Dòng sự kiện:
Chậm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: 'Điệp khúc' kéo dài nhiều năm
06/10/2021 19:20:47
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh, do tình hình dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều địa phương nên chưa thể triển khai thực hiện thẩm định giá, xác định giá trị doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm chuyển đổi về sở hữu trong các doanh nghiệp nhà nước, tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển.

Song tiến độ cổ phần hóa luôn chậm, không đạt kế hoạch đề ra và "điệp khúc" này kéo dài từ năm này sang năm khác, phổ biến đến mức trở thành bình thường. Sự chậm trễ này đã gây thất thoát, lãng phí tài sản và ngân sách nhà nước.

Không thể hoàn thành

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 là 128 doanh nghiệp.

Lũy kế trong giai đoạn 2016-2020, đã cổ phần hóa 180 doanh nghiệp với tổng giá trị là 489.690 tỷ đồng; trong đó, giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng.

Trong 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 39 doanh nghiệp trong số 128 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đạt 30% kế hoạch.

Đến hết năm 2020, vẫn còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa và số doanh nghiệp này sẽ cộng dồn sang giai đoạn sau.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay cũng chỉ có 3 doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng lại không nằm trong danh sách 89 doanh nghiệp theo kế hoạch. Như vậy, doanh nghiệp cần cổ phần hóa trong năm nay vẫn còn nguyên 89 doanh nghiệp và nếu muốn hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa mà Chính phủ đề ra thì trung bình một ngày phải cổ phần hóa hơn 7 doanh nghiệp.

Đại diện Bộ Tài chính thừa nhận điều này là không thể đạt được, do đó việc triển khai cổ phần hóa các doanh nghiệp trong năm 2021 là khó khả thi.

Trả lời báo chí, chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho biết một trong số những nguyên nhân của sự chậm trễ này là các cơ quan nhà nước đôi khi không muốn cổ phần hóa, ngay cả bộ chủ quản, Ủy ban Nhân dân tỉnh hay giám đốc doanh nghiệp.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh, cũng chỉ ra nguyên nhân là do nhiều đơn vị chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa theo quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính phải xử lý.

Ngoài ra, theo Cục Tài chính doanh nghiệp, việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn còn phụ thuộc vào thị trường, lựa chọn thời điểm bán cổ phần hợp lý để đem lại hiệu quả. Do đó, việc giao kế hoạch nộp tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp về ngân sách nhà nước phân bổ đều cho các năm là chưa sát thực tế và không đảm bảo tính khả thi.

Đặc biệt, theo ông Đặng Quyết Tiến, do tình hình dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều địa phương, trong đó có các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh - hai địa phương có số lượng doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch lớn, chiếm 60% kế hoạch cổ phần hóa còn lại của giai đoạn 2016-2020 - nên chưa thể triển khai thực hiện thẩm định giá, xác định giá trị doanh nghiệp và phần vốn nhà nước theo quy định.

Do đó, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn năm nay phụ thuộc vào việc thực hiện khống chế dịch COVID-19 trong nước, Cục Tài chính doanh nghiệp giả định 2 tình huống.

Tình huống thứ nhất là đến hết quý 3/2021, dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát tại Việt Nam. Với tình huống này, trong giai đoạn đầu, do một số địa phương nới lỏng phong tỏa nên sẽ tập trung triển khai thoái vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp đã bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã niêm yết trên thị trường chứng khoán thực hiện theo hình thức khớp lệnh trực tiếp trên sàn giao dịch chứng khoán.

Tình huống giả định thứ 2 là dịch bệnh kéo dài đến hết năm 2021. Trong tình huống này, do phong tỏa, giãn cách tại một số địa phương lớn nên việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn không thực hiện được.

Căn cứ thực tế diễn biến của tình hình dịch COVID-19 hiện nay, Cục Tài chính doanh nghiệp dự báo năm 2021 sẽ theo tình huống 2. Kế hoạch thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp Trung ương nộp về ngân sách nhà nước trong năm 2021 không đạt 40.000 tỷ đồng và không đạt số doanh nghiệp cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra.

Song theo tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, cổ phần hóa chậm một chút vẫn hơn làm ào ào vì sẽ khiến mất nhiều hơn được. Thực tế cho thấy, một số các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lớn, mới bán như Tổng công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã lộ ra những bất cập cần thận trọng.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho rằng để khắc phục một số hạn chế khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cần các biện pháp rõ ràng, nhất là việc tính giá; khi tính xong cần công bố công khai và được phản biện.

Nhiều giải pháp cho giai đoạn 2022-2025

Nhìn xa hơn trong cả giai đoạn 2022-2025, để đảm bảo nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước nộp về ngân sách nhà nước đáp ứng kế hoạch giai đoạn này là 248.000 tỷ đồng, Cục Tài chính doanh nghiệp đã báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cụ thể.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ưu tiên tập trung hoàn thành việc cổ phần hóa công ty mẹ Tổng công ty Viễn thông Mobifone trong giai đoạn 2022-2023, với tỷ lệ nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa là 51%. Dự kiến, số thu từ cổ phần hóa theo mệnh giá là 9.255 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong năm 2023-2024, triển khai và hoàn thành cổ phần hóa công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam. Tỷ lệ nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa là 51%, dự kiến số thu từ cổ phần hóa theo mệnh giá là 30.759 tỷ đồng. Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - có tỷ lệ nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa là 51%. Dự kiến số thu từ cổ phần hóa theo mệnh giá là 7.068 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung hoàn thành cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trong năm 2022 và đầu năm 2023 theo tỷ lệ nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa là 51%. Dự kiến, số thu từ cổ phần hóa theo mệnh giá là 19.847 tỷ đồng.

Đối với việc thoái vốn, Bộ Tài chính đề nghị giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo SCIC xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã được bàn giao, đồng thời tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước từ các cơ quan, đơn vị theo Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 và tập trung triển khai thực hiện thoái vốn nhà nước tại 6 doanh nghiệp trong năm 2022. Điều này nhằm đáp ứng nhiệm vụ cân đối tiền thu từ bán vốn nhà nước nộp về ngân sách nhà nước.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng thực hiện bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về SCIC. Ngoài ra, việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn còn phụ thuộc vào thị trường, lựa chọn thời điểm bán cổ phần hợp lý để đem lại hiệu quả.

Cục Tài chính doanh nghiệp kiến nghị việc giao kế hoạch thu ngân sách nhà nước từ nguồn cổ phần hóa, thoái vốn cần căn cứ thực tế triển khai theo nguyên tắc chỉ tính kế hoạch thu vào ngân sách nhà nước đối với các doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành đến giai đoạn phê duyệt phương án cổ phần hóa, các doanh nghiệp đã được chuyển về SCIC để thực hiện thoái vốn, từ đó, xác định số thu về ngân sách nhà nước từ cổ phần hóa, thoái vốn và kết quả này cần được đánh giá theo cả giai đoạn 2021-2025.

Riêng đối với năm 2022, ông Đặng Quyết Tiến cho biết Cục Tài chính doanh nghiệp cũng đã xây dựng 2 kịch bản dự kiến nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ các doanh nghiệp trung ương, tính một cách thận trọng, ngân sách Nhà nước có khả năng đạt được khoảng từ 15.000-20.000 tỷ đồng.

Kịch bản 1, để đạt được tối thiểu 10.000 tỷ đồng cần thực hiện thoái vốn Nhà nước tại 5 doanh nghiệp là Tập đoàn FPT, Bảo Việt, Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên tiền phong, Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam.

Kịch bản 2, để đạt được tối thiểu từ 30.000-40.000 tỷ đồng, ngoài việc thực hiện thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp nêu trên thì cần thực hiện thoái vốn nhà nước tại Sabeco với giá trị phần vốn nhà nước dự kiến thu về là 32.320 tỷ đồng.

Tác giả: Thùy Dương

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến