hình lại càng phải hết sức cân nhắc và cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này trong xây dựng Bộ luật hình sự”.
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) cho rằng Điểm c, Khoản 3, Điều 39 là chưa rõ, cần xem xét lại. Theo đó, "Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về các tội có mục đích kinh tế sau khi kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra xử lý tội phạm hoặc lập công lớn". Đại biểu cho rằng nội dung quy định của điều khoản này chưa rõ, thiếu cụ thể, có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau và không đảm bảo tính khả thi, vì vậy cần làm rõ thế nào là khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm? Loại tội phạm nào là loại tội phạm có mục đích kinh tế có bao gồm các tội về ma túy hay không? ..
Với ý kiến bỏ tử hình vói tội phạm vị thành niên, đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp) nếu quan điểm: “Tôi đồng ý không tử hình đối với người vị thành niên, nhưng đối với những vụ việc có tính chất côn đồ, mất nhân tính nghiêm trọng (như vụ Lê Văn Luyện) cần phải có những hình phạt bổ sung, nhằm quản thúc những đối tượng này chặt chẽ hơn, đề phòng ngăn chặn họ gây tổn hại cho người vô tội”.
Nhìn chung, các đại biểu cho rằn: giảm hình phạt tử hình vừa phải chú ý đến việc bảo đảm tính nhân đạo đối với người phạm tội vừa phải bảo đảm sự ổn định an ninh, trật tự xã hội, hiệu quả phòng chống tội phạm.
Hoàng Yến
Nên đọc