Sau một năm hoàn thành, cảng Bến Đình ở huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) vẫn hoang vắng, đìu hiu. Sau hai trận bão lớn vào cuối năm 2020, cảng xuất hiện các vết nứt kéo dài, nhiều mảng gạch lót bị bong tróc.
Nhà ga của cảng cũng bị sóng cuốn lớp thảm nhựa, trần la phông bị lột, nhiều tấm cửa kính bị vỡ. Nhà thầu đang huy động nhân lực, phương tiện để khắc phục các hạng mục hư hỏng của công trình này.
"Cảng xây ở vị trí bất hợp lý"
Ông Đỗ Vũ Bảo, Phó giám đốc Ban quản lý công trình đầu tư giao thông tỉnh Quảng Ngãi (đại diện chủ đầu tư dự án), cho hay cảng Bến Đình là công trình ở đầu sóng, ngọn gió nên thường xuyên chịu tác động của thiên tai. Tuy nhiên, sóng biển chỉ cuốn đi lớp thảm nhựa bảo vệ bề mặt, còn công trình vẫn đảm bảo an toàn theo thiết kế.
"Cầu cảng bị nứt toác kéo dài là do sóng lớn làm mất tấm cao su ở các khe co giãn nên mới trống hoác như vậy. Công trình chưa được bàn giao nên các hạng mục hư hỏng, nhà thầu có trách nhiệm xử lý dứt điểm trong tháng 3", Phó giám đốc Ban quản lý công trình đầu tư giao thông tỉnh Quảng Ngãi giải thích.
Toàn cảnh cảng Bến Đình, huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Minh Hoàng.
Trước việc công trình chưa thể đưa vào sử dụng, ông Đặng Tấn Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết địa phương nhiều lần gửi văn bản kiến nghị chủ đầu tư nghiệm thu công trình. Tuy nhiên, đến nay, cảng Bến Đình vẫn chưa được đưa vào khai thác.
Ban đầu, chủ đầu tư dự kiến xây dựng cảng Bến Đình ngay phía trước đình làng An Vĩnh, cách 2 km về phía tây so với vị trí hiện tại. Sau đó, do người dân phản ứng nên công trình được dời xuống xây dựng ở khu vực có gò san hô.
"Cầu cảng được thiết kế theo chữ L, ở vị trí thường xuyên hứng chịu sóng lớn nên mỗi khi thời tiết gió cấp 5, cấp 6 thì tàu thuyền không thể vào neo đậu được", ông Thành nói.
Ở góc nhìn chuyên môn, ông Lê Kế Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam, cho biết về nguyên tắc, khi xây dựng cảng biển phải tuân thủ theo quy luật tự nhiên. Cảng biển xây dựng ở khu vực bãi ngang, gò cạn san hô cảng Bến Đình là bất hợp lý. Khi gò san hô càng bị khoét sâu, dao động sóng đẩy vào bờ càng lớn, gây phá hỏng công trình.
"Huyện đảo Lý Sơn ở nơi đầu sóng ngọn gió nhưng cảng này không có kè chắn sóng, gió thì công trình nào mà chống chịu nổi. Năng lượng sóng dựa vào bước sóng, tốc độ di chuyển theo gió. Do vậy, sóng tràn vào đến cảng Bến Đình mới giải phóng năng lượng thì khó có bê tông, cốt thép nào chịu nổi", ông Lâm nói.
Phó chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam cho rằng cần làm kè chắn sóng, gió ở bên ngoài để tiêu sóng. Có như vậy, tàu thuyền mới có thể ra vào cảng Bến Đình an toàn.
Bề mặt thảm nhựa cầu cảng Bến Đình bị bong tróc. Ảnh: Minh Hoàng.
Còn TS Bùi Việt Đông, Đại học Xây dựng Hà Nội, Chủ nhiệm đồ án thiết kế cảng Bến Đình, cho biết đơn vị đã điều tra các yếu tố thủy hải văn trên mô hình toán (bằng phần mềm MIKE-21).
Kết quả cho thấy vị trí xây cảng chịu tác động chủ yếu của sóng hướng Đông - Nam vào các tháng mùa hè (từ tháng 4 đến tháng 9) với chiều cao từ 0,6 m đến 0,9 m tại khu vực nước sâu. Khi lan truyền vào trong thì cột sóng cao từ 0,5 m đến 0,7 m. Đây là hướng sóng có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của cảng. Tại thời điểm tháng 7/2020, cảng chịu tác động của hướng sóng này, từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau thì cảng hầu như không chịu tác động của sóng.
Để hạn chế nhược điểm này, TS Đông đề xuất cơ quan chức năng cần tiếp tục xây dựng kè chắn sóng cho cảng Bến Đình thì mới đáp ứng yêu cầu đề ra. So với các cảng ở đảo thì mức độ khai thác chỉ đạt từ 60% đến 70%, thậm chí là 50% mỗi năm. Muốn tăng thời gian khai thác thì các ngành, địa phương phải đầu tư xây dựng kè, đê chắn sóng cho cảng, biến cảng hở trở thành cảng kín.
Đề xuất xây đê chắn sóng
Trao đổi với Zing, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đang phối hợp với Sở Tài Chính làm việc với Bộ Tài Chính trình Thủ tướng xin chủ trương sử dụng kết cấu hạ tầng cảng.
Ngoài ra, Ban này cũng làm việc với Bộ GTVT hoàn tất thủ tục chuyển cảng Bến Đình từ danh mục cảng biển sang cảng thủy nội địa để sớm công bố đưa vào hoạt động.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, UBND tỉnh sẽ giao cho Sở GTVT Quảng Ngãi tổ chức, quản lý, vận hành cảng. Trước mắt, những hạng mục hư hỏng do bão cuối năm 2020, UBND tỉnh sẽ yêu cầu nhà thầu có trách nhiệm khắc phục theo đúng hồ sơ thiết kế.
Vết nứt dọc kéo dài trên cầu cảng Bến Đình. Ảnh: Minh Hoàng.
Lý giải thêm về vị trí xây dựng cảng Bến Đình, ông Minh cho hay thời gian đầu chủ đầu tư làm việc với huyện Lý Sơn khảo sát rất kỹ về vấn đề này. Tuy nhiên, ở huyện đảo này không có vị trí, lựa chọn nào tốt hơn nên địa phương thống nhất xây cảng Bến Đình theo phương án "cảng nhô".
Thời điểm đó, Sở GTVT lập phương án xây dựng cảng Bến Đình bao gồm đê chắn sóng. Tuy nhiên, do chưa có tiền làm nên địa phương triển khai xây dựng công trình cảng trước.
"Quá trình xây xong cảng Bến Đình, gió mùa đông bắc sóng đánh rất lớn nên Sở GTVT đề xuất về lâu dài xây đê chắn sóng. Tỉnh đã thống nhất đưa đê chắn sóng vào danh mục đầu tư trung hạn thời gian tới để cảng phát huy hiệu quả, hoạt động quanh năm", ông Minh nói.
Tháng 11/2016, dự án cảng Bến Đình được khởi công xây dựng ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Công trình có tổng vốn 257 tỷ đồng do Sở GTVT tỉnh làm chủ đầu tư, sau đó chuyển cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông của tỉnh. Dự án gồm các hạng mục: Bến cập tàu dài 87 m, cầu dẫn 153 m, kè bảo vệ bờ, khu lấn biển 4,8 ha, khu vực cảng rộng hơn 3 ha, nhà ga rộng 1.000 m2 và nhà làm việc 250 m2... Theo kế hoạch, sau 18 tháng thi công, công trình đưa vào sử dụng có thể tiếp nhận cùng lúc nhiều tàu trọng tải lớn hơn 1.000 tấn và đón tàu khách công suất 400 ghế, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân và du khách. Tuy nhiên đến nay, công trình vẫn chưa được đưa vào khai thác. |
Tác giả: Minh Hoàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy