Châu Âu đang miễn dịch với suy giảm kinh tế Trung Quốc?
09/09/2015 21:14:56
Mặc cho những thông tin tiêu cực về nền kinh tế Trung Quốc. Chứng khoán toàn cầu đồng loạt tăng điểm ngày hôm qua (8/9).

Tin liên quan

 

Thị trường chứng khoán toàn cầu hôm qua tăng điểm mạnh sau khi các báo cáo cho thấy nền kinh tế Châu Âu đang mạnh lên. Mặc cho kim ngạch xuất – nhập khẩu của Trung Quốc đang giảm xuống. Chỉ số FTSE 100 tăng 71 điểm lên 6146 điểm trong khi chỉ số Dow Jones chốt phiên tăng gần 300 điểm.

Trong các chỉ số chính, chỉ có Nikkei của Nhật giảm điểm, trượt 2,43% do các nhà đầu tư lo ngại rằng sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc có thể ảnh hưởng lớn tới kim ngạch xuất khẩu của Tokyo.

Nhằm ngăn chặn đà suy giảm của thị trường chứng khoán, Bắc Kinh đang áp dụng một loạt biện pháp để ngăn ngừa sự đầu cơ của các nhà đầu tư cá nhân - những người đang thống trị thị trường Thượng Hải.

Nhà chức trách Trung Quốc cho biết họ đang cân nhắc sử dụng “Circuit Breaker”, một công cụ có thể dừng việc giao dịch 30 phút nếu thị trường tăng hoặc giảm quá 5% và một ngày nếu con số này lớn hơn 7%.

Theo đà giảm tháng 7, kim ngạch xuất nhập khẩu của TQ giảm 9,7% trong tháng 8, với kim ngạch nhập khẩu giảm 14,3%, đưa ra những câu hỏi về tốc độ đi xuống của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và tăng thêm những lo lắng về ảnh hưởng của nó tới tăng trưởng toàn cầu. Trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 14,6% và xuất khẩu giảm 1,6%.

Tuy nhiên, các thị trường chứng khoán Trung Quốc lại ghi nhận sự tăng điểm sau khi các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ sớm có chính sách hỗ trợ thị trường trong những tháng tới. Chỉ số Shanghai’s Composite giảm ở đầu phiên tuy nhiên chốt phiên quay đầu tăng 3%.

Chứng khoán toàn cầu đồng loạt tăng điểm ngày hôm qua (8/9)

Tăng trưởng GDP khu vực Eurozone,  tuy vẫn đang chịu hậu quả từ khủng hoảng tài chính 2008, đã tăng trong quý II lên mức 0,4%. Quý I cũng được điều chỉnh tăng từ 0,4 lên 0,52%. Các nhà phân tích chỉ ra rằng sự tăng trưởng trong kim ngạch xuất khẩu cùng với sự mất giá đồng Euro so với đồng USD đã đóng góp 0,3 điểm phần trăm trong tăng trưởng quý II.
 
Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực Eurozone, là nhân vật chính trong bức tranh sáng sủa tổ chức 19 quốc gia này với kim ngạch xuất nhập khẩu kỷ lục trong tháng 7. Giao dịch thương mại tăng 2,4%, tương ứng 103 tỷ Euro(75 tỷ USD), đóng góp thêm 25 tỷ Euro vào mức thặng dư mậu dịch kỷ lục của nước này.

Nhà kinh tế học Carsten Brzeski, nói rằng đồng Euro yếu sẽ giúp đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt đối với thị trường Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong nửa đầu năm nay. Ông Brzeski cũng cho rằng nhà cầm quyền TQ sẽ áp dụng nhiều biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế, đặc biệt là sau con số nhập khẩu gây thất vọng hồi tháng 8.

Ngoài ra, ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã dùng một lượng lớn dự trữ ngoại hối của mình để củng cố sức mạnh đồng Nhân dân tệ sau khi tự phá giá đồng nội tệ của mình, đồng thời ngân hàng này cũng đang ném vào thị trường chứng khoán hàng tỷ nhân dân tệ nhằm ngăn ngừa sự sụp đổ.

Theo những số liệu được phát hành đầu tuần này, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm gần 94 tỷ USD trong tháng 8 xuống mức 3,5 nghìn tỷ USD.

Nghi Điền (Theo The Guardian)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến