Dòng sự kiện:
Câu chuyện kỳ lạ về 'BOT làng trong lòng thủ đô
22/12/2017 07:05:36
Người dân nếu muốn điều khiển ô tô, xe máy, xe đạp, thậm chí đi bộ qua chiếc cầu sắt thuộc xã Văn Hoàng, Phú Xuyên, Hà Nội cũng phải trả phí.

Cây cầu sắt tại xã Văn Hoàng, Phú Xuyên (Hà Nội) xây dựng từ năm 1998 bằng nguồn vốn của chính nhân dân thôn Nội bỏ ra để xây dựng. Sau khi hoàn thành cầu, nhân dân thôn Nội đã thống nhất với nhau thu hồi lại vốn từ những người có nhu cầu qua lại, nhân dân trong Thôn sẽ không mất phí, với mục đích thu phí để duy tu bảo dưỡng cầu hàng năm.

Mức thu là 2 nghìn đồng/2 lượt (cả đi lẫn về) cho người đi xe đạp, 8 nghìn đồng/2 lượt cho người đi xe máy (cả đi lẫn về) và 10 nghìn đồng/2 lượt cho ô tô loại 4 chỗ (cả đi lẫn về) các phương tiện khác đều có bảng giá niêm yết rõ ràng. Nhiều người vui tính gọi đây là trạm thu phí “BOT làng”.

Theo ghi nhận, mỗi ngày có hàng trăm xe đi qua đây, nhưng hầu như đều chấp hành đầy đủ và dường như không có ý kiến phản đối với trạm thu phí này.

Anh Trần Văn H. cho biết: “Đây là luật lệ do làng quy ước, cứ qua cầu họ thu tiền thì mình đóng tiền thôi. Mình cũng không nắm bắt được kỹ vì thấy ai cũng chấp hành”.

Rất nhiều phương tiện đi qua đóng phí tại đây

Trả lời PV, ông Nguyễn Xuân Hải - Trưởng thôn Nội, xã Văn Hoàng, Phú Xuyên, Hà Nội: “Năm 1998 nhân dân thôn Nội góp sức làm cầu bê tông hiện tại, với nguồn kinh phí để xây dựng cầu đều do dân bỏ, nhà nước không hỗ trợ đồng nào, chỉ có UBND xã Văn Hoàng hỗ trợ 20 triệu. Vì vậy, hàng năm nhân dân thôn Nội đều cử một hộ gia đình để trông giữ và thu phí cầu với mục đich tu sửa lại cầu và không có mục đích kinh doanh”.

“Trước khi xây cầu, việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn, chủ yếu là lội sông vào mùa khô. Riêng vào mùa lũ, mọi hoạt động gần như đóng băng. Không ít trường hợp người dân bị đuối nước thương tâm khi lội sông”.

Theo thông tin từ xã Văn Hoàng, tiền nhân dân thôn Nội thu được sẽ sử dụng để tu sửa lại cầu mỗi năm. Hàng năm, thôn cũng báo cáo công khai việc thu phí với lại xã.

Ông Hiếu cho biết thêm: “Xã cũng đã làm báo cáo số 78 gửi lên cấp trên mong cấp trên tạo điều kiện để cho nhân dân thôn Nội thu phí bảo dưỡng cây cầu hàng năm. Nếu huyện cấp kinh phí cho thôn hoặc cho xã để bảo dưỡng cầu hàng năm thì thôn Nội sẽ không thu phí nữa”.

Ông Đào Văn Đỉnh – Phó chủ tịch xã Văn Hoàng cho biết, trong quá trình xã hội hóa, người dân đã đóng góp để xây dựng cầu. Việc người dân thu phí đã xuất hiện gần 10 năm nay rồi.

“UBND đã nắm được số tiền thu đã lên đến gần 100 triệu/năm dùng để sửa chữa bảo dưỡng. Số tiền dư được cơ sở thống nhất với dân là sẽ xây dựng các công trình phúc lợi như Đình, chùa, đường làng...” – ông Đỉnh nói.

Trả lời báo chí, lãnh đạo huyện Phú Xuyên cho hay, đã nắm được việc thu phí của người dân. Mặc dù huyện đã có ý kiến nhưng người dân vẫn muốn thu hết năm nên xảy ra tình trạng kéo dài. Tuy nhiên, việc này sẽ được xử lý dứt điểm. Từ năm 2018 sẽ không còn tình trạng thu phí ở điểm này nữa.

Việc thu phí sẽ chính thức bị chấm dứt

Ngoài ra, huyện Phú Xuyên sẽ lập chủ trương đầu tư trung hạn 2018-2020; Đồng thời, đề xuất với UBND TP Hà Nội sớm có chủ trương hỗ trợ kinh phí.

Hải Đăng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến