Dòng sự kiện:
VCCI đề nghị Ngân hàng Nhà nước lập chuyên trang về hoạt động cho vay tiêu dùng
23/04/2019 11:09:47
Qua thực tế phản ánh nhiều trường hợp có mâu thuẫn giữa khách hàng vay và công ty tài chính, nhân viên lợi dụng để xâm hại quyền lợi khách hàng...

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Người vay mâu thuẫn với công ty tài chính

Theo VCCI, việc quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính cần được cân nhắc kỹ để bảo đảm cân bằng. Nếu buông lỏng quản lý thì có thể gây ra những hậu quả tiêu cực như lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, đòi nợ bằng các biện pháp không phù hợp, mất an ninh trật tự… Nhưng nếu siết quá chặt lại làm việc cung cấp và sử dụng dịch vụ này trở nên quá khó khăn, chi phí cao, thúc đẩy hoạt động ngầm của thị trường, tạo cơ hội cho các cá nhân, tổ chức cho vay không có giấy phép phát triển và có thể gây hậu quả xã hội lớn hơn.

Điều 4a của Dự thảo tập trung vào việc hạn chế giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay thông qua hai quy định: chỉ giải ngân trực tiếp khi khách hàng có lịch sử tín dụng tốt; và tổng dư nợ giải ngân trực tiếp không quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng. Lý giải cho quy định này, cơ quan soạn thảo cho rằng: "cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay"và"để đảm bảo cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, lành mạnh, hiệu quả".

Cho vay tiêu dùng được coi là "đũa thần" đẩy lùi tín dụng đen. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt cũng kéo theo nhiều hệ luỵ.

Theo nhận định của VCCI, quy định này hướng sẽ có tác dụng trực tiếp hạn chế các khoản nợ xấu cho các tổ chức tín dụng, giúp bảo đảm thanh khoản và an toàn tài chính. Tuy nhiên, hiện chưa rõ tình hình nợ xấu cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính ở mức độ nào, đã có trường hợp công ty tài chính nào mất thanh khoản vì lý do cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp quá mức hay chưa?

Kể cả trong trường hợp đã có công ty tài chính mất thanh khoản vì cho vay tiêu dùng thì liệu có cần thiết phải áp dụng biện pháp này không khi nó sẽ làm tăng chi phí kinh doanh của các công ty tài chính, khiến cho việc tiếp cận tín dụng tiêu dùng trở nên đắt đỏ và khó khăn hơn.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về việc đưa ra chính sách hạn chế giải ngân trực tiếp, cần giải trình rõ hơn về sự cần thiết của quy định này trong bối cảnh đẩy lùi tín dụng đen, đặc biệt là vấn đề thực trạng nợ xấu và tính thanh khoản của các công ty tài chính.

Qua thực tế phản ánh nhiều trường hợp có mâu thuẫn giữa khách hàng vay và công ty tài chính xuất phát từ việc khách hàng vay không nắm rõ thông tin về quyền và nghĩa vụ của hai bên. Đây cũng là cơ hội để một số nhân viên của các công ty tài chính có thể lợi dụng để xâm phạm quyền lợi hợp pháp của khách hàng. VCCI cho rằng giải pháp tốt nhất để chống lại hiện tượng này là các khách hàng vay phải được cung cấp đầy đủ thông tin về quyền và nghĩa vụ của hai bên.

Mặc dù Điều 10.4 và Điều 10.5 của Thông tư 43 đã có quy định yêu cầu công ty tài chính phải cung cấp dự thảo hợp đồng cho khách hàng trước khi ký; giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực nội dung hợp đồng; niêm yết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại trụ sở, điểm giới thiệu dịch vụ và website; lấy xác nhận của khách hàng về việc đã được cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung.

"Trên thực tế, có trường hợp công ty tài chính, nhân viên công tài chính không thực hiện đầy đủ quy định này. Pháp luật cũng không có quy định về chế tài hay hệ quả pháp lý bất lợi nào cho các công ty tài chính khi không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trên", VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về nghĩa vụ cung cấp thông tin của công ty tài chính cho khách hàng.

Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước

VCCI cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần ban hành một văn bản "Những điều cần biết trước khi vay tiêu dùng" với dung lượng ngắn gọn. Nội dung chính là tóm tắt những quyền và nghĩa vụ cơ bản của khách hàng vay tiêu dùng theo quy định của pháp luật, website của Ngân hàng Nhà nước cung cấp thông tin về cho vay tiêu dùng.

Khi giao kết hợp đồng vay tiêu dùng, công ty tài chính phải cung cấp cho khách hàng hai bản sao của văn bản trên, một bản khách hàng giữ và một bản công ty tài chính giữ. Trường hợp có tranh chấp, nếu công ty tài chính không xuất trình được bản sao "những điều cần biết trước khi vay tiêu dùng" theo mẫu của Ngân hàng Nhà nước và có chữ ký của khách hàng thì không được hưởng lãi suất của khoản vay.

Ngoài thông tin do công ty tài chính cung cấp, khách hàng vay cần được cung cấp thông tin từ Ngân hàng nhà nước. Hiện nay, website của Ngân hàng Nhà nước đã công bố danh sách các công ty tài chính được cấp phép định kỳ 6 tháng một lần.

Tuy nhiên, các thông tin này mới chỉ dừng lại ở danh sách giấy phép chứ chưa có tác dụng hỗ trợ thông tin cho người vay tiền.

Hiện nay, Thông tư 43 cũng đã có quy định công ty tài chính phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước nhiều thông tin như danh sách điểm giới thiệu dịch vụ, quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng; khung lãi suất. Những thông tin này hoàn toàn có thể được Ngân hàng Nhà nước công khai nhằm giúp khách hàng có thêm thông tin về hoạt động của các công ty tài chính.

Từ đó, VCCI đề nghị Ngân hàng Nhà nước lập chuyên trang về hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Chuyên trang sẽ cập nhật danh sách các công ty tài chính cho vay tiêu dùng được cấp phép cùng với tên giao dịch, địa chỉ, số điện thoại chăm sóc khách hàng, website.

Danh sách điểm giới thiệu dịch vụ cùng thông tin liên lạc của các công ty tài chính. Khung lãi suất cho vay tiêu dùng mà công ty tài chính đã gửi cho Ngân hàng Nhà nước. Văn bản Những điều cần biết trước khi vay tiêu dùng, các câu hỏi thường gặp (FAQ)...

Theo VnEconomy

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến