Dòng sự kiện:
Cảnh báo thủ đoạn giả danh sỹ quan quân đội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
04/12/2023 13:30:44
Lực lượng chức năng phát hiện 64 vụ việc giả danh, mạo danh cán bộ, nhân viên trong quân đội để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Ngày 4/12, thông tin từ Quân khu 7 cho biết, từ tháng 5 đến nay, lực lượng chức năng phát hiện 64 vụ việc giả danh, mạo danh cán bộ, nhân viên trong quân đội ở 7/9 tỉnh, thành thuộc Quân khu 7 để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, tỉnh Đồng Nai có 23 vụ, tỉnh Lâm Đồng 21 vụ, tỉnh Tây Ninh 6 vụ, tỉnh Bình Thuận 6 vụ, tỉnh Bình Dương 4 vụ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 3 vụ và tại TPHCM xảy ra 1 vụ. Các đối tượng giả danh lừa đảo trót lọt 7 vụ với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Các vụ còn lại, nhờ người dân cảnh giác, kịp thời phát hiện bất thường nên không bị thiệt hại.

Hai người giả mạo Trung tướng và Đại úy được phát hiện ở quận Bình Thạnh vào năm 2021. Ảnh: H.T.

Nguyên nhân của các vụ việc trên là do người dân thiếu cảnh giác, tin tưởng chuyển khoản đặt hàng, giao hàng khi chưa xác thực thông tin. Một phần vì ham lợi nhuận cao, nhiều nạn nhân chấp nhận giao dịch với đối tượng lạ, ứng tiền nhập các loại hàng hóa mà cửa hàng mình không kinh doanh dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là thông qua các ứng dụng trên mạng xã hội (Zalo, Facebook) có sử dụng hình ảnh mang quân phục; hình ảnh phản ánh hoạt động thường ngày của bộ đội hoặc tự xưng là cán bộ đang công tác trong Quân đội để tạo dựng niềm tin đối với nạn nhân.

Sau đó, kẻ gian chủ động liên hệ với các cơ sở kinh doanh, cơ sở nấu ăn, công ty dịch vụ, cửa hàng vật liệu xây dựng, phân bón, cây trồng của nạn nhân để đặt tiệc, đặt mua các loại sản phẩm.

Tiếp đến, các đối tượng thực hiện chuyển khoản trước một số tiền cho nạn nhân để đặt cọc, tạo niềm tin và tiến hành nhờ nạn nhân ứng tiền mua giúp một số loại hàng hóa mà cơ sở kinh doanh của nạn nhân không có. Khi nạn nhân không tìm được nguồn hàng để cung ứng, các đối tượng giới thiệu nguồn hàng với lợi nhuận hấp dẫn, dụ dỗ nạn nhân chuyển khoản đặt cọc.

Khi nạn nhân tin tưởng, chuyển tiền cọc thì các đối tượng cắt liên hệ, không giao hàng hoặc giao hàng hóa không đúng, có giá trị thấp hơn so với thỏa thuận để chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn thứ hai là các đối tượng tìm hiểu hoàn cảnh gia đình nạn nhân và mạo danh là chỉ huy đơn vị của cán bộ, chiến sĩ liên hệ với gia đình để thông báo con, em của nạn nhân (đang phục vụ tại ngũ) bị tai nạn hoặc vi phạm kỷ luật, cần chuyển khoản một số tiền gấp để điều trị, khắc phục hậu quả nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Các vụ lừa đảo này gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam và lực lượng vũ trang Quân khu 7.

Do đó, Quân khu 7 đề nghị các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ phương thức, thủ đoạn lừa đảo của đối tượng xấu; quản lý chặt chẽ SIM điện thoại, hạn chế SIM rác; kiểm soát, chặn lọc các tài khoản mạng xã hội có dấu hiệu lừa đảo.

Các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang Quân khu 7 cần nâng cao tinh thần cảnh giác, bảo mật thông tin cá nhân của cán bộ, chiến sĩ; thông tin về địa chỉ, số điện thoại tiếp công dân để người dân liên hệ, trình báo vụ việc, phòng ngừa vi phạm; phối hợp với lực lượng công an rà soát, nhận diện âm mưu, thủ đoạn hoạt động của tội phạm…

Tác giả: Hoàng Thuận

Theo: Tiền Phong
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến