Dòng sự kiện:
Châu Âu 'hụt hơi' tìm nguồn thay thế khí đốt Nga
03/05/2022 11:16:59
Các nước châu Âu đang tìm mọi cách để thay thế nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, khí đốt Nga tương đối rẻ so với các nguồn khác, khiến châu Âu khó tìm đủ nguồn thay thế, theo Washington Post.

Algeria lâu nay chỉ là nhà cung cấp tầm trung trong lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt trên toàn cầu, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã mở ra cơ hội cho quốc gia châu Phi này. Thủ tướng Italy Mario Draghi đã bay tới Algeria cách đây vài tuần để ký một thỏa thuận tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Algeria thêm 40% thông qua đường ống ở Địa Trung Hải.

Các quốc gia châu Âu khác muốn tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Nga cũng đang tìm tới các nhà cung cấp khí đốt hóa lỏng như Qatar và Mỹ.


Các đường ống tại cơ sở lưu trữ khí đốt Wierzchowice ở Ba Lan. Nga đã ngắt nguồn cung khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria sau khi 2 nước từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Ảnh: Bloomberg

Những động thái kể trên là một phần nỗ lực của châu Âu nhằm đối phó khủng hoảng năng lượng kể từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

“Hụt hơi” tìm nguồn thay thế

Tháng trước, Nga đã cắt nguồn khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria do cả 2 nước từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Các khách hàng lớn khác của Nga, trong đó có Đức và Italy đã tìm cách trấn an người dân rằng họ đang tìm giải pháp thay thế nếu Nga thực sự đóng van khí đốt.

Năm 2021, việc Nga cắt giảm nguồn cung đã khiến lục địa già phải chịu một mùa đông giá lạnh hơn vì thiếu nguồn khí đốt cho sưởi ấm. Theo các nhà đầu tư từ RBC Capital Markets, nếu Nga đóng hoàn toàn các van khí đốt sang châu Âu, các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là Đức với kho dự trữ hiện chỉ ở mức 33,5%, Italy ở mức 35% và Hungary ở mức 19,4%.

Hiện tại, thị trường khí đốt của Châu Âu đã trở thành một mảng chắp vá. Italy có thể quay sang Algeria, Bulgaria có thể quay sang Hy Lạp và Ba Lan có thể xoay trục sang kế hoạch đã dự kiến từ lâu về mở rộng trạm khí đốt hóa lỏng (LNG), nhập khẩu và một đường ống từ Na Uy.

Tuy nhiên, trong gần như tất cả các kịch bản, 18 tháng tới sẽ là khoảng thời gian khó khăn đối với châu Âu, do tác động của giá cả tăng cao trên toàn thế giới và các nước sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp năng lượng cho các nhà máy, sưởi ấm các hộ gia đình và đảm bảo các nhà máy điện vẫn tiếp tục hoạt động.

Không có đủ nguồn thay thế trong tương lai gần để tránh một cú sốc kinh tế đáng kể trong mùa đông tới nếu Nga dừng cung cấp khí đốt. Ví dụ thấy rõ nhất là trong tháng 4 vừa qua, Ngân hàng trung ương Đức cảnh báo nền kinh tế nước này có thể suy giảm 2% nếu xung đột Nga-Ukraine còn tiếp tục.

“Đây là một trò chơi nguy hiểm. Tôi không biết mọi chuyện sẽ kết thúc như thế nào. Có vẻ như sẽ có một kết cục tồi tệ cho cả Tây Âu và Nga”, ông Edward Chow, một học giả an ninh năng lượng tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược và từng làm việc nhiều năm trong lĩnh vực năng lượng, cho biết.

“Không có đủ khí đốt tự nhiên để họ tìm nguồn thay thế. Không ai có thể sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng nhiều hơn và nhanh chóng hơn cho dù các nước có kỳ vọng thế nào đi chăng nữa”, ông Chow nói.

Ví dụ điển hình ở Đức

Đức, đầu tàu kinh tế của châu Âu, đặc biệt không được chuẩn bị cho tình huống như lúc này. Hơn một nửa nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Đức đến từ Nga trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Đức đã giảm nhập khẩu khí đốt của Nga xuống 35%, nhưng Berlin vẫn chưa ở vào vị trí có thể sớm đưa con số này về 0. Đức thiếu cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí đốt hóa lỏng, trong khi quan điểm cứng rắn phản đối năng lượng hạt nhân khiến Đức chỉ còn 3 lò phản ứng còn hoạt động trong khi 14 lò phản ứng khác đã đóng cửa sau thảm họa sóng thần tấn công nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011.

Bộ trưởng kinh tế Đức Robert Habeck nói rằng ông dự đoán Đức sẽ trượt vào suy thoái nếu không có khí đốt Nga. “Tôi đã xem xét vấn đề này rất nghiêm túc”, ông nói.

Đức hiện đã áp dụng giai đoạn cảnh báo ban đầu của kế hoạch khẩn cấp năng lượng. Tuy nhiên, nếu nguồn cung khí đốt giảm mạnh, giai đoạn tiếp theo sẽ là chia tỉ lệ sử dụng. Khi đó, khí đốt sẽ được ưu tiên cho các bệnh viện và hộ gia đình trước, khiến các cơ sở kinh doanh có nguy cơ bị mất nguồn năng lượng.

Giới chức và các nhà phân tích cảnh báo Đức có thể suy thoái sâu hơn dự báo của Ngân hàng trung ương Đức đưa ra đầu năm nay, do các nhà máy phải đóng cửa, hàng trăm nghìn người mất việc làm và lạm phát tăng cao.

Những nguồn thay thế đắt đỏ

Thay vì mua dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ Nga, với chi phí sản xuất khá thấp và chi phí vận chuyển qua đường ống tương đối rẻ, châu Âu sẽ phải chuyển sang các nguồn thay thế đắt đỏ hơn như Mỹ - quốc gia mà 7 năm trước vẫn chưa có cơ sở xuất khẩu khí đốt nào.

Các công ty châu Âu sẽ phải trả thêm 1,5 USD/feet khối (52,5 USD/mét khối) để có một tàu chở khí đốt hóa lỏng từ Vịnh Mexico tới châu Âu. Sau đó con tàu trống không sẽ phải thực hiện hành trình quay trở về, mất tổng cộng 24 ngày cho quá trình vận chuyển.

Các nước châu Âu cũng đang hành động nhanh nhất có thể để đa dạng hóa nguồn cung, nhưng các nhà sản xuất năng lượng không thể bắt kịp tốc độ. Việc thay đổi dự án để có các nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên mới thông thường mất 2-4 năm. Trong khi đó, các nhà đầu tư đều tỏ ra ngần ngại về các dự án khí đốt tự nhiên lớn và dài hạn bởi chính phủ và các doanh nghiệp sẽ sớm tìm kiếm các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường hơn.

Năng lượng tái tạo - chủ yếu là năng lượng mặt trời và gió – được thúc đẩy trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, việc đưa năng lượng tái tạo vào sử dụng nhiều hơn cũng là một kế hoạch dài hạn, phức tạp do các vấn đề chuỗi cung ứng cũng như tranh cãi về môi trường.

Giá năng lượng tái tạo trên toàn thế giới, sau gần hai thập kỷ giảm, đã tăng trong năm vừa qua và ở châu Âu có rất ít khả năng mở rộng phạm vi khách hàng sử dụng năng lượng tái tạo.

“Vấn đề là không còn nguồn cung cấp. Có rất ít hợp đồng năng lượng tái tạo mới có thể được ký kết và sẵn sàng bắt đầu trước năm 2024”, ông Flemming Sorenson, Phó chủ tịch Châu Âu của LevelTen Energy, công ty chuyên đàm phán các thỏa thuận mua điện cho khách hàng đang tìm kiếm năng lượng tái tạo.

Ông Sorenson nêu trường hợp của Tây Ban Nha như một ví dụ về việc các rào cản quy định cũng cản trở sự xoay chuyển nhanh chóng sang các dạng năng lượng khác. Có hơn 70 gigawatt điện mặt trời đang chờ được triển khai ở Tây Ban Nha. Nhưng quá trình vận hành diễn ra rất ì ạch. Chỉ 20% trong số những công trình lắp đặt năng lượng mặt trời được cấp giấy phép.

Cơ hội mới cho các nhà xuất khẩu tầm trung?

Cuộc chiến khí đốt giữa châu Âu và Nga cũng đang mở ra cơ hội mới cho Algeria và các quốc gia châu Phi khác.

Các nhà xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt trước đây chưa từng ở vị trí trung tâm trong các cuộc đối thoại năng lượng toàn cầu như Angola, Nigeria và Cộng hòa Congo, cũng đang nổi lên như đối tác tiềm năng của châu Âu trong tương lai.

Algeria đã xuất khẩu khí đốt sang châu Âu trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Khí đốt Algeria được vận chuyển bằng đường ống đến Italy và Tây Ban Nha. Algeria cũng có các cơ sở hóa lỏng khí đốt để phù hợp cho vận chuyển.

Tuy nhiên, có một số vấn đề ngăn cản quốc gia châu Phi này xuất khẩu nhiều hơn, trong đó bao gồm cả lo ngại không đảm bảo đủ nhiên liệu cho tiêu dùng nội địa, cũng như các cân nhắc địa chính trị xung quanh việc ràng buộc quá chặt chẽ với châu Âu.

Yếu tố hàng đầu cản trở cơ hội của Algeria và các quốc gia châu Phi khác sở hữu trữ lượng lớn khí đốt tự nhiên là việc châu Âu ưa chuộng khí đốt từ Nga, vốn có giá rẻ hơn và sẵn có hơn, ông Vijaya Ramachandran, chuyên gia năng lượng châu Phi tại Viện Breakthrough ở California cho biết.

Châu Âu cũng nhận thấy ở khí đốt của Nga con đường dễ dàng hơn để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, vì nó không đòi hỏi các khoản đầu tư mới và nhiều tiền vào đường ống và cơ sở hạ tầng khác cả trong và ngoài nước.

“Châu Phi muốn phát triển trữ lượng khí đốt tự nhiên của mình từ lâu. Nhưng các nhà đầu tư trước đây có quan điểm cho rằng điều đó quá khó, quá xa, quá đắt đỏ. Các tính toán đã thay đổi. Hiện giờ là một thời điểm cho Châu Phi và cho những nước có nguồn dự trữ đáng kể trong khu vực khi họ đang được các nhà đầu tư châu Âu quan tâm nhiều hơn”, ông Ramachandran nói./.

Tác giả: Hoàng Phạm

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến