Ngày 18/2, CTCP Tập đoàn Masan vừa công bố bản cáo bạch doanh nghiệp, qua đó tiết lộ vai trò mới của Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Masan Nguyễn Đăng Quang.
Theo đó, ông Quang đã trực tiếp đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT của hai CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM và CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce từ tháng 12 sau thương vụ nhận sáp nhập hệ thống Vinmart, VinEco từ Vingroup.
Hiện, ngoài những chức vụ trên, ông Quang còn đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo tại Masan, Masan Consumer và Phó Chủ tịch thứ nhất HĐQT của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam.
Ông Nguyễn Đăng Quang trực tiếp đảm nhiệm chủ tịch VCM và VinCommerce
Được biết, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM với vốn điều lệ 1 tỷ đồng do Phó Tổng giám đốc Vingroup Mai Hương Nội làm Chủ tịch HĐQT.
Theo đăng ký thành lập mới ngày 5/8/2019, Vingroup sở hữu 64,3%, ông Bùi Xuân Toàn nắm 10,94% và ông Ngạc Văn Lượng giữ 3,63% tại VCM. Ông Lượng là cá nhân có nhiều giao dịch liên quan đến các công ty con của Vingroup.
Tiếp đó, Vingroup cũng thông báo sở hữu cổ phần VinCommerce qua VCM. Theo thông tin tại cổng đăng ký doanh nghiệp, VCM nâng vốn từ 1 tỷ đồng lên 6.437 tỷ đồng, tương ứng tăng 6.436 tỷ đồng (bằng đúng vốn điều lệ của của VinCommerce).
Như vậy, với tỷ lệ 83,74% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành của CTCP phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM Masan nhận về có trị giá xấp xỉ 5.400 tỷ đồng.
Ngày 12/2 vừa qua, Công ty VCM cũng đã công bố sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông của mình. Công ty con Ardolis Investment của Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore GIC và Credit Suisse AG không còn giữ bất kỳ cổ phần nào tại VCM. Hai quỹ của Singapore này vừa tham gia góp vốn vào VCM từ tháng 9/2019 với tỷ lệ sở hữu tổng cộng 16,3% cổ phần.
Việc hợp nhất Masan Consumer Holdings cùng VCM sẽ tạo nên một công ty bán lẻ và sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam sở hữu một loạt thương hiệu lớn như VinMart, VinMart+, Chin-su, Nam Ngư, Omachi, Kokomi, Vinacafe Biên Hòa, Wakeup 247, Vĩnh Hảo, Quang Hanh…
Trước đó, như đã đưa tin, ngày 3/12/2019 Vingroup công bố sẽ chuyển giao việc điều hành Vinmart, Vinmart+ và VinEco sang cho Masan, và thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - bán lẻ với mạng lưới 2.600 siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Sau sáp nhập, Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.
Ông Trương Công Thắng, Chủ tịch HĐQT CTCP hàng tiêu dùng Masan, cho biết thương vụ "chấn động" này chỉ mất một tháng để đi đến quyết định. Ông khẳng định việc Masan bắt tay hợp tác với Vingroup có cả lý do "muốn giữ lại thị trường bán lẻ cho người trong nước quản lý để giữ thương hiệu Việt".
Khánh Linh
- 1. Giải cứu doanh nghiệp bất động sản nhìn từ Trung Quốc
- 2. Xung đột quỹ bảo trì chung cư tại Hà Nội: Để 'thân lừa không ưa nặng'
- 3. Gỡ xung đột quỹ bảo trì chung cư ở Hà Nội: 'Góc khuất' tranh chấp
- 4. Dự án The Grand HaNoi ở 22 – 24 Hàng Bài thi công làm nứt nhà dân
- 5. Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua
- Cựu Giám đốc Viện Tim Hà Nội 'phối hợp ngầm' với doanh nghiệp như thế nào?
- Tín hiệu kỳ vọng khởi sắc hơn cho thị trường chứng khoán năm Quý Mão 2023
- 'Ông lớn' đầu ngành, nơi lãi đậm, chỗ thua lỗ nặng năm 2022
- Indonesia bước vào giai đoạn chuyển tiếp từ đại dịch COVID-19 sang bệnh đặc hữu
- Lợi nhuận quý IV/2022 Cao su Phước Hoà tăng đột biến nhờ tiền đền bù