Dòng sự kiện:
Cẩn trọng 'vỡ trận' với đầu tư điện mặt trời
19/03/2021 10:09:00
Đa phần các dự án điện mặt trời phụ thuộc từ 70%-80% vốn vay tín dụng, vì thế, khi Tập đoàn Điện lực VN (EVN) dự kiến cắt giảm khoảng 1,3 tỷ KWh năng lượng tái tạo trong năm 2021, khiến không ít nhà đầu tư lo lắng…

Giá mua điện từ dự án điện mặt trời (DA ĐMT) mái nhà theo Quyết định 13/2020 là 8,38 cent một kWh, kéo dài trong 20 năm với các dự án đấu nối, vận hành thương mại trước 31/12/2020. Đây là mức giá cao nhất trong các loại hình đầu tư điện mặt trời - một trong những lý do khiến điện mặt trời mái nhà phát triển ồ ạt thời gian qua.

 

Thời gian qua, "cơn sốt" đầu tư điện mặt trời lan rộng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là khu vực miền Trung - Tây Nguyên... (Ảnh: IT)

"Cơn sốt" đầu tư điện mặt trời

Trước mức lợi nhuận quá hấp dẫn, đã kéo theo "cơn sốt" đầu tư vào các DA ĐMT thời gian qua. Cùng với đó, hàng chục ngàn tỷ đồng đã được các ngân hàng bơm ra thị trường để phát triển lĩnh vực này.

Chẳng hạn, nổi bật trong việc triển khai gói 'tín dụng xanh' liên quan đến cho vay phát triển điện mặt trời là Sacombank. Theo đó, nhà băng này đã có chương trình cho vay lên đến 70% nhu cầu vốn đầu tư dự án điện mặt trời dành cho khách hàng DN tại khu vực Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với lãi suất ưu đãi 8,5%/năm trong năm đầu tiên và thời gian vay tối đa 96 tháng.

Đặc biệt, DN được ân hạn thời gian trả lãi, vốn vay lên đến 6 tháng và có thể thế chấp chính hệ thống điện mặt trời làm tài sản đảm bảo cho khoản vay.

Ngoài ra, Sacombank đã liên kết với các đối tác uy tín trong lĩnh vực cung cấp thiết bị và lắp đặt hệ thống điện mặt trời như: TTC Energy, SolarBK, Bamboo Capital… để mang đến giải pháp toàn diện cho DN và đảm bảo hiệu quả dự án.

Trước đó, vào tháng 7/2019, Sacombank cũng triển khai gói cho vay không giới hạn tổng hạn mức tín dụng dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu lắp đặt thiết bị điện năng lượng mặt trời với nhiều ưu đãi như hạn mức vay lên đến 100% nhu cầu vốn (tối đa 500 triệu đồng), lãi suất giảm 1% so với lãi suất hiện hành, không cần tài sản đảm bảo và thời gian vay đến 60 tháng.

HDBank cũng triển khai cho DN đầu tư dự án điện mặt trời trên mái nhà với tỷ lệ vay lên đến 70%, thời hạn cho vay 5 năm.

Tương tự, TPBank có gói tín dụng "Tài trợ dự án điện mặt trời mái nhà dành cho DN", điều đáng chú ý, với gói tín dụng này, TPBank nhận chính hệ thống hiện mặt trời mái nhà làm tài sản bảo đảm cho khoản vay mà không yêu cầu bổ sung thêm bất cứ bất động sản nào khác.

Hàng loạt nhà băng khác như: VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank, SHB, HDBank, OCB, Bản Việt… cũng thiết kế gói tín dụng riêng cho lĩnh vực này, với lãi suất ưu đãi và tỷ lệ tài trợ vốn từ 70-85% tổng dự án, lãi suất giảm sâu tới 2%/năm so với mức lãi suất hiện hành.

Hiện tại, chưa có con số thống kê chính xác về dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực điện mặt trời. Tuy nhiên, nhìn vào cam kết cho vay các dự án "tín dụng xanh" của VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank, SHB, HDBank, OCB… đã lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Chưa kể, một số ngân hàng còn tài trợ các dự án "tín dụng xanh" thông qua mua lại trái phiếu do chính DN đầu tư phát hành, nên con số thực có thể còn cao hơn nữa.

Có thể thấy, điện mặt trời không nằm trong danh mục hạn chế cho vay, thậm chí đang được khuyến khích phát triển bởi đây là nguồn năng lượng tái tạo (tín dụng xanh). Tuy nhiên, việc đầu tư ồ ạt vào các dự án điện mặt trời dẫn tới quá tải lưới điện, gây khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện quốc gia là một thực tế đã diễn ra.

Số vốn trái phiếu huy động cho các dự án điện mặt trời tăng vọt trong năm 2020 (Nguồn: SSI)

Thống kê của SSI Research mới đây cho biết, sản lượng điện mặt trời trên toàn quốc năm 2020 là 10,6 tỷ KWh (trong đó điện mái nhà là 1,15 tỷ KWh), chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia.

Trong năm 2020, EVN đã phải cắt giảm 365 triệu KWh điện mặt trời do quá tải lưới nội vùng, chủ yếu ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền Trung.

Bên cạnh khó khăn do đường truyền tải, công suất điện mặt trời hiện vượt quá nhu cầu, đặc biệt vào buổi trưa khi bức xạ mặt trời tốt nhất trong ngày nhưng lại là thấp điểm về nhu cầu sử dụng điện. Vì thế, EVN dự kiến cắt giảm khoảng 1,3 tỷ KWh năng lượng tái tạo trong năm 2021, khiến cho không ít DN và nhà đầu tư lo lắng.

Điện mặt trời không hoàn toàn là "miếng bánh ngon"?

Chủ một dự án điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận mới đây cho biết, từ cuối năm 2020 đến nay, DN liên tục "khóc ròng" vì điện phát lên lưới bị cắt luân phiên. Do giảm phát điện, nguồn thu của DN này sụt giảm mạnh so với thời điểm được phát 100% lên lưới, trong khi tiền trả lãi ngân hàng vẫn phải đóng đều đều.

"Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nguy cơ mất khả năng trả nợ ngân hàng là rất lớn", đại diện DN này cho hay.

Cụ thể, theo chia sẻ của chủ DN này, khi đầu tư dự án điện mặt trời thì được vay tới 75% vốn ngân hàng. Theo tính toán và thẩm định từ phía ngân hàng, dựa trên các yếu tố như lượng bức xạ, số giờ nắng, dự kiến sản lượng điện… thì thời gian trả nợ của DN là 6 năm.

Với tính toán này, trong trường hợp được phát hết 100% công suất, đến năm thứ 7 trở đi, DN mới "sạch nợ" và bước vào giai đoạn hoàn vốn đối ứng. Nhưng với tình trạng không được hoạt động hết công suất như hiện nay, khả năng DN phải kéo dài thời gian trả nợ, thậm chí là phát sinh thành nợ xấu.

 

Các DN điện mặt trời phát hành trái phiếu "khủng" trong năm 2020 (Nguồn: SSI)

Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc nhiều DN điện mặt trời kêu cứu thời gian qua cho thấy, lĩnh vực đầu tư đầy mới mẻ này không hoàn toàn là "miếng bánh ngon" với nhà đầu tư. Đặc biệt, việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyền từ chối mua trong hợp đồng mua bán điện, dẫn tới ngân hàng, DN và nhà đầu tư khó thẩm định chính xác được doanh thu của dự án trong quá trình thẩm định tín dụng...

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng, dù các ngân hàng đẩy mạnh cho vay phát triển điện mặt trời nhưng để được vay thì nhà đầu tư phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn, trong đó có tài sản đảm bảo, không phải cứ muốn vay là vay. Bởi, các ngân hàng khi cho vay đều thẩm định kỹ dự án đó phải nằm trong quy hoạch, có hợp đồng đấu nối vào lưới điện quốc gia hay không… Đồng thời, các ngân hàng cũng giải ngân theo giai đoạn và yêu cầu chủ đầu tư có vốn đối ứng, chứ không giải ngân ồ ạt.

"Hiện nay, nếu nhà đầu tư nếu không tìm hiểu kỹ mà cứ theo phong trào thì tiềm ẩn nguy cơ rủi ro là rất lớn. Đó có thể là do dự án không nằm trong quy hoạch nên khó được đấu nối vào lưới điện; giá có thể sẽ không như kỳ vọng,… đặc biệt, nếu sử dụng đòn bẩy tài chính lớn để đầu tư thì khả năng thua lỗ là rất lớn", ông Hiển nói.

Vì vậy, chuyên gia kinh tế này cho rằng nếu đầu tư quy mô vừa để sử dụng thì nên đầu tư, còn đầu tư để bán cho EVN thì phải tính toán thật kỹ.

Theo số liệu thống kê từ nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) cập nhật đến ngày 31/12/2020, cả nước có hơn 100.00 dự án ĐMTAM được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.300MW.

Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ điện mặt trời mái nhà lũy kế đến nay đã đạt hơn 1,15 tỷ kWh.

Tác giả: Quốc Hải

Theo: Dân Việt
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến