Dòng sự kiện:
Cạn room tín dụng, ngân hàng nên cân nhắc điều gì?
24/09/2018 14:45:36
Nếu là trước đây các ngân hàng sẽ "xin" NHNN để được nới khi cạn room tín dụng thì Chỉ thị 04 mới đây của Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN sẽ không xem xét điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Ngày 2/8/2018, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2018. 

Theo đó, đối với tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống và từng TCTD, NHNN tiếp tục kiểm soát chặt chẽ theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra. Đáng lưu ý, NHNN không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt, như một số NHTM tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các TCTD yếu kém).

Thống kê có được, nhiều Ngân hàng thương mại (NHTM) niêm yết đã có mức tăng trưởng cho vay cao hơn bình quân trong 6 tháng đầu năm 2018. Chẳng hạn như Vietcoombank tăng trưởng tín dụng từ đầu năm là 11,52%, Viettinbank tăng trưởng tín dụng từ đầu năm là 9,7%, MBBank tăng trưởng tín dụng từ đầu năm là 11,2%, HDBank: tăng trưởng tín dụng từ đầu năm là 16,18%;  ACB: tăng trưởng tín dụng từ đầu năm là 11,79%; Sacombank tăng trưởng tín dụng từ đầu năm là 10,6%; LienVietPostBank tăng trưởng tín dụng từ đầu năm là 13,82%.

Cạn room tín dụng, LienVietPostBank cho biết sẽ cắt giảm hàng loạt các chỉ tiêu kinh doanh của năm 2018.

Nếu theo quy định từ đầu năm của NHNN thì có vẻ như tín dụng tại những NHTM trên sẽ không thể tăng trưởng nhiều trong nửa cuối năm trừ khi NHNN nới hạn mức lên trên 14%.

Thống đốc Lê Minh Hưng từng chia sẻ với báo chí rằng, không phải đến lúc này mới đặt ra yêu cầu kiểm soát tăng trưởng tín dụng chặt chẽ. Ngay từ đầu năm, trên cơ sở đánh giá các điều kiện, các cân đối tài chính của từng tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu cụ thể và phù hợp. Theo đó, những tổ chức tín dụng có tình hình tài chính tốt, đảm bảo tốt các tỷ lệ an toàn trong hoạt động được giao chỉ tiêu cao hơn, và ngược lại ở những tổ chức tín dụng có các điều kiện hạn chế hơn.

Ở định hướng chung, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh rằng, hai ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách tiền tệ hiện nay là ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát. Trong đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát gắn trực tiếp hơn với tăng trưởng tín dụng. Việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng hiện nay còn nhằm chủ động hơn cho mục tiêu kiểm soát lạm phát trong tương lai.

Để có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thuận lợi hơn, mỗi tổ chức tín dụng phải nâng cao hơn nữa năng lực tài chính của mình. Như chứng khoán HSC nhận định, những ngân hàng này còn có một số phương án có thể sử dụng để giảm bớt ảnh hưởng từ Chỉ thị trên mà vẫn thực hiện đúng theo quy định của NHNN.

Thứ nhất, có thể tái cơ cấu các khoản vay. Các NHTM trên có thể tái cơ cấu các khoản vay theo hướng chuyển một số khoản vay lợi suất thấp đáo hạn sang các khoản vay lợi suất cao hơn. NHTM có thể bán bớt một số các trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường hoặc bán cho các công ty chứng khoán/công ty bảo hiểm để tạo thêm dư địa cho vay khách hàng. Hoặc bán một phần dư nợ cho vay cho các NHTM khác có mức tăng trưởng chậm hoặc Công ty quản lý tài sản của các NHTM khác.

Thứ hai, áp dụng lãi suất cho vay cao hơn và lãi suất tiền gửi thấp hơn để đẩy mạnh tỷ lệ NIM – một lựa chọn khác là đẩy mạnh tỷ lệ NIM bằng cách áp dụng lãi suất cho vay cao hơn đối với một số khách hàng đi vay và lãi suất nhận tiền gửi thấp hơn. Khả năng giảm lãi suất tiền gửi là có thể nếu tín dụng tăng chậm lại thì nhu cầu tăng huy động cũng giảm theo. Tuy nhiên, dư địa để tăng tỷ lệ NIM là hạn chế.

Thứ ba, đẩy mạnh các nguồn thu nhập ngoài lãi và cắt giảm chi phí hoạt động: Các ngân hàng có thể nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng các nguồn thu nhập ngoài lãi bằng cách tăng phí dịch vụ khách hàng và quyết liệt hơn trong mảng bán bảo hiểm. Đồng thời kiểm soát chi phí hoạt động nghiêm ngặt hơn.

Thứ 4, đăng ký hỗ trợ các ngân hàng yếu kém, Một số ngân hàng có thể tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng thông qua M&A với các ngân hàng đang tiến hành tái cấu trúc hoặc bằng cách nỗ trợ các ngân hàng này trong công tác quản trị, huy động và bán chéo,…

Các chuyên gia nhận định, từ giờ đến cuối năm, tín dụng sẽ tăng chậm. Trong bối cảnh TTCK đang trong giai đoạn ảm đạm như hiện nay thì các ngân hàng sẽ rất khó huy động thêm được nguồn vốn tự có cấp 1. Vì vậy, câu chuyện về chất lượng tín dụng sẽ được ưu tiên hơn so với số lượng. "Với diễn biến tăng trưởng tín dụng như hiện nay, đến cuối năm 2018, tín dụng có thể đạt 14 - 15% hoặc có thể cao hơn nhưng tối đa chỉ ở mức 17%. Điều quan trọng nhất đối với vấn đề này không phải là con số tăng bao nhiêu mà là đảm bảo dòng vốn vào đúng nơi sản xuất, kiểm soát vốn vào các lĩnh vực rủi ro như BOT, chứng khoán, bất động sản” - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.

Thu Hà

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến