Dòng sự kiện:
Chân dung người ‘tiếp lửa’ ở lò luyện nhân tài của xứ Thanh
11/08/2018 08:18:55
Được mệnh danh là lò luyện nhân tài, nơi ươm mầm những tài năng không chỉ của xứ Thanh mà còn của đất nước, Trường THPT Chuyên Lam Sơn có quy trình tuyển sinh gắt gao và phương pháp giáo dục đặc biệt.

Dấu mốc ấn tượng

Năm 2017 – 2018 là năm bội thu về thành tích của Trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), có thể nói là thành tích cao nhất trong suốt hơn 86 năm thành lập và phát triển đến hiện tại. Trong các kì thi học sinh giỏi quốc gia, châu Á hay quốc tế đều có tên học sinh của trường được vinh danh trên bảng vàng huy chương.


Trường chuyên Lam Sơn có bề dày lịch sử 86 năm

Chỉ tính riêng năm 2018, học sinh trường THPT chuyên Lam Sơn đã đoạt được 1 huy chương Vàng Olympic Sinh học quốc tế, 1 huy chương Vàng Olympic Vật lí quốc tế (trong đó môn Lý, Sinh là 2 tấm huy chương vàng đầu tiên của thí sinh tỉnh Thanh Hóa). Ngoài ra còn có 1 huy chương bạc Olympic Hóa học quốc tế của em Nguyễn Văn Chí Nguyên, học sinh lớp 11 của trường.

Tại kì thi Olympic châu Á năm nay, học sinh chuyên Lam Sơn cũng mang về 3 huy chương, gồm Huy chương vàng môn Lý, Huy chương bạc môn Tin và Huy chương đồng môn Lý. Đây là thành tích tốt nhất của ngôi trường này nói riêng và của giáo dục tỉnh Thanh nói chung trong nhiều năm trở lại đây.

Ít ai biết bằng, để có thành tích đó, bằng chính tâm huyết và nỗ lực không mệt mỏi, thầy trò trường Chuyên Lam Sơn đã trải qua quá trình gian truân dùi mài kinh sử, thử nghiệm nhiều phương pháp giáo dục để tìm con đường chinh phục đỉnh cao của tri thức.

Chân dung “người tiếp lửa”

Nói đến thành công của các học trò trường THPT Chuyên Lam Sơn, không thể không kể đến những giáo viên có chuyên môn giỏi, tâm huyết và tận tụy với học trò ở ngôi trường này, đặc biệt là người lãnh đạo của nhà trường, Hiệu trưởng Chu Anh Tuấn, người đã dày công vạch đường chỉ lối cho các học trò của mình “tiến ra biển lớn”.

Em Nguyễn Ngọc Long (đeo kính đứng giữa) là thí sinh đầu tiên của Thanh Hóa vừa đạt Huy chương vàng Olympic Vật lí quốc tế 2018.

Trước khi được chỉ định vào vị trí lãnh đạo ngôi trường cấp 3 trọng điểm của tỉnh Thanh, thầy Chu Anh Tuấn là Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1, đây cũng là ngôi trường có truyền thống giáo dục đứng top đầu của Thanh Hóa.

Thầy Tuấn chia sẻ, năm 2015, thầy được sự thống nhất của lãnh đạo tỉnh điều về công tác tại Trường THPT Chuyên Lam Sơn với chức vụ Hiệu vào vị trí Hiệu trưởng.

"Đây là một vinh dự và tự hào lo lớn, bởi đây là ngôi trường mơ ước từ thuở học trò của tôi", thầy Tuấn nói.

Mặc dù cũng có những khó khăn, thử thách nhưng bằng khát vọng và tâm huyết của mình, thầy Tuấn đã cùng các cộng sự đào tạo nên những lứa học trò tài năng, xây dựng Trường THPT Chuyên Lam Sơn thành cái nôi đào tạo nhân tài của xứ Thanh.

Em Hoàng Minh Trung, thí sinh đầu tiên của Thanh Hóa đạt Huy chương vàng Olympic Sinh học quốc tế 2018

Với tâm niệm, “Trường là nơi hàng ngày ta muốn đến, học sinh muốn học”, thầy Tuấn cho rằng:

“Hiệu trưởng cũng giống như người huấn luyện viên, biết phát hiện điểm mạnh, điểm yếu đội ngũ giáo viên, của học sinh, để từ đó phối cho phù hợp, biết nắm bắt cơ hội để tỏa sáng. Để học sinh có thành tích tốt như vậy, chúng tôi đã tập hợp được một đội ngũ giáo viên giỏi bên mình, không ngừng tìm kiếm, phát hiện những em có tiềm năng để đưa về trường bồi dưỡng, giáo dục”, thầy Tuấn nói.

Bên cạnh kì thi tuyển sinh hằng năm, nhà trường luôn chủ động tìm kiếm các tài năng từ khi các em còn đang học tại các trường THCS, đặc biệt là các trường trọng điểm.

Ban lãnh đạo nhà trường liên hệ các trường THCS trên toàn tỉnh để “đặt hàng” học sinh giỏi. Đồng thời, thành lập các đoàn công tác đi thăm các trường để tìm kiếm những em xuất sắc nhất.

“Từ đó chúng tôi nhờ các trường bồi dưỡng, định hướng. Thậm chí có trường hợp tôi đích thân gọi điện tâm sự, khuyên nhủ, cho người đến tận nhà vận động gia đình và em học sinh đó thi tuyển vào Chuyên Lam Sơn”, thầy Chu Anh Tuấn cho biết.

Nói về bí quyết để học sinh nhà trường liên tục đạt thành tích cao trong các kì thi quốc tế, thầy Tuấn chia sẻ, ở các kì thi quốc tế thì không thể học tủ hay ăn may, may mắn chỉ chiếm 1%, còn lại 99% là từ sự nỗ lực.

“Chúng tôi đào tạo phủ sóng, học dày, không bỏ sót bất kì một nội dung nào dù là nhỏ nhất. Trong quá trình dạy thì phân loại học sinh để có phương pháp dạy phù hợp, thường xuyên, liên tục kiểm tra để lấp đầy những lỗ hổng kiến thức còn tồn tại. Tóm lại, chúng tôi sẽ dạy đến khi nào kiến thức đó từ chỗ của sách vở, của thầy cô trở thành kiến thức của học sinh. Ngoài ra, tôi cũng sẽ đích thân tìm đến các giáo sư giỏi trên cả nước để mời về giảng dạy và tập huấn cho các em”, thầy Tuấn chia sẻ.

Lãnh đạo nhà trường cũng rất chú trọng nâng cao nghiệp vụ đội ngũ giáo viên, bằng cách thường xuyên yêu cầu các thầy cô đi học nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Những người chưa có điều kiện đi học lớp nâng cao thì tự học, tự bồi dưỡng để trau dồi nghiệp vụ. Nhờ đó, chuyên môn của giáo viên được đảm bảo.

Những điều trăn trở

Bên cạnh những thành tích vang dội, nhà trường cũng vẫn còn tồn tại nhiều điều trăn trở. Trước hết, đó là phòng thực hành của nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, các thí thi mỗi lần tham dự các kì thi quốc tế thường lo lắng về phần thực hành, mặc dù lý thuyết nắm rất vững.

Hiệu trưởng Chu Anh Tuấn, người "tiếp lửa" cho các học trò

Ngoài ra, khả năng tiếng Anh của học sinh cũng là vấn đề đáng bàn. Nhiều em sau khi đạt huy chương vàng tại các kì Olympic quốc tế về nước, mặc dù đủ điểu kiện nộp hồ sơ vào các trường đại học ở Mỹ nhưng đành tạm gác lại bởi vốn tiếng Anh ít ỏi.

Một trường học đáng tiếc là em Lê Quang Dũng, đạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 2017, 2 năm liên tiếp đạt giải nhất môn Toán của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Thế nhưng, hiện em đang tạm gác lại giấc mơ du học Mỹ để rèn luyện vốn ngoại ngữ.

Thầy Chu Anh Tuấn cũng bày tỏ sự lo lắng khi vài năm nữa, nhiều giáo viên giỏi của trường sẽ nghĩ hưu, và việc tìm kiếm nguồn giáo viên chất lượng cao kế cận là điều cần lưu tâm ngay từ bây giờ.

“Trong tình hình các trường đại học tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm với điểm thấp như hiện tại thì tôi lo lắng không tìm được giáo viên đủ trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu của trường. Vì vậy, tôi muốn các em có thành tích cao trong các kì thi học sinh giỏi quốc gia của trường theo học ngành sư phạm, sau khi tốt nghiệp loại giỏi thì sẽ quay về trường để giảng dạy. Tuy nhiên, đây mới chỉ là ước mong của cá nhân tôi, một mình thì không làm được. Chính bản thân các em cũng lo ngại về khả năng được trở lại trường cống hiến, vì thế ít ai dám theo học ngành sư phạm”, thầy Tuấn trăn trở.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến