Dòng sự kiện:
Cơ hội để châu Á giảm lãi suất từ kết quả cuộc họp chính sách của Fed
23/03/2019 17:09:56
Việc thay đổi chính sách đột ngột của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mở ra cơ hội cắt giảm lãi suất trên toàn châu Á, trong bối cảnh lạm phát duy trì ở mức thấp và tăng trưởng kinh tế chậm.

4 tháng trước, Fed dự kiến tăng lãi suất gây ảnh hưởng đến đồng tiền khu vực châu Á và tạo áp lực thâm hụt tài khoản vãng lai.

Hiện tại, mối quan tâm của châu Á đang chuyển sang các vấn đề trong nước - yếu tố chính ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ. Các ngân hàng trung ương Indonesia và Philippines – thuộc các nước tăng lãi suất mạnh nhất năm 2018 – ngày 21/3 không thay đổi lãi suất với lý do lạm phát đã được kiềm chế.

“Sự thay đổi lớn này của Fed sẽ chấm dứt làn sóng thắt chặt của các ngân hàng trung ương châu Á và mở ra cơ hội nới lỏng trong tương lai”, Hak Bin Chua, nhà kinh tế học tại Maybank Kim Eng Research Pte, Singapore cho biết.

Sự phục hồi tiền tệ cũng giúp ích cho quá trình này. Đồng nhân dân tệ tăng mạnh nhất trong các đồng tiền thuộc khu vực mới nổi tại châu Á trong năm nay, tăng 3% so với USD. Vị trí thứ 2 thuộc về đồng baht. Năm 2018, châu Á chỉ có đồng baht tăng giá.

Ngân hàng Indonesia giữ nguyên lãi suất 6% vào ngày 21/3. Thống đốc Perry Warjiyo đang cân nhắc các biện pháp an toàn vĩ mô nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước và tăng trưởng. Các ngân hàng đầu tư bao gồm Goldman Sachs Group và Morgan Stanley dự đoán việc cắt giảm lãi suất sẽ bắt đầu từ quý II/2019.

Ngân hàng trung ương Philippines giữ nguyên lãi suất tham chiếu ở 4,75%. Thống đốc Benjamin Diokno nói rằng các điều chỉnh hiện tại trong chính sách tiền tệ là phù hợp. Trước đó, ông đã ra tín hiệu sẵn sàng nới lỏng chính sách tiền tệ sau khi tăng lãi suất thêm 1,75% vào năm 2018.

Cũng như các ngân hàng ở Đông Nam Á, ngân hàng Trung ương Đài Loan không thay đổi lãi suất tham chiếu, giữ ở 1,375%, với lý do tăng trưởng kinh tế nhẹ và triển vọng lạm phát ổn định.

Trong khi kinh tế Trung Quốc được dự đoán ổn định vào giữa năm 2019, các nước châu Á còn lại tiếp tục giảm tốc. Xuất khẩu của Hàn Quốc - cho thấy xu hướng thay đổi trong thương mại toàn cầu - trong 20 ngày đầu tháng 3 đã giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước, dữ liệu ngày 21/3 cho thấy.

“Với một Fed ủng hộ nới lỏng tiền tệ, các ngân hàng trung ương châu Á có thể giảm lãi suất thực”, Trinh Nguyen, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Natixis Asia Ltd.

Quyết định không tăng lãi suất cũng được áp dụng tại các nền kinh tế phát triển. Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ ngày 21/3 thông báo giữ nguyên lãi suất trong khi giá dầu tăng khiến Na Uy phải tăng lãi suất như dự báo. Ngân hàng Anh được dự đoán tiếp tục trì hoãn tăng lãi suất.

Theo Người đồng hành

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến