Dòng sự kiện:
Chân dung Chủ tịch Công ty Việt Á trong vụ nâng giá kit xét nghiệm
19/12/2021 17:06:04
Phan Quốc Việt bị cáo buộc thông đồng với lãnh đạo các cơ sở y tế để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, chi phần trăm ngoài hợp đồng với số tiền rất lớn để tiêu thụ kit xét nghiệm.

Trong vụ nâng khống giá bán kit xét nghiệm SARS-CoV-2 xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á và các đơn vị liên quan, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Phan Quốc Việt (41 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty này).

Ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương) và 5 người khác bị cáo buộc đồng phạm với ông Việt về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Tuyến và 4 bị can bị bắt giam, bị can còn lại được tại ngoại.

Thu 4.000 tỷ nhờ cung ứng kit xét nghiệm

Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á được coi là "ông lớn" trong ngành dược tại Việt Nam, được thành lập năm 2007 với vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp 80 triệu đồng và đặt trụ sở ở TP.HCM. Năm 2017, vốn điều lệ của doanh nghiệp này tăng từ 200 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.

Ông Phan Quốc Việt là người thành lập, giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và là người đại diện pháp lý của công ty.

Công ty đặt chi nhánh ở hàng chục địa phương trên cả nước và được quảng cáo là doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực sinh học phân tử, có đội ngũ cán bộ chuyên môn với kinh nghiệm hơn 10 năm về lĩnh vực này.

Bị can Phan Quốc Việt. Ảnh: Bộ Công an.

Theo Bộ Công an, đầu năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ có quyết định phê duyệt đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm realtime RT-PCR và RT-PCR phát hiện virus Corona chủng mới nCol" do Học viện Quân y chủ trì thực hiện.

Tháng 4/2020, Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành số 2000001 ÐKLH/BYT-TB-CT cho sản phẩm test Covid-19 của Công ty Việt Á. Đây là bộ kit do Học viện Quân y phối hợp với công ty này thực hiện. Sau khi bộ kit được công bố và đưa vào sản xuất đại trà, hơn 10 nước đặt vấn đề nhập khẩu sản phẩm này.

Theo giới thiệu trên website của công ty, Việt Á là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công và đưa vào thương mại từ rất sớm các kit sử dụng kỹ thuật realtime PCR và lai phân tử.

Công ty đã có hơn 3.000 khách hàng, thực hiện hơn 1.500 dự án và trúng nhiều gói thầu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Da liễu Trung ương hay Bệnh viện Bạch Mai.

Doanh nghiệp này còn hỗ trợ máy real-time PCR thế hệ mới nhất cho Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa Khoa Trung ương Cần Thơ; cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và nhiều cơ sở y tế của 62 tỉnh, thành phố khác trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.

Chi "lại quả" số tiền rất lớn

Theo Bộ Công an, bị can Phan Quốc Việt quê ở tỉnh Quảng Nam và cư trú ở phường 1, quận 4, TP.HCM trước khi bị bắt giam.

Sau khi được cấp phép sản xuất, lưu hành kit xét nghiệm SARS-CoV-2, ông Việt lợi dụng việc sản phẩm này thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn, đã chủ động cung ứng thiết bị trước cho các bệnh viện, CDC nhiều địa phương sử dụng.


Bị can Phạm Duy Tuyến (trái) và cựu Kế toán trưởng CDC Hải Dương Nguyễn Mạnh Cường. Ảnh: Bộ Công an.

Tiếp đó, bị can này thông đồng với lãnh đạo các cơ sở y tế và đơn vị liên quan nhằm hợp thức hồ sơ chỉ định thầu.

Thủ đoạn được các bị can sử dụng là Công ty Việt Á lấy pháp nhân trong hệ thống như công ty liên danh, công ty con lập hồ sơ chào hàng, xác nhận khống báo giá để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng và thanh quyết toán theo giá do Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá sản xuất.

Đồng thời, Bộ Công an cho rằng để được cung ứng số lượng lớn kit xét nghiệm và thiết bị khác nhằm tăng doanh thu, tạo điều kiện hoàn thiện hồ sơ thầu, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận chi "hoa hồng" với số tiền rất lớn cho lãnh đạo, cán bộ các đơn vị mua hàng của Việt Á.

"Để thu lời bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và nhóm thuộc Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào để cơ cấu giá ở mức 470.000 đồng/kit", kết quả ghi rõ.


Trụ sở CDC Hải Dương, nơi ông Tuyến công tác trước khi bị bắt giam. Ảnh: Nguyễn Dương.

Tại CDC Hải Dương, cơ quan điều tra làm rõ ông Việt ký 5 hợp đồng cung ứng kit xét nghiệm với tổng trị giá 151 tỷ đồng. Theo cáo buộc, Chủ tịch Công ty Việt Á đã chi "lại quả" ngoài hợp đồng cho ông Phạm Duy Tuyến với số tiền gần 30 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra đánh giá hành vi của ông Phan Quốc Việt và các bị can vi phạm nguyên tắc công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài Hải Dương, cơ quan điều tra đã khám xét khẩn cấp 16 địa điểm liên quan vụ án tại Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Long An và Cần Thơ. Qua đó, công an triệu tập trên 30 người liên quan để ghi lời khai, phục vụ điều tra mở rộng.

 Tác giả: Hoàng Lam

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến