Dòng sự kiện:
Chất lượng tăng trưởng trước nỗi lo hội nhập
17/05/2018 22:18:53
Chính phủ sẽ kiên định thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tuyệt đối không hài lòng với những thành công ban đầu, duy trì nỗ lực chung của toàn hệ thống.

Tại phiên họp UBTVQH đang diễn ra, nhiều đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều hành để đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế, tuy nhiên một số ý kiến cũng tỏ ra lo lắng khi chất lượng chưa thật nhiều chuyển biến, một số trụ cột lớn như xuất nhập khẩu lại đang phụ thuộc lớn vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)...

Mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi rõ nét

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi rõ nét. Tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của đầu tư nước ngoài, xuất khẩu từ đầu tư nước ngoài vẫn chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu; Tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất có xu hướng giảm, dừng lại ở khâu gia công. Kết quả cổ phần hóa DNNN chưa đạt mục tiêu. Tốc độ tăng năng suất lao động thấp, mức chênh lệch năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực gia tăng.

“Chính phủ cần tiếp tục đánh giá đầy đủ về bài học, kinh nghiệm từ kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2017 trong bối cảnh các yếu tố tăng trưởng từ phía doanh nghiệp trong nước chưa thay đổi lớn, căn bản. Đồng thời, phân tích rõ những lợi ích thực chất về nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần người dân từ kết quả tăng trưởng cao, khả năng thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0”, đại diện Ủy ban Kinh tế đề nghị.

Bên cạnh đó, đại diện cơ quan thẩm tra lĩnh vực kinh tế Quốc hội cũng nêu hàng loạt những tồn tại, yếu kém cần được Chính phủ xử lý như: ngân sách Trung ương hụt thu, không thực hiện được vai trò chủ đạo; tăng thu chủ yếu là tăng thu ngân sách địa phương. Thu từ nội tại nền kinh tế chưa bền vững, thu từ cả 3 khối doanh nghiệp đều thấp so với dự toán và số đã báo cáo Quốc hội.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu Chính phủ chậm; số chuyển nguồn NSNN còn khá lớn, kéo dài; việc xử lý nợ xấu của các TCTD được triển khai tích cực nhưng số nợ xấu cần xử lý còn khá lớn; thị trường chứng khoán thiếu ổn định, còn tiềm ẩn rủi ro; môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn rào cản, tình trạng “giấy phép con, cháu” còn khá nhiều; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng, số doanh nghiệp làm ăn hiệu quả còn thấp. Tính kết nối giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước chưa hiệu quả, việc thu hút doanh nghiệp lớn cũng chưa đem lại nhiều hiệu ứng lan tỏa...

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2017, trong tổng số 13 chỉ tiêu được Quốc hội giao, có 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch; 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch, tăng thêm 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch so với số đã báo cáo Quốc hội; gồm: tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân và giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch so với kết quả đã báo cáo Quốc hội là chỉ tiêu giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị GDP, đánh giá lại chỉ đạt 0,5% (số đã báo cáo là 1,5%).

“So với ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội, có 7/13 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn, 4 chỉ tiêu không đổi so với số đã báo cáo Quốc hội. Riêng 2 chỉ tiêu tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP và tỷ suất tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị GDP đạt thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tăng trưởng có thể chậm lại

Cũng theo đại diện Uỷ ban Kinh tế, kinh tế quý I/2018 với sự bứt phá về GDP tăng 7,38% đem lại kỳ vọng lớn nhưng cũng tạo áp lực không nhỏ về tăng trưởng GDP trong 3 quý còn lại của năm nếu tăng trưởng vẫn định hình như các năm trước, quý sau cao hơn quý trước.

Bên cạnh, áp lực lạm phát năm 2018 còn tiềm ẩn, trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể còn khó khăn, vướng mắc như: chưa có sự gắn kết thường xuyên giữa hoạt động sản xuất nông nghiệp với nhu cầu thị trường, vẫn phải “giải cứu” nông sản; công tác dự báo, thống kê chưa đáp ứng yêu cầu chủ động, từ xa, mang tầm chiến lược.

Trong khi đó, giá trị gia tăng của sản phẩm một số ngành công nghiệp tăng chậm, chưa tham gia nhiều vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế, đầu tư khép kín gây lãng phí năng lực chung toàn ngành...

Hàng loạt những thách thức khác của nền kinh tế cũng được các ý kiến chỉ ra khi cho biết tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài giảm so với cùng kỳ năm 2017. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn NSNN đạt thấp (4 tháng đầu năm đạt 16,4% dự toán); một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia chậm tiến độ, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng các quý tiếp theo. Việc cơ cấu lại NSNN và nợ công vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thu NSNN không còn nhiều dư địa tăng; huy động vốn vay cho cân đối ngân sách và huy động nguồn vốn từ xã hội còn bất cập, chưa hết tiềm năng. Tiến độ các khoản thu không đồng đều, một số khoản thu dù tăng nhưng chưa bảo đảm tiến độ dự toán.

Dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng mạnh, nhưng công tác điều hành tỷ giá và lãi suất vẫn phải đối mặt với những diễn biến khó lường do tác động từ chính sách tiền tệ của một số nước lớn, tình hình chính trị trên thế giới. Tình trạng sử dụng tiền điện tử, tiền ảo diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải xây dựng khung pháp lý để quản lý. Một số quỹ tín dụng nhân dân hoạt động chưa hiệu quả, yếu kém, thậm chí vi phạm pháp luật, đã và đang được kiểm soát đặc biệt, từng bước xử lý bảo đảm an toàn hệ thống. 

Hay số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Một số vụ việc liên quan đến ngành hải quan, thuế mới đây cho thấy cần sớm có giải pháp quyết liệt để loại bỏ các hành vi nhũng nhiễu, các khoản chi phí không chính thức. Việc triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV còn chậm, việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp chưa được như mong đợi.

Quá trình cơ cấu lại các DNNN còn chậm, chưa đạt hiệu quả như yêu cầu, có biểu hiện sự cố tình làm trái quy định pháp luật của một số cán bộ, công chức, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp. Việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm. Chi phí vận tải thuê ngoài chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí của doanh nghiệp, tỷ lệ chi phí logistic trên GDP cao hơn so với nhiều nước, giao thông phụ thuộc nhiều vào đường bộ, các vướng mắc liên quan đến các dự án BOT vẫn chưa được giải quyết căn bản, tạo dư luận không tốt.

Chính phủ dự báo GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần theo các quý với tốc độ tăng trưởng của quý I cao nhất do mức nền tăng trưởng GDP năm 2017 đã ở mức cao. Ngành khai khoáng có thể tiếp tục giảm do sản lượng khai thác giảm, đặc biệt là sản lượng dầu thô, dự kiến giảm 2 triệu tấn so với năm 2017; kết hợp với dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ hạn hẹp, khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển có khả năng gặp khó khăn do đã trải qua đỉnh tăng trưởng của năm 2017; thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng trong khối ASEAN giảm... có khả năng tác động giảm tăng trưởng trong năm 2018. Động lực tăng trưởng chủ yếu, có khả năng tạo bứt phá, là khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo, trở thành kỳ vọng chính đem lại kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến