Dòng sự kiện:
Cảnh báo nhà đầu tư về trái phiếu doanh nghiệp
07/09/2021 12:03:08
Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ngưng trệ vì dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp (DN) đang “âm thầm” đua huy động vốn qua phát hành trái phiếu.

Lãi suất trái phiếu cao nhất hiện nay là hơn 18%/ năm với quảng cáo không rủi ro, kiếm tiền cả khi ngủ… hòng dụ nhà đầu tư có tiền gửi ngân hàng lao vào cuộc chơi này.
Nhiều chiêu “ru ngủ”

Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 7 tháng đầu năm 2021 có 376 đợt phát hành trái phiếu DN trong nước với tổng giá trị phát hành hơn 235 nghìn tỷ đồng. Bất chấp dịch bệnh, nhu cầu huy động vốn vay qua phát hành trái phiếu của DN tăng gần 31% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 8 tháng qua, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, 85,5 nghìn DN rút khỏi thị trường cho thấy nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Trong số 12,2 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, thì có tới 611 DN kinh doanh bất động sản, nhóm xếp thứ hai về tổng khối lượng trái phiếu phát hành, chỉ sau ngân hàng.

Với mặt bằng lãi suất tiết kiệm thấp hiện nay, lãi suất trái phiếu DN có trường hợp cao gấp 3 lần tiết kiệm. Quảng cáo có cánh, lãi cao, 3 không “không kinh nghiệm, không rủi ro, không suy nghĩ”, kiếm tiền ngay khi đang ngủ là giới thiệu đầu tư trái phiếu của Tập đoàn VsetGroup. DN này trả lãi cố định 12% và lãi thưởng (50% lãi cố định) mùa dịch, phát hành thông qua công ty chứng khoán (CTCK) BOS. Theo Bộ Tài chính, các CTCK là nhà đầu tư chính trên thị trường sơ cấp, chiếm 43,7% tổng khối lượng phát hành. Một số CTCK là công ty thành viên của ngân hàng thì cũng đưa trái phiếu do mình thẩm định vào sản phẩm đầu tư cho khách hàng.

Một quảng cáo đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không rủi ro, sinh lời cả khi ngủ

Qua trao đổi một nhân viên tư vấn của Vset Group tên V cho biết, DN phát hành trái phiếu huy động vốn để mở rộng 2 mảng kinh doanh cây xanh và da giày. Dù lãi suất ngân hàng cho vay DN hiện cao nhất khoảng 9%, nhưng công ty này phát hành trái phiếu vì không đủ điều kiện tiếp cận vốn vay của các nhà băng.

“DN muốn vay 100 tỷ, nhưng ngân hàng chỉ giải ngân 20 - 30 tỷ. DN phát hành trái phiếu thời gian này chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, ngành 1-2 năm mới hoàn vốn, hiện ngân hàng hạn chế cho vay. Còn lý do không phát hành cổ phiếu vì thị trường chứng khoán đi xuống, nhà đầu tư chủ yếu để tiền ngân hàng, bất động sản. Vì vậy, DN phát hành trái phiếu để tiếp cận vốn, và quan trọng nhất là quảng bá được hoạt động của mình tới khách hàng”, tư vấn viên giải thích.

Nhà đầu tư bỏ ra 50 triệu đồng có thể sở hữu trái phiếu của công ty này, hình thức trả lãi theo tháng/ quý/ năm, số tiền đầu tư càng cao, lãi suất thưởng sẽ tăng lên tương ứng, được tặng thêm vàng. Công ty sẽ ký hợp đồng mua bán trái phiếu với nhà đầu tư, và phía VsetGroup cho biết đợt phát hành 2021 đã có khoảng 2.000 nhà đầu tư tham gia.

Ngân hàng đứng sau đã đủ yên tâm?

Bình luận vể câu chuyện phát hành trái phiếu DN, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: hiện người dân, nhà đầu tư nhỏ lẻ đang tiếp cận trái phiếu DN vì họ thấy “bóng dáng” của các ngân hàng đứng đằng sau trái phiếu. Số liệu báo cáo gần đây cho thấy, về cơ cấu mua trái phiếu DN trên thị trường sơ cấp chủ yếu thuộc về công ty chứng khoán, ngân hàng và số ít nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Nhưng, không thể khẳng định được lượng trái phiếu này chỉ nằm yên ổn trong túi công ty chứng khoán và ngân hàng.

"Nhìn chung, thị trường trái phiếu DN đang tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh COVID-19 khiến DN không thể hoạt động nhưng vẫn đi vay vốn. Và các rủi ro đều đổ dồn vào trái chủ".

Ông Hiếu nhấn mạnh

Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh, chỉ số ít trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh thanh toán, tức nhà đầu tư mua trái phiếu của nhà phát hành, trong trường hợp rủi ro, nhà phát hành không trả được nợ, thì ngân hàng sẽ trả thay. Như vậy, phần lớn số trái phiếu còn lại chỉ được bảo lãnh phát hành. Nghĩa là, nếu phát hành không hết, ngân hàng sẽ cam kết mua toàn bộ số trái phiếu còn lại.

Ông Hiếu phân tích, ngân hàng chỉ là DN cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ DN phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc DN có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Đồng nghĩa, rủi ro với nhà đầu tư rất lớn nếu DN phát hành vỡ nợ.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam nhận định, trái phiếu lãi suất 12-13% thường là những DN không có nhiều tên tuổi, thương hiệu trên thị trường, được các ngân hàng và công ty chứng khoán làm dịch vụ tư vấn phát hành, bảo lãnh phát hành đánh giá có độ rủi ro cao, lãi suất 12-13%. Quyết định đầu tư vào trái phiếu lãi suất cao gấp đôi lãi suất ngân hàng thì các nhà đầu tư cần xem xét cẩn thận về DN, tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành đảm bảo mình đánh giá được mức độ rủi ro của DN đó.

Tác giả: Việt Linh

Theo: Tiền Phong
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến