Dòng sự kiện:
Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Quân: Có “ăn chia”, xin - cho?
13/06/2015 09:30:51
“Việc xét duyệt và giao đề tài rất dễ dàng, đặc biệt còn tình trạng cơ quan quản lý chủ trì nhiệm vụ gợi ý, tự đưa ra các quy định trích nộp phần kinh phí thuê khoán chuyên môn với tỷ lệ rất lớn, từ 25% đến 50%”, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nêu khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân ngày 12/6.

Tin liên quan

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân

Bao giờ hết đề tài xếp ngăn kéo?

Tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nêu, dù mỗi năm ngân sách Nhà nước (NSNN) dành khoảng 1.300 tỷ đồng chi cho các công trình nghiên cứu khoa học, nhưng tình trạng đề tài nghiên cứu xong xếp ngăn kéo rất phổ biến, tỷ lệ các kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế rất thấp… “Cử tri đặt câu hỏi có phải sản phẩm khoa học của chúng ta nghiệm thu trên bàn là chủ yếu? Có phải do chúng ta đầu tư dàn trải, không tập trung, đầu tư không đúng chỗ, đúng người, đúng việc? Có hay không cơ chế xin, cho?”, ĐB Cường chất vấn.

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Quân “đính chính” chi phí hàng năm cho việc này không phải chỉ có 1.300 tỷ đồng mà là hơn 3.000 tỷ đồng. “Đề tài xếp ngăn kéo là những đề tài nghiên cứu cơ bản, vì nó đi trước thời đại nên phải nằm trong ngăn kéo để chờ đợi trình độ phát triển của xã hội đến một mức độ nhất định mới có thể ứng dụng được”, Bộ trưởng nói, và ví dụ chất bán dẫn được người Mỹ phát minh ra từ đầu thập kỷ 50, nhưng phải nằm ngăn kéo đến đầu thập kỷ 60. Khi người Nhật mua sáng chế đó thì mới trở thành sản phẩm hàng hóa, ngày nay mỗi năm đóng góp cho thế giới hơn 20.000 tỷ đô la.

Bộ trưởng Quân cũng cho biết, muốn trở thành sản phẩm được thương mại hóa phải có sự đầu tư từ doanh nghiệp. Tuy nhiên doanh nghiệp hầu hết là nhỏ và siêu nhỏ, chưa đủ năng lực đầu tư nên nhiều kết quả nghiên cứu tốt vẫn phải…chờ cơ hội.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận có một số loại đề tài xếp ngăn kéo thực sự, tức là nghiên cứu xong không ứng dụng được. Điều này xuất phát từ chỗ các đề tài này không được nghiên cứu từ nhu cầu của doanh nghiệp và từ nền kinh tế, nghiên cứu theo sở thích và mong muốn của những người làm khoa học”, Bộ trưởng Quân nói, đồng thời cho biết, nếu thực hiện nghiêm Luật KH&CN 2013 sẽ không còn tình trạng đề tài bỏ ngăn kéo, gây lãng phí.

Tiếp tục nêu chất vấn, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) khẳng định, lãng phí trong nghiên cứu khoa học “vô cùng lớn”, kết quả mang lại không tương xứng với số kinh phí bỏ ra. ĐB Cương ví dụ, mỗi Bộ một năm có đến vài chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ bỏ ra để nghiên cứu khoa học. “Cứ bảo vệ, in ấn rất đẹp, sau đó xếp lên kho mà không có ứng dụng gì cả. Có nhiều người còn nói với tôi, nghiên cứu khoa học là một cách kiếm tiền khá dễ dàng”. ĐB Cương nêu: Không biết sắp tới Bộ có trình Chính phủ quy trình để xét duyệt, để loại bỏ những đề tài không mang tính ứng dụng?

Lý giải về việc này, Bộ trưởng Nguyễn Quân nói, Luật KH&CN 2013 đặt ra cơ chế đặt hàng, sẽ hạn chế rất nhiều những đề tài không có địa chỉ ứng dụng. Tuy nhiên về lãng phí, Bộ “không dám nói trong khoa học thì không có sự lãng phí”. Bộ trưởng Quân giải thích, con số 2% tổng chi NSNN dành cho khoa học, công nghệ như dự toán (tương đương 23.000 tỷ đồng), nhưng số kinh phí thực được giao chỉ 1,52% (17.300 tỷ đồng). Trong đó hơn 40% dành cho đầu tư phát triển (hạ tầng khoa học, công nghệ), còn lại trên 40% nữa dành cho chi thường xuyên (chi phí trả lương hoạt động bộ máy). 20% còn lại dành cho hoạt động nghiên cứu, tức là năm nay được bố trí 3.850 tỷ đồng.

“Ăn chia” từ 25 - 50%?

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên). Ảnh: Như Ý

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) phản ánh thực trạng cử tri là các nhà khoa học phản ánh việc quản lý sử dụng kinh phí từ NSNN cho các đề tài, nhiệm vụ khoa học, công nghệ còn thiếu công khai, minh bạch. Việc xét duyệt và giao đề tài rất dễ dàng, trong khi nhiều cơ quan và cá nhân khác rất khó khăn. Đặc biệt còn tình trạng cơ quan quản lý chủ trì nhiệm vụ gợi ý, tự đưa ra các quy định trích nộp phần kinh phí thuê khoán chuyên môn với tỷ lệ rất lớn, từ 25% đến 50%.

“Bộ trưởng có nhận được thông tin phản ánh về những việc đó không? Nếu có, Bộ trưởng đã xử lý như thế nào để đảm bảo sự công khai, minh bạch trong xét duyệt các đề tài nhiệm vụ khoa học, công nghệ?”, ĐB Hùng truy vấn.

Liên quan đến việc “ăn chia” ĐB nêu, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định: “Đến giờ phút này chưa có ai phản ánh với tôi và cung cấp những bằng chứng về việc này, nhưng tôi xin đảm bảo nếu có hiện tượng này, các ĐB có thể chuyển địa chỉ cho chúng tôi. Tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Những người làm sai, cố tình lợi dụng vị trí của mình để thực hiện những hành vi tham nhũng sẽ bị xử lý nghiêm minh”.

Theo Tienphong.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến