UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức cuộc họp với chủ đầu tư và các nhà thầu liên quan đến dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, vào sáng 24/7. Tại đây, các ý kiến đều tỏ ra không mấy lạc quan về tiến độ dự án và nguy cơ "vỡ trận" là hoàn toàn có thể xảy ra.
Hiện nay, Chính phủ đã có tờ trình trình Quốc hội xem xét, bố trí nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khoảng 2.186 tỷ đồng để giải ngân cho dự án năm 2019 - 2020. Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, Mai Mạnh Hồng cho biết như vậy.
Doanh nghiệp đề nghị tạm dừng kỹ thuật
Theo đơn vị thực hiện dự án, đến nay, phía Ngân hàng Vietinbank tài trợ vốn đang thẩm định phương án tài chính, cho vay được khoảng 50% vốn đầu tư của dự án. Tuy nhiên, các điều kiện kèm theo là khó khả thi và nằm ngoài khả năng của chủ đầu tư.
Cụ thể là: về cơ cấu nguồn vốn, với phần vốn ngân sách tham gia, ngân hàng yêu cầu bảo đảm 2.575 tỷ đồng (tương ứng 20,5% tổng mức đầu tư). Trong quá trình khai thác dự án không được làm thay đổi phương án tài chính, không được mở những con đường mới làm giảm nguồn thu của dự án.
Đại diện doanh nghiệp thực hiện dự án cũng than thở rằng, nhà đầu tư và các nhà thầu khác đã bỏ tiền vào dự án đến nay khoảng 3.000 tỷ đồng và tình hình tài chính đã gần như khánh kiệt.
Ông Mai Mạnh Hồng xác nhận đã có xảy ra sự việc giữa Công ty TNHH Thành Nơi yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu thi công gói thầu XL-13 tạm dừng thi công để giải quyết các khoản nợ giữa Công ty Thành Nơi và Công ty Cổ phần cầu 12.
Ông Lưu Xuân Thủy, Phó chủ tịch Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, sau khi cho biết những khó khăn không thể vượt qua được của chủ đầu tư và các nhà thầu, đã đề nghị dự án cần tạm dừng thi công để các bên liên quan ngồi lại với nhau tìm ra giải pháp nhằm hạn chế tối đa những tổn thất của doanh nghiệp để dự án có thể triển khai lại khi điều kiện thuận lợi. Đồng tình với nhận xét của chủ đầu tư, các nhà thầu liên quan cũng cho rằng, họ chỉ có thể cầm cự đến hết tháng 8 năm nay.
Phía doanh nghiệp dự án cho biết cũng đã trình UBND tỉnh Tiền Giang và Bộ Giao thông vận tải hồ sơ điều chỉnh dự án. Bộ Giao thông vận tải đã có ý kiến thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở điều chỉnh; nhưng phía tỉnh Tiền Giang chưa phê duyệt dự án do chưa thống nhất với doanh nghiệp dự án về hai giải pháp điều chỉnh là điều chỉnh giải pháp xử lý nền đất yếu và điều chỉnh kết cấu mặt đường.
Dự án tái khởi công lại vướng mắc
Trước các phản ảnh của doanh nghiệp dự án cùng các nhà thầu, đại diện ban quản lý dự án xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Tiền Giang, cho rằng hiện đang còn vướng mắc hai nội dung như đã nêu trên.
Đại diện ban quản lý cho biết đã xin ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải nhưng chưa thống nhất cao về giải pháp và phương án của doanh nghiệp dự án đưa ra. Việc điều chỉnh dự án cùng những khó khăn vướng mắc, nhất là nguồn vốn mà dự án đang gặp phải, tỉnh Tiền Giang đã có báo cáo với Thủ tướng và đã đăng ký lịch làm việc. Tuy nhiên, bao giờ làm việc thì tỉnh vẫn chưa biết trước, vì vậy cả UBND tỉnh và phía doanh nghiệp dự án cùng các nhà thầu đều phải chờ.
Trước đó, ngày 20/4/2019, tại hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tại tỉnh Bến Tre, phía chủ đầu tư đã cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án để không lỗi hẹn với người dân Đồng bằng sông Cửu Long.
Vào cuối tháng 3/2019, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã chính thức được Bộ Giao thông vận tải chuyển quản lý nhà nước về UBND tỉnh Tiền Giang. Dịp này, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đã tham gia vào dự án thay thế cho Công ty TNHH Yên Khánh đang liên quan đến nhiều vụ án hình sự, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nối Tiền Giang - Vĩnh Long là tuyến huyết mạch, giữ vai trò đặc biệt quan trọng kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Tp.HCM và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Được khởi công vào tháng 11/2009, sau 5 năm giậm chân tại chỗ, đến tháng 2/2015 dự án được tái khởi động và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 2/2020. Ngay sau khi tái khởi động, dự án lại gặp khó, đặc biệt là phương án tài chính bị phá vỡ. Cụ thể, lãi suất giữa vốn vay của hợp đồng dự án và lãi suất vay ngân hàng có sự chênh lệch lớn dẫn đến không giải ngân được vốn vay tín dụng.
Để tháo gỡ các khó khăn, phía doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho mời Tập đoàn Đèo Cả vào tham gia quản trị, điều hành dự án. Sau 3 tháng tái khởi động rầm rộ, dự án lại có nguy cơ "vỡ trận" vì đói vốn.
Tại cuộc họp thường trực Chính phủ về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ngày 20/02 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần quan tâm chỉ đạo đặc biệt đến dự án để hoàn thành đúng tiến độ, phấn đấu thông xe tuyến cao tốc trong năm 2020.
Theo Vneconomy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy