Dòng sự kiện:
Cắt giảm 30% kinh phí hội họp để tăng lương
28/11/2015 11:42:46
ANTT.VN – Tại buổi họp báo Chính phủ chiều qua 27/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người Phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã trả lời số vấn đề báo chí và dư luận quan tâm.

 

Tin liên quan

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người Phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên trả lời báo chí trong buổi họp báo chiều 27/11

Cắt giảm như thế nào để tăng lương?

Một trong những vấn đề được báo chí quan tâm là vấn đề tăng lương năm 2016. Trả lời câu hỏi: Chính phủ có kế hoạch như thế nào để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 trong đó có phương án cắt giảm 30% tiền chi hội nghị, công tác, dự án chưa thật cấp bách (để có nguồn tăng lương là 11.000 tỉ đồng) để tăng 5% lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1/5/2016, ông Nguyễn Văn Nên cho biết:

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, sắp tới đây, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán NSNN năm 2016 trong đó sẽ yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương triệt để tiết kiệm, thực hiện rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách, cắt giảm 30% kinh phí hội nghị, hội thảo, đoàn ra khảo sát, đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài … sắp xếp các nhiệm vụ chi, chủ động bố trí dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 được giao để điều chỉnh tiền lương năm 2016. Đối với một số địa phương ngân sách khó khăn thì ngân sách Trung ương hỗ trợ để bảo đảm nguồn điều chỉnh tiền lương

Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nợ 1,57 triệu tỉ đồng – Xử lý ra sao?

Trước ý kiến về việc: Hiện nay tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã lên tới 1,57 triệu tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2013, Chính phủ có chỉ đạo như thế nào để xử lý tình trạng nợ của DNNN? Khoản nợ của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh có ảnh hưởng đến tình hình tài chính của Việt Nam hay không, người phát ngôn Chính phủ cho hay:

Đến hết năm 2014, tổng số nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gần 1,57 triệu tỉ đồng, so với vốn chủ sở hữu là 1,41 lần (mức quy định chung là không quá 3 lần). Hằng năm các doanh nghiệp vẫn chủ động bố trí nguồn, cơ bản trả nợ đúng hạn.

Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện Nghị định số 206/2013/NĐ-CP ngày 09/12/2013 về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo đó, từng doanh nghiệp phải ban hành và thực hiện Quy chế quản lý nợ của mình; bảo đảm hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần; doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án và bảo đảm khả năng trả nợ; xây dựng kế hoạch, cân đối dòng tiền, bảo đảm nguồn trả nợ; thanh toán các khoản nợ phải trả theo đúng cam kết, không để phát sinh các khoản nợ quá hạn; lãnh đạo doanh nghiệp phải bảo đảm khả năng trả nợ và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời Nghị định cũng quy định rõ quyền, trách nhiệm của các Bộ, UBND cấp tỉnh trong chỉ đạo quản lý nợ đối với DNNN.

Hiện nay, nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 19% tổng nợ công (cụ thể, trong cơ cấu nợ công thì 80% là nợ Chính phủ, 19% là nợ Chính phủ bảo lãnh và 1% là nợ chính quyền địa phương). Nếu tính theo % so với GDP thì nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 11,4%.

Việc Chính phủ cấp bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn là để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể huy động được nguồn vốn có giá trị lớn mà đôi khi các tổ chức tín dụng đòi hỏi việc thu xếp vốn cho các dự án phải có bảo lãnh của Chính phủ. Bên cạnh đó, chi phí của khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ sẽ thấp hơn so với trường hợp doanh nghiệp trực tiếp vay thương mại thông thường. Việc Chính phủ bảo lãnh cho các DNNN vay vốn đều thực hiện chặt chẽ theo quy định về việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ thực hiện theo Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16/2/2011 của Chính phủ.

Việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các doanh nghiệp vay vốn nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư cấp bách, trọng điểm của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng nhất là trong các giai đoạn nguồn vốn trong nước không đủ đáp ứng cho nhu cầu đầu tư phát triển. Các DNNN có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích, tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn.

Chính phủ đã chỉ đạo việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ phải thực hiện trong hạn mức bảo lãnh Chính phủ hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý chặt chẽ điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ.

Trạm BOT QL6 Xuân Mai – Hòa Bình thu phí quá cao – Xử lý thế nào?

Trạm thu phí BOT Quốc lộ 6 Xuân Mai - Hòa Bình đặt tại Thị trấn Lương Sơn từ khi đưa vào hoạt động đã nhiều lần bị người dân phản đối, chặn xe gây ách tắc giao thông do thu phí quá cao, đặc biệt là không phù hợp với người dân ở khu vực thường xuyên phải đi lại qua trạm thu phí này.

Ngày 04/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng, nhà đầu tư có giải pháp phù hợp, tránh tình trạng phức tạp xảy ra, bảo đảm an toàn giao thông và an ninh, trật tự trên địa bàn.

Tại cuộc họp báo Chính phủ, câu hỏi được báo chí đặt ra: Xin cho biết việc thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng đến nay như thế nào? Người phát ngôn Chính phủ Nguyễn Văn Nên trả lời như sau:

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Giao thông vân tải, UBND tỉnh Hòa Bình và các cơ quan liên quan đã họp bàn và đề xuất điều chỉnh giảm 60% mức phí (áp dụng với vé tháng, vé quý) đối với xe dưới 12 chỗ ngồi và xe chở hàng dưới 4 tấn của người dân sinh sống trên địa bàn tại thị trấn Lương Sơn và các xã Lâm Sơn, Trường Sơn và Tân Vinh- thuộc huyện Lương Sơn, mức phí được áp dụng đến hết năm 2016; sau đó mới xem xét lộ trình thực hiện tiếp theo.

Đến nay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu văn bản hướng dẫn việc giảm phí. Theo báo cáo của đơn vị thu phí thì hiện nay tình hình an ninh trật tư, an toàn giao thông trên Quốc lộ 6 đã được đảm bảo, không còn tình trạng các phương tiện cản trở việc thu phí.

Vinamilk xin nới room cho nhà đầu tư nước ngoài – Trả lời của Chính phủ thế nào?

Sau khi Chính phủ tuyên bố thoái vốn tại Vinamilk, doanh nghiệp này đã có công văn số 4890/CV-CTS.TGĐ/2015 ngày 21/10/2015 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc kiến nghị phương thức bán vốn nhà nước tại Vinamilk, trong đó có đề xuất vấn đề như nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, được cho họ lựa chọn đối tác...

Người phát ngôn Chính phủ cho biết: Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nghiên cứu, trả lời theo thẩm quyền và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1787/TTg-ĐMDN ngày 08/10/2015. Theo đó, giao SCIC chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thoái hết vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhằm đạt lợi ích cao nhất cho nhà nước.

Kế hoạch phát hành 3 tỉ trái phiếu quốc tế để cơ cấu nợ được thực hiện ra sao?

Trước câu hỏi: Quốc hội đã đồng ý cho phép phát hành 3 tỷ USD trái phiếu Quốc tế để đảo nợ. Xin Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã bàn cụ thể về vấn đề này như thế nào, dự kiến lúc nào phát hành, phát hành một lần hay nhiều lần? Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết:

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ bàn bạc, cân nhắc kỹ lưỡng về phương án phát hành trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu nợ.

Việc xác định thời điểm phát hành, lộ trình phát hành sẽ được tính toán, cân nhắc trên cơ sở đánh giá điều kiện thị trường vốn trong nước và quốc tế, bảo đảm lợi ích cao nhất.

Kế hoạch như thế nào để thực hiện khoán xe công?

Về vấn đề khoán xe công, báo chí cũng đặt câu hỏi với Chính phủ: Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ thực hiện việc khoán xe công. Xin hỏi Chính phủ đã có kế hoạch gì để thực hiện, lộ trình ra sao?

Ông Nguyễn Văn Nên cho biết: Tại Nghị quyết số 93/2015/QH13, Quốc hội đã giao Chính phủ thực hiện việc khoán xe công.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính theo dõi, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/8/2015 quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), trong đó cơ chế quản lý xe ô tô công sẽ tiếp tục được đổi mới, hướng tới quy định việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công bắt buộc đối với một số địa bàn, đối tượng có đủ điều kiện nhận khoán mà không ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ được giao. Bộ Tài chính sẽ xây dựng phương án, lộ trình thực hiện khoán xe công để đưa vào Dự án Luật, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.

Giảm thuế nhập khẩu để giải quyết tồn kho cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất?

Do lượng hàng tồn kho tăng cao tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất thậm chí có nguy cơ vượt quá sức chứa tối đa của nhà máy, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh mức thuế nhập khẩu để bảo đảm sản phẩm tồn kho của Nhà máy sớm được tiêu thụ.

Về vấn đề này, nguwòi phát ngôn Chính phủ trả lời: Theo quy định pháp luật về thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định áp dụng mức thuế nhập khẩu đối với từng mặt hàng.

Về kiến nghị của PVN, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo quy định.

Cho phép Công ty thuộc tập đoàn Besra ở Quảng Nam xuất khẩu gần 400kg vàng?

Vừa qua Ngân hàng Nhà nước có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ để cho phép công ty vàng thuộc tập đoàn Besra ở Quảng Nam xuất khẩu gần 400kg vàng, báo chí yêu cầu được cung cấp thông tin về chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc này.

Ông Nguyễn Văn Nên cho biết: Ngày 24/11/2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã có ý kiến chỉ đạo: Việc cấp Giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Khai thác vàng Bồng Miêu và Công ty trách nhiệm hữu hạn Vàng Phước Sơn (thuộc Tập đoàn Besra) phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Bộ Tài chính và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam khẩn trương yêu cầu các công ty nêu trên thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nghĩa vụ nộp thuế (Công văn số 1536/VPCP-KTTH ngày 05 tháng 3 năm 2015 và số 8067/VPCP-KTTH ngày 06 tháng 10 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ).

Diệp Chi

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến