Dòng sự kiện:
Chàng phi công đầu tiên lái thủy phi cơ qua 5 quốc gia về Việt Nam
19/08/2019 11:14:22
Với hành trình 10 ngày vượt qua 14.000 km, 5 quốc gia, Đại úy Nguyễn Văn Thuận trở thành phi công đầu tiên lái thủy phi cơ từ Canada về nước.

Đại úy Nguyễn Văn Thuận (28 tuổi), Phó phi đội trưởng Phi đội 2, Lữ đoàn 954, Quân chủng Hải quân là phi công đầu tiên và duy nhất cho đến nay lái thủy phi cơ DHC-6 từ Canada về Việt Nam.

Sinh ra trên miền quê hiếu học huyện Giao Thủy (Nam Định), có anh trai cả là lái tàu hàng hải thuộc Quân chủng Hải quân, từ bé Nguyễn Văn Thuận đã có tình yêu rất lớn với biển đảo nên anh quyết tâm thi vào Học viện Hải quân. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp THPT, anh đăng kí thi chuyên ngành thuyền trưởng, với ước mơ sau này sẽ được lái một con tàu mặt nước.

Đại úy Nguyễn Văn Thuận

Thi đỗ Học viện Hải quân, học được 2 năm, anh trúng tuyển vào khóa học tàu ngầm. Chưa dừng lại, khi có chương trình đào tạo về lái máy bay kiểu mới dành cho hải quân, người lính trẻ lại đăng kí. Vượt qua các vòng kiểm tra ngặt nghèo, Thuận trúng tuyển. Anh cùng 7 học viên đầu tiên của Việt Nam được tuyển chọn sang Canada để đào tạo phi công quốc tế cá nhân và phi công thương mại chở khách.

Vượt 14.000 km, qua 5 quốc gia bay về nước

Lần đầu ra nước ngoài học tập trong thời gian 2 năm, anh rất lo lắng, sống ở quê ít được trau dồi tiếng Anh, vấn đề lớn nhất đối với Thuận khi đó là ngoại ngữ. Ở nhà anh mới được học giao tiếp cơ bản, còn các thuật ngữ về hàng không lại rất khó, đòi hỏi quyết tâm rất lớn mới vượt qua được.

Phi công Nguyễn Văn Thuận cùng 7 học viên khác trong đợt đào tạo phi công ở Canada

"Tôi cùng các anh em được cử đi học lái máy bay DHC-6, với các loại máy bay khác ở Việt Nam có người đi trước truyền đạt lại kinh nghiệm, nhưng với loại máy bay mới chỉ có 1 giáo viên duy nhất là người nước ngoài, học viên phải vượt qua nhiều rào cản mới có thể nắm bắt được" anh Thuận chia sẻ.

Ngày 10/3/2011, sau 3 tháng học tiếng Anh, thầy giáo nói với anh một câu ngắn gọn “Ngày mai bay nhé”. Đó là lần đầu anh cầm lái một chiếc máy bay. Anh Thuận kể: "Người ta mất 6 tháng để học tiếng Anh, nhưng tôi chỉ mất 3 tháng, sau đó lại là người đầu tiên trong nhóm học được bay nên rất vinh dự, tự hào. Chuyến bay đầu tiên cùng với thầy cảm giác hồi hộp xen lẫn thích thú".

Tốt nghiệp năm 2013, Nguyễn Văn Thuận nhận bằng phi công cá nhân và bằng phi công thương mại, anh được chọn ở lại Canada làm trợ giảng phiên dịch cho các sĩ quan của Việt Nam được cử sang theo khóa học sửa chữa máy bay.


Anh Thuận cùng thầy giáo dạy bay

Đến tháng 10/2013, anh được giao nhiệm vụ lái chiếc thuỷ phi cơ DHC-6 đầu tiên của Hải quân Việt Nam về nước. 50 giờ bay trên không, qua 5 quốc gia, 7 sân bay với tổng quãng đường 14.000 km và kéo dài liên tục trong 10 ngày.

Ấn tượng nhất hành trình đó là chặng cuối cùng. Anh tự hào: "Lúc máy bay bay về đến bầu trời Việt Nam, nghe thấy giọng người Việt từ trên đài chỉ huy, những người anh em đã bay cùng mình, những người thân lâu ngày không gặp ở bên dưới đón chờ, cảm giác hồi hộp không gì miêu tả được.

Tôi cảm thấy mình thật may mắn. Hành trình kéo dài 10 ngày, đó là trải nghiệm tuyệt vời tôi không bao giờ quên trong sự nghiệp".

Thủy phi cơ DHC-6 do phi công Nguyễn Văn Thuận hạ cánh xuống Cam Ranh năm 2013

Ngày 29/10/2013, thủy phi cơ DHC-6 đã hạ cánh tại sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), Nguyễn Văn Thuận khi đó mới 22 tuổi trở thành phi công đầu tiên và duy nhất đến nay của Hải quân thực hiện nhiệm vụ này.

Người vận chuyển cho Trường Sa

Bay biển là nội dung rất khó vì thời tiết diễn biến phức tạp, có thể gây cảm giác sai nếu phi công không cẩn trọng, tỉ mỉ, tỉnh táo. Bay ra Trường Sa lại càng khó hơn khi phải bay hoàn toàn trên biển với khoảng cách hơn 250 hải lý.

"Đường băng sân bay Trường Sa là một trong những đường băng hẹp nhất tôi từng bay. Để đạt được trình độ phê chuẩn cất - hạ cánh ở sân bay Trường Sa đòi hỏi phi công phải có kỹ năng, tính kỷ luật, không được sai sót dù là 1cm", Đại úy Thuận nói.

Với hơn 1.450 giờ bay huấn luyện và nhiệm vụ tích lũy, thực hiện 8 chuyến bay ra Trường Sa, Đại úy Nguyễn Văn Thuận trở thành phi công cấp 1 - cấp cao nhất của phi công quân sự Việt Nam khi tuổi còn rất trẻ.

Không chỉ có nhiều sáng kiến trong huấn luyện giúp tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, anh còn xây dựng các phương thức bay tại các sân bay Trường Sa, Phan Rang, Kiến An đảm bảo an toàn tuyệt đối và hiệu quả.

Gắn bó với bầu trời 6 năm, Đại úy Nguyễn Văn Thuận luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ quan trọng và đột xuất như bay trinh sát, tuần tiễu, chở đoàn cán bộ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bay chuyển quân giữa các đơn vị đặc công hay bay ra Trường Sa...

Chàng phi công trẻ đã lập gia đình, vợ chồng anh vừa đón 2 con gái sinh đôi vào tháng 6. Do đặc thù công việc nên anh rất ít khi về nhà, mặc dù nhà chỉ cách đơn vị vài km.

Anh Nguyễn Văn Thuận cùng thầy giáo ở sân bay Cam Ranh năm 2013

Anh Nguyễn Văn Thuận trong thời gian huấn luyện bay tại Nam Phi

Đại úy Thuận trong 1 lần lái thủy phi cơ được điều động ra Trường Sa cứu người

Đại úy Nguyễn Văn Thuận đang có mặt tại Hà Nội, tham dự chương trình giao lưu điển hình tiêu biểu học tập làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 do Ban Tuyên giáo TƯ tổ chức hôm nay.

Theo VietNamNet

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến