Trao đổi với Zing, đại diện lãnh đạo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, cho biết Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương khởi công đoạn cao tốc Hòa Liên - Túy Loan (cung đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan) trong quý I/2023.
Đón nhận thông tin này, lãnh đạo Đà Nẵng, huyện Hòa Vang và hàng trăm hộ dân trong vùng dự án kỳ vọng khi dự án hoàn thành, giá trị bất động sản ở vùng quê này tăng, kinh tế địa phương sẽ khởi sắc.
"Tuyến đường này sẽ khớp nối 2 cao tốc La Sơn - Hòa Liên và Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Như vậy, Hòa Vang là địa phương duy nhất ở Đà Nẵng có nhiều cao tốc chạy qua. Người dân kỳ vọng một đô thị mới sẽ hình thành trong tương lai", ông Nguyễn Văn Bình (trú huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) chia sẻ.
Đòn bẩy phát triển kinh tế của khu vực
Theo thiết kế, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Hòa Liên - Túy Loan có tổng chiều dài khoảng 11,5 km. Điểm đầu dự kiến tại vị trí tiếp giáp nút giao Hòa Liên thuộc địa phận xã Hòa Liên; điểm cuối dự kiến tại vị trí tiếp giáp nút giao Túy Loan thuộc địa phận xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.
Phần chính tuyến thuộc dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường ôtô cao tốc, vận tốc thiết kế 80 km/h, quy mô phân kỳ 4 làn xe; bề rộng nền đường 22 m, khổ cầu phù hợp với khổ nền đường. Đoạn tuyến này chạy qua các xã Hòa Liên, Hòa Nhơn, Hòa Phong... của huyện Hòa Vang.
Về vị trí, tuyến đường này là khoảng cách ngắn nhất để các phương tiện lưu thông từ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến La Sơn - Túy Loan và hầm Hải Vân. Tài xế di chuyển bằng đoạn tuyến này cũng rút ngắn thời gian hơn 30 phút khi di chuyển từ Quảng Nam ra Thừa Thiên - Huế.
Đoàn Hòa Liên - Túy Loan khi hoàn thành sẽ khớp nối với 2 cao tốc: Đà Nẵng - Quảng Ngãi và La Sơn - Hòa Liên. Ảnh: Đoàn Nguyên.
Ngoài ra, trong thời gian tới, cảng nước sâu Liên Chiểu sẽ được xây dựng. Các chuyên gia nhận định, cảng này hoàn thành và kết hợp với những tuyến đường bộ trong khu vực sẽ tạo nên hệ thống logistic tương đối hoàn chỉnh ở Đà Nẵng.
Theo TS. Ngô Viết Nam Sơn (thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng), hiện nay Đà Nẵng đã và đang có hệ thống giao thông khá đồng bộ. Việc triển khai các đoạn tuyến cao tốc, cảng nước sâu (và sau này là di dời nhà ga đường sắt ra ngoại thành - PV) sẽ là một bước tiến để Đà Nẵng trở thành trung tâm vùng có tiềm lực lớn trong cả nước và khu vực.
“Khi các dự án được đầu tư thành công sẽ là đòn bẩy cho sự phát triển của cả khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng như các nước trong khu vực”, TS. Ngô Viết Nam Sơn nhận định.
Góp ý về quy hoạch cho Đà Nẵng, ông Siah Gim Lim (quốc tịch Singapore, đại diện tư vấn đồ án thiết kế quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), cũng cho rằng với vị trí thuận lợi như trên, trong tương lai, phía tây Đà Nẵng sẽ là một nút quan trọng trong mạng lưới sản xuất và logistics toàn cầu; là đô thị chính trong vùng đô thị Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Nhà đầu tư hưởng lợi
Nằm sát đoạn Hòa Liên - Túy Loan hiện có Khu công nghệ cao - nơi nhiều nhà đầu tư ví như “thung lũng silicon của Đông Nam Á”. Tại đây đã hình thành giai đoạn một dự án Khu CNTT tập trung- Danang IT Park, với hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ đầu tư. Ngoài ra, khu vực vệ tinh của đoạn Hòa Liên - Túy Loan còn có nhiều khu công nghiệp khác như: Hòa Cầm, Hòa Khánh...
Trao đổi với Zing, giám đốc nhiều doanh nghiệp cho hay khi đoạn Hòa Liên - Túy Loan hoàn thành và đưa vào khai thác, các doanh nghiệp sẽ cắt giảm được nhiều chi phí vận chuyển hàng hóa từ Đà Nẵng đi địa phương khác và ngược lại.
Khi cao tốc hơn 2.000 tỷ hoàn thành, khu vực phía tây Đà Nẵng sẽ có hệ thống logistic tương đối hoàn chỉnh. Ảnh: Đoàn Nguyên.
Nhiều tài xế xe khách chạy tuyến bắc - nam, ôtô tải cũng cho biết trước đây việc thông từ Quảng Ngãi ra Thừa Thiên - Huế trên tuyến quốc lộ 1 mất khoảng 4 giờ. Tuy nhiên, với việc hệ thống cao tốc đã và đang hoàn thành thì các lái xe tiết kiệm được hơn 60 phút.
"Chúng tôi phấn khởi vì Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương khởi công đoạn cao tốc Hòa Liên - Túy Loan. Nếu tuyến này hoàn thành thì hệ tầng giao thông qua Đà Nẵng hoàn tất, việc đi lại sẽ thuận lợi hơn. Lái xe sẽ giảm được nhiều thời gian, chi phí", ông Nguyễn Dũng, tài xế xe khách chạy tuyến Sài Gòn - Hà Nội nói.
Có nhà ở gần ngã ba Túy Loan, ông Nguyễn Vân (trú huyện Hòa Vang) cho biết vừa qua cao tốc La Sơn - Hòa Liên hoàn thành nên mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe khách, ôtô tải đi từ Thừa Thiên - Huế vào Đà Nẵng để nhập làn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tuy nhiên, tuyến Hòa Liên - Túy Loan chưa được thi công khiến người dân bức xúc vì họ liên tục phải sống trong trong cảnh tiếng còi xe inh ỏi, bụi đường mù mịt.
"Hàng ngày, người dân địa phương lưu thông bằng xe máy, xe thô sơ nên rất nguy hiểm, tai nạn giao thông luôn luôn thường trực. Chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm thi công tuyến cao tốc này để dân bớt khổ", ông Vân kiến nghị.
Nhìn nhận dưới góc độ kinh doanh bất động sản, ông Nguyễn Tiến, giám đốc một công ty môi giới ở Đà Nẵng, cho hay khi cao tốc Hòa Liên - Túy Loan hoàn thành, giá đất ở 2 ven đường sẽ tăng.
"Hai bên tuyến đường này là đồi núi nên giá trị còn thấp. Tuy nhiên, khi cao tốc làm xong thì nơi đây sẽ hình thành khu đô thị vệ tinh và chắc chắn, giá bất động sản sẽ tăng gấp nhiều lần", ông Tiến nhận định.
Tác giả: Đoàn Nguyên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy