Dòng sự kiện:
Chánh án TANDTC giải trình về quy định gây “nóng” nghị trường
16/06/2015 08:26:11
Chiều 15/6, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã phải giải trình thêm về quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết các tranh chấp dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng (khoản 2 điều 4).

Tin liên quan

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình (Ảnh: TTBC)

Giải trình thêm các ý kiến của ĐBQH nêu tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình - cho biết, TANDTC đã mở nhiều cuộc hội thảo trong và ngoài nước, lấy ý kiến các Bộ ngành trước khi xây dựng nên dự thảo luật này. Tinh thần là cố gắng đưa vào các điểm mới, tiến bộ nhưng phù hợp với xu hướng tiến bộ của thế giới và xu hướng phát triển của trong nước.

Về khoản 2, Điều 4 trong dự án Bộ luật gây nhiều ý kiến tranh cãi nhiều nhất trong ngày thảo luận, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: "Nếu Bộ luật Dân sự được QH thông qua thì Luật này cũng phải giữ quy định này vì nó tương thích với nhau, trong Luật Dân sự cũng có quy định như vậy. Nhà nước pháp quyền bảo vệ quyền hợp pháp của dân, do dân và vì dân nên nếu chưa có luật mà Tòa án từ chối giải quyết thì không được, bởi đó là lỗi của nhà nước, là đổ phần khó về cho dân.

Trong điều kiện chưa có luật thì phải mở rộng các hành vi tư pháp để xét xử đảm bảo công bằng cho dân. Hiện nay Bộ luật Dân sự của nhiều nước cũng chấp nhận. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải lường hết mặt trái của nó. Ở đây, phải giải thích được việc Tòa án thực hiện quyền tư pháp, áp dụng án lệ, tập quán để giải quyết nhằm phát huy các quyền tư pháp.

Về án lệ, Điều 22 luật tổ chức tòa án đã nêu án lệ là các bản án chuẩn mực mà tòa án phải nghiêm túc chấp nhận, nó có tính bắt buộc. Chúng tôi sẽ thiết kế lại cho phù hợp. Các ĐB phân vân hiện chúng ta chưa có án lệ, chưa có quy trình án lệ, chúng tôi đang rà soát lại các bản án để quy định nên các bản án chuẩn mực làm án lệ, xem phát hiện án lệ như thế nào, nguồn từ đâu để công bố trên các tạp chí, công luận để dư luận đánh giá và có hội đồng thẩm định, nếu thấy đúng là bản án có tính chuẩn mực thì đưa lên Hội đồng tối cao quyết định công nhận là án lệ.

Còn áp dụng tập quán, tập quán có những tập quán quốc tế, tập quán của các vùng miền dân tộc (chỉ áp dụng với những thuần phong mỹ tục, còn các hủ tục thì phải loại bỏ).

Phát biểu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Khoản 2, Điều 4: Qua lấy ý kiến của nhân dân, tuyệt đại đa số của các bộ ngành đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố đều ủng hộ phương án này. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp, sứ mệnh của Tòa án là nơi hỗ trợ bảo vệ pháp lý cho dân, cũng hoàn toàn phù hợp với quy định của bộ luật dân sự hiện hành và bộ luật dân sự sửa đổi. Đồng tình với quy định về án lệ. Đây không phải là vấn đề mới, từ những năm 50-60 của thế kỷ trước, pháp luật của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng quy định vấn đề này. Khi không có điều luật, tập quán, tương tự pháp luật để áp dụng thì nên giao cho tòa án cấp tỉnh cân nhắc quyết định.

Theo Laodong.com.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến