Người tiêu dùng mua xăng trên phố Hào Nam.
Vì sao CPI giảm?
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019 giảm 0,21% so với tháng trước. Trước hết, việc giá điện tăng khá cao từ ngày 20/3 vừa qua không ảnh hưởng đến CPI quý I năm nay, do chu kỳ lấy số tính CPI của Tổng cục Thống kê (TCTK) kéo dài từ ngày 16 tháng liền trước cho tới ngày 15 tháng công bố.
Bên cạnh đó, dù một số mặt hàng tăng giá nhưng nhiều mặt hàng cũng giảm giá trong quý 1. Trong đó xuất hiện các diễn biến mới như giá các mặt hàng thịt lợn giảm (do nhu cầu tiêu dùng sau Tết giảm và ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi), giá lúa gạo cũng giảm do bệnh dịch và thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn. Đây là nhóm hàng giảm nhiều nhất trong tổng số 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chỉ số giá giảm. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm nhiều nhất với 1,42% (lương thực giảm 0,55%; thực phẩm giảm 1,97%), góp phần làm CPI chung giảm 0,51%... Đóng góp vào mức tăng thấp của CPI bình quân quý I năm nay còn do giá xăng dầu được điều chỉnh giảm làm chỉ số giá xăng dầu giảm 8,22%, tác động làm CPI giảm 0,34%.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, những năm CPI tăng mạnh mà có sự điều chỉnh giá điện (giai đoạn 2010 - 2011) thì ngoài giá điện ra, lạm phát những năm đó còn bị tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố khác, đặc biệt là do cung tiền gia tăng mạnh. Tuy nhiên, “lạm phát cơ bản quý I/2019 so với cùng kỳ ở mức 1,84% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định” - báo cáo này nêu rõ.
Vẫn tiềm ẩn rủi ro
Theo các chuyên gia, vẫn có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới CPI trong những tháng tới. Đó là giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới có xu hướng tăng trở lại như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép,… nên quý I/2019 so với cùng kỳ, chỉ số giá nhập khẩu tăng 1,06%, chỉ số giá sản xuất công nghiệp tăng 1,45%; chỉ số giá sản xuất nông nghiệp tăng 3,6%; chỉ số giá xuất khẩu tăng 2,88%.
Đó là chưa kể đến một số yếu tố tăng giá ảnh hưởng tới lạm phát như điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình và giá xăng dầu trên thế giới diễn biến bất thường; cũng như ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai...
“Giá điện tăng 8,36% vào ngày 20/3, giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng, tiền lương cơ sở tăng từ 1/7… Trước mắt, trong quý II không nên điều chỉnh bất cứ mặt hàng nào do Nhà nước quản lý để mặt bằng giá quý II năm nay thấp hơn quý II năm ngoái thì CPI sẽ được kiểm soát và tạo cơ hội để hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%” - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá Đỗ Thị Ngọc khuyến cáo.
Về diễn biến của giá xăng dầu, chuyên gia Ngô Trí Long phân tích, những căng thẳng về chính trị giữa các nước có thể đẩy giá dầu mỏ leo thang như diễn biến của những năm 2008 - 2009 khi chạm mức đỉnh 147 USD/thùng. Mặt hàng xăng dầu hiện chiếm tỷ trọng gần 3% trong rổ hàng hóa tính chỉ số CPI của Việt Nam. Không chỉ vậy, do xăng dầu là đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất khác nên sự tăng giá của nó sẽ tiếp tục làm tăng giá các mặt hàng khác.
Tính đến thời điểm hiện tại, tiền đồng (VND) đang mất giá ít hơn so với rất nhiều đồng tiền khác như CNY của Trung Quốc, THB của Thái Lan, IDR của Indonesia... đồng nghĩa với việc VND đã gián tiếp lên giá so với các đồng tiền đó. Do vậy, các DN trong nước sẽ có xu hướng đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa thay vì sản xuất trong nước. Hậu quả của xu hướng này chính là nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài vào Việt Nam.
Do vậy, theo các chuyên gia, những yếu tố bên ngoài mới là áp lực chính chứa đựng bất ngờ, có thể ảnh hưởng mạnh đến lạm phát nhưng lại nằm ngoài khả năng kiểm soát của các cơ quan điều hành trong nước. Để có thể kiểm soát lạm phát trong năm 2019, Chính phủ cần tiếp tục kiên trì theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô như đã làm trong năm 2017 và 2018.
Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019 trên địa bàn TP giảm 0,13% so với tháng trước và tăng 4,05% so cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân khiến CPI giảm là do có một số nhóm hàng giảm so với tháng trước: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,31%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,3%; nhóm bưu chính - viễn thông giảm 0,17%... Trong tháng, chỉ số giá vàng giảm 0,08% và chỉ số giá USD tăng 0,03% so với tháng trước. |
Theo Kinh tế & Đô thị
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy