Mùa Đại hội cổ đông ngân hàng năm nay không thể nóng hơn về vấn đề tăng vốn, nhân sự cấp cao và lộ trình niêm yết ngân hàng cổ phần từ nay cho đến năm 2020. Năm 2019 được đánh giá là một năm khá quan trọng đối với nhiều ngân hàng trong vấn đề tăng vốn. Khi thời điểm áp dụng Basel II tới gần (cuối năm 2020), yêu cầu tăng vốn lại trở nên càng cấp thiết hơn, đặc biệt đối với nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước. 4 "ông lớn" ngân hàng (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đã từng "cầu cứu" về vấn đề này trong hội nghị tổng kết ngành có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ.
Một vấn đề nữa, ngành ngân hàng Việt Nam có vẻ thường xuyên đối phó với vấn đề nhân sự cấp cao. Trong giới ngân hàng, người giỏi không hiếm, nhưng khá nhiều ngân hàng đã và đang "đau đầu" với vấn đề này. Cái mà ai cũng quan tâm đó là vấn đề sở hữu chéo, vấn đề "sân sau" vẫn đâu đó "lảng vảng" trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, và từ đó, là vấn đề nhân sự cấp cao ngân hàng. Có thể lấy ví dụ về những tranh cãi xoay quanh câu chuyện nhân sự của Eximbank những ngày gần đây. Từ một ngân hàng từng nằm trong top 10, giờ đây tăng trưởng lao dốc và ngay cả chính trong nội bộ Ban điều hành cũng có lục đục khi kiện tụng xoay quanh ghế nóng Chủ tịch HĐQT.
Câu chuyện Hà Văn Thắm và Tập đoàn Đại Dương cũng là một ví dụ điển hình. Đến khi ra tòa, ông Hà Văn Thắm mới thú thực về quy mô sở hữu OceanBank của bản thân: 62,9% -vượt xa con số trên sổ cổ đông và gấp nhiều lần các tỷ lệ giới hạn theo Luật các TCTD. Và như vậy, đó không phải là con số như trên giấy tờ như đã công bố, đảm bảo theo quy định tại Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng 2010.
Thực tế, quy mô sở hữu của nhóm Hà Văn Thắm ở OceanBank vượt tới hơn 3 lần so với giới hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Không hẳn các cơ quan thanh tra giám sát không nắm được điều này, nhưng về lý thì Hà Văn Thắm cũng chẳng sai. Ông Thắm “lách” luật.
Không chỉ có OceanBank, mà các đại án ngân hàng đã đưa ra xét xử đều phát lộ những chi tiết tương tự. Từ Ngân hàng Xây dựng đến Ngân hàng Phương Nam, Sacombank…
Và, các ngân hàng khác thì sao? Có thể họ chuẩn mực, nhưng hẳn cũng có cả những ngân hàng “chưa bị lộ”!
Biên bản kiểm phiếu Lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản ngày 11/3/2019 của VPBank thể hiện 65 cổ đông nắm 71,83% vốn nhà băng này. Quá trình tăng vốn liên tục và niêm yết đã giúp làm loãng đáng kể cơ cấu sở hữu của VPBank. Biên bản ĐHĐCĐ ngày 1/8/2017 cho thấy 45 cổ đông nắm 72,46% vốn VPBank. Năm 2012, có thời điểm 44 cổ đông nắm tới 89% vốn VPBank.
Với cách thức thu thập thông tin tương tự, tại ngày 12/2/2019, có 30 cổ đông sở hữu 75,08% vốn VIB, không chênh nhiều so với ngày 11/11/2013, khi 78 cổ đông chiếm 76,77%.
Với VietBank, đây là ngân hàng thương mại cổ phần có số lượng cổ đông rất hạn chế. Tại ngày 22/9/2017, VietBank có 106 cổ đông, trong đó 66 cổ đông chiếm đến 95,116%, 1 nhóm 6 cổ đông nắm 30,69%.
Ở một số ngân hàng khác, VietCapital Bank tại ngày 30/9/2018 có 64 cổ đông nắm 60,7% vốn. ABBank ngày 14/2/2018 có 86 cổ đông nắm 72% vốn. Bắc Á Bank ngày 30/11/2017 có 137 cổ đông, không có cổ đông lớn. Kienlongbank ngày 26/4/2018 có 95 cổ đông nắm 95,7% vốn.
Ở một số ngân hàng khác, cơ cấu sở hữu còn cô đặc hơn nữa.
Biên bản họp đại hội đồng cổ đông nhiệm kỳ 2018-2023 ngày 20/4/2018 thể hiện 28 cổ đông nắm tới 87% vốn của TPBank.
Báo cáo cập nhật cơ cấu cổ đông của SeABank cho thấy chốt tại thời điểm cuối năm 2018, SeABank có tất cả 1.302 cổ đông. Trong đó 1.282 cổ đông nắm dưới 1%, tổng cộng có 4,51%, 20 cổ đông nắm 95,49% còn lại, tính ra bình quân gần 4,8% mỗi nhà đầu tư, xấp xỉ ngưỡng trở thành cổ đông lớn (5%).
Với cơ cấu sở hữu cô đặc đến bất ngờ như vừa nêu ở vài trưởng hợp điển hình, dễ hiểu về các băn khoăn và cả nghi ngờ mà thị trường đặt ra.
Luật Doanh nghiệp quy định sở hữu từ 5% trở lên là cổ đông lớn và phải công bố thông tin nhưng nếu sở hữu 4,9999…% thì không cần (không tính người nội bộ). Do đó, danh tính của đa phần cổ đông ngân hàng mãi xa kín với thị trường. Các động thái giao dịch, chuyển nhượng của họ luôn là bí ẩn và cũng rất khó biết họ đến từ nhóm nào.
Nhắc lại rằng, vốn pháp định áp dụng cho các ngân hàng thương mại cổ phần là 3.000 tỷ đồng, có nghĩa tỷ lệ sở hữu 4,9999…% sẽ tương ứng với số vốn góp tối thiếu là xấp xỉ 150 tỷ đồng (theo mệnh giá).
Tất thảy các ngân hàng Việt Nam hiện đều đăng ký vốn điều lệ ở mức lớn hơn 3.000 tỷ đồng, quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng cũng khá phổ biến – kể cả ở nhóm tư nhân (Techcombank: 34.966 tỷ đồng; VPBank: 25.300 tỷ đồng, MBBank: 21.605 tỷ đồng; Sacombank: 18.852 tỷ đồng,…).
Có nghĩa, ở nhiều ngân hàng sẽ tồn tại những cổ đông – dù chưa được gọi là “cổ đông lớn” và gần như không xuất hiện - nhưng lại nắm giữ lượng vốn góp nhiều trăm tỷ đồng, thậm chí tới cả nghìn tỷ đồng – tức là còn lớn hơn quy mô vốn của nhiều doanh nghiệp niêm yết.
Thực tế xét xử các vụ án cho thấy, không ít các ông chủ nhà băng đã lạm dụng ngân hàng để phục vụ cho của các doanh nghiệp sân sau. Mà hậu của của những việc làm này thì rất khôn lường và không chỉ giới hạn tác động ở ngân hàng.
Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” quy định rõ đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức. Thế nhưng hiện tại mới chỉ có 17/31 cổ phiếu ngân hàng đang được giao dịch trên cả ba sàn là HNX, HSX và UPCoM.
Hoàng Dung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy