Thị trường đã có 4 phiên giao dịch đi lên liên tiếp từ ngày 31/7 đến 5/8 (Ảnh: Tuấn Trần)
Động lực nào dẫn dắt?
Chỉ sau 2 phiên rơi mạnh vào ngày 24 và 27/7, đà đi xuống của VN-Index đang cho dấu hiệu đảo chiều khi tìm thấy hỗ trợ tại vùng 780 điểm. Thị trường đã có 4 phiên giao dịch đi lên liên tiếp từ ngày 31/7 đến 5/8, với tổng mức tăng của VN-Index lên đến 50 điểm, tương đương 6.3%. Đặc biệt đà tăng mạnh bắt đầu từ phiên giao dịch đầu tiên của tháng 8.
Nhiều nhà đầu tư cho đến thời điểm hiện tại vẫn không hiểu lý do vì sao có đợt tăng này, khi dịch bệnh giai đoạn 2 đã bắt đầu bùng phát trở lại từ ngày 24/7 đến nay, với các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng tiếp tục tăng nhanh so với giai đoạn 1 trước đó. Với những người đã sớm thoát ra và cầm tiền, hy vọng về một đợt sụt giảm mạnh, ít nhất phải về lại mức đáy của tháng 3 tại vùng 650 điểm, có lẽ đang “sốt ruột” khi chứng kiến thị trường cứ lầm lũi đi lên.
Trong khi đó, không ít người vẫn đang nghi ngờ về một bẫy tăng giá của các phiên giao dịch vừa qua. Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến tăng dứt khoát và duy trì qua các phiên liên tiếp của VN-Index, dòng tiền đổ vào mạnh mẽ thể hiện qua thanh khoản giao dịch vẫn duy trì ở mức bình quân 250 triệu cổ phiếu/phiên ở sàn HOSE, sắc xanh lan tỏa khắp ở các mã cổ phiếu, những người lạc quan lại tin rằng thị trường đang ở chân sóng của một đợt tăng mới. Nếu là một bẫy tăng giá, thì rõ ràng chiếc bẫy này quá lớn và quá mạnh.
Thực tế thị trường cũng đang nhận được những thông tin hỗ trợ gần đây, đầu tiên là Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực ngày 01/8, góp phần cải thiện tâm lý cho nhà đầu tư trong bối cảnh các thông tin về kết quả kinh doanh quý 2 đang bước vào giai đoạn cuối.
Đáng lưu ý là kết quả lợi nhuận quý vừa qua của các doanh nghiệp không đến nỗi quá tiêu cực như những dự báo trước đó, dù chịu ảnh hưởng của đợt giãn cách xã hội trong tháng 4. Theo thống kê của CTCK Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSI), tính đến 31/7 đã có 615 công ty, chiếm tỷ lệ 81% trên 2 sàn HOSE và HNX, đã công bố KQKD quý 2. Tổng lợi nhuận sau thuế các công ty đạt 54,622 tỷ đồng, chỉ giảm 3% so với cùng kỳ 2019. Trong nhóm VN30, 26/30 công ty nhóm đã công bố KQKD quý 2 với mức giảm -2% LNST. Riêng nhóm cổ phiếu Ngân hàng chiếm hơn 1/2 trong số 10 công ty có tăng trưởng lợi nhuận tuyệt đối tốt nhất.
Bên cạnh đó, những tin tức về các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam, từ SamSung, Apple, các doanh nghiệp Nhật Bản, cộng thêm động thái quay lại mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán cũng hỗ trợ tâm lý cho các nhà đầu tư nội.
Ngoài ra, kể từ ngày 03/8, Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng cũng sẽ chính thức có hiệu lực, giúp thị trường có phiên thăng hoa ngay trong ngày 03/8 với VN-Index tăng gần 18 điểm. Việc giảm thuế được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp nhỏ, cũng như không loại trừ khả năng Chính phủ sẽ tăng cường độ mở rộng chính sách tài khóa và nới lỏng tiền tệ, nhằm hỗ trợ nền kinh tế nhiều hơn do lo ngại ảnh hưởng từ dịch bệnh đang quay lại.
Đối với dịch bệnh bùng phát lần này, cũng có những ý kiến nhắc lại đợt tăng điểm của thị trường vào đầu tháng 4, khi các đợt giãn cách xã hội đã lôi kéo một số nhà đầu tư F0 trở nên rảnh rỗi và nhảy vào thị trường chứng khoán với kỳ vọng kiếm tiền khi các hoạt động sản xuất kinh doanh khác bị tạm ngừng. Do đó, đang có những quan điểm kỳ vọng sẽ có thêm các dòng tiền mới tham gia thị trường, hỗ trợ cho sóng tăng này, thậm chí là dòng tiền rỗi đến từ các doanh nghiệp khi hoạt động sản xuất kinh doanh chính đang trong giai đoạn ngưng trệ.
Vắc xin là chất xúc tác chính?
Thực tế đợt tái lây nhiễm lần này tại Việt Nam có lẽ không quá bất ngờ với nhiều nhà đầu tư, nên diễn biến bán tháo chỉ diễn ra trong thời gian ngắn ngủi tính cho đến thời điểm này. Bên cạnh đó, chính sách giãn cách xã hội nếu được tái triển khai cũng chỉ áp dụng theo từng khu vực, địa bàn, chứ không áp lên quy mô toàn quốc như hồi tháng 4, do đó sẽ không ảnh hưởng lớn lên hoạt động của các doanh nghiệp như trước đây.
Về phía các doanh nghiệp và cả người lao động cũng đã có kinh nghiệm ứng phó để duy trì hoạt động kinh doanh, năng suất làm việc, trong khi cơ quan quản lý cũng đã có kinh nghiệm dập dịch và các giải pháp chữa trị, cách ly trên quy mô lớn.
Nhìn ra thế giới, các thị trường chứng khoán toàn cầu cũng liên tiếp bứt phá trong những ngày gần đây, khi môi trường lãi suất thấp và tiền rẻ thông qua các chính sách nới lỏng đang thúc đẩy giới đầu tư đổ tiền vào các tài sản an toàn như vàng lẫn rủi ro như chứng khoán, điều hiếm thấy trong quá khứ.
Cũng cần biết rằng diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khi các nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề khi phải gánh chịu các cú sốc cung lẫn cầu, hàng loạt doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, trong khi các nhà đầu tư vì lo sợ nên cũng bán tháo các tài sản rủi ro như chứng khoán.
Tuy nhiên, một khi nỗi sợ hãi dần qua đi, nhất là khi có những thông tin cho thấy lộ trình nghiên cứu sản xuất vắc xin đang cho kết quả tốt hơn mong đợi, thị trường chứng khoán sẽ phản ứng tích cực là điều dễ hiểu.
Ngày 31/7, Viện nghiên cứu Gamaleya ở Matxcơva đã lên kế hoạch đăng ký với Bộ Y tế Nga loại vắc xin ngừa Covid 19 khả dụng đầu tiên do họ bào chế trong hai tuần đầu tiên của tháng 8, với mục tiêu tháng 9 sẽ có vắc xin. Đến ngày 01/8, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết nước này sắp khởi động một đợt tiêm vắcxin ngừa COVID-19 diện rộng vào tháng 10. Trước đây Tổng thống Vladimir Putin từng khẳng định Nga sẽ có một vắc xin ngừa Covid 19 được đăng ký trước tháng 9 năm nay.
Không chịu kém cạnh, trong một cuộc họp báo ngày 3/8 tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ nước này đang xúc tiến để có vắc xin trong năm nay, có thể sớm hơn nhiều trước thời điểm cuối năm nay. Ông Trump cũng đề cập tới hai vắc xin tiềm năng do các công ty dược Pfizer và Moderna phát triển, hiện đều đã thử nghiệm trên hàng trăm người vào tuần trước.
Trong khi đó, tại Việt Nam hai dự án nghiên cứu vắcxin ngừa COVID-19 của Viện Vắcxin và sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế (VABIOTECH) cũng đang có những dấu hiệu khả quan. Trong tháng 7 Viện đã gửi mẫu vắc xin sang Mỹ đánh giá độc tính trên động vật thí nghiệm, tháng 8 này sẽ thẩm định và tối ưu hóa quy trình sản xuất, từ tháng 10 đến tháng 12 sẽ thử nghiệm trên người giai đoạn 1, đồng thời nâng cấp quy mô sản xuất lên 6 triệu liều/năm (hiện quy mô 3.5 triệu liều/năm, tiến tới có thể nâng cấp quy mô lên 30 triệu liều/năm). Dự án của VABIOTECH dự kiến sẽ tiêm thử nghiệm trên người vào đầu năm 2021.
Một khi nỗi sợ hãi dần qua đi, nhất là khi có những thông tin cho thấy lộ trình nghiên cứu sản xuất vắc xin đang cho kết quả tốt hơn mong đợi, thị trường chứng khoán sẽ phản ứng tích cực là điều dễ hiểu. |
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy