Dòng sự kiện:
Châu Âu lo ngại cho tương lai của Ukraine sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng
20/11/2024 07:03:32
Chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Biden và các quan chức châu Âu đang chuẩn bị cho mọi khả năng có thể xảy đến cho cuộc xung đột Nga-Ukraine sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng.

Châu Âu “nín thở” trước ngày ông Trump nhậm chức

Cuộc điện đàm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15/11 đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo một nước thành viên NATO quan trọng nối lại liên lạc với người đứng đầu Điện Kremlin trong hơn hai năm qua. Dù cuộc trò chuyện kéo dài một giờ này vẫn lặp lại những thông điệp quen thuộc và Berlin vẫn giữ nguyên lập trường ủng hộ Kiev nhưng điều này vẫn chưa hẳn là tin tốt với ông Zelensky.

Không lâu sau khi cuộc điện đàm kết thúc, ông Zelensky đã lên tiếng chỉ trích cuộc gọi đã mở ra "chiếc hộp Pandora" qua việc tác động tiêu cực đến những nỗ lực cô lập ông Putin trên trường quốc tế. Xuất hiện từ điển tích Hy Lạp, “chiếc hộp Pandora” chứa đựng những điều xấu xa trong xã hội mà loài người đã vô tình mở ra bất chấp sự cảnh báo từ thần linh. Sau đó, thuật ngữ này được xem là một phép ẩn dụ cho những việc làm tưởng chừng vô hại nhưng lại dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Getty

Tổng thống Zelensky cũng khẳng định ông và nhiều quan chức châu Âu khác đã cảnh báo Thủ tướng Scholz không liên lạc với Tổng thống Putin. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức lại có ý kiến trái ngược, cho rằng điều quan trọng cần phải thực hiện trước thềm chuyển giao quyền lực tại Mỹ là châu Âu phải nói chuyện với Tổng thống Putin, trước khi ông Trump làm điều tương tự.

Theo hơn 10 cuộc phỏng vấn mà CNN thực hiện với các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức châu Âu trong tuần qua, tuyên bố này của ông Scholz đã gây bất ngờ cho một liên minh phương Tây đang lo ngại về tương lai cuộc xung đột Nga-Ukraine sau cuộc bầu cử Mỹ. Một quan chức phương Tây cho biết phương Tây “gần như nín thở” trước lễ nhậm chức của ông Trump vào tháng 1/2025.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X mới đây, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk lập luận rằng cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào Ukraine vào đêm 17/11 cho thấy “không ai có thể chấm dứt xung đột Nga-Ukraine chỉ bằng các cuộc gọi điện thoại và điều này không thể thay thế sự ủng hộ thực sự từ toàn bộ phương Tây đối với Ukraine”.

Ông Tusk cũng cảnh báo, “những tuần tiếp theo sẽ mang tính quyết định, không chỉ đối với bản thân cuộc chiến, mà còn đối với tương lai của chính châu Âu”. 

Có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Trump có khả năng sẽ cắt giảm nguồn vốn đầu tư vào NATO và thậm chí là rút Mỹ khỏi liên minh quân sự này trong nhiệm kỳ tới. Các quan chức châu Âu cũng lo ngại viễn cảnh xung đột sẽ lan rộng tới châu Âu trong bối cảnh Nga tuyên bố sẽ coi các quốc gia châu Âu này là  "một bên tham chiến" nếu tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ quân sự với Ukraine.

Một tương lai không chắc chắn

Một quan chức châu Âu giấu tên chia sẻ với CNN rằng “các cuộc thảo luận xung quanh tương lai của Ukraine đã diễn ra dồn dập" kể từ khi ông Trump đắc cử, trong đó trọng tâm là đảm bảo an ninh cho Ukraine. Tuy nhiên, “vẫn có một sự không chắc chắn” đang tồn tại bên trong trụ sở NATO về việc ông Trump sẽ đứng về phía nào trong cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev, đặc biệt khi “vài tháng tới là thời điểm quyết định trên chiến trường Ukraine”.

Sự không chắc chắn này cũng xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn mới đây của CNN với một quan chức tình báo cấp cao của Ukraine. Vị quan chức này đã nhấn mạnh: "Rất nguy hiểm khi đưa ra dự đoán vào lúc này. Chúng tôi chỉ hy vọng điều tốt nhất!"

Nga tiếp tục đạt được những thành quả nhỏ nhưng nhất quán ở mặt trận phía Đông Ukraine và được cho là sẽ tiến tới giành quyền kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ nước này. Đây là một lợi thế lớn của Moscow trong trường hợp khả năng đàm phán hòa bình được nối lại với Kiev. Nhiều quan chức ngoại giao và giới quan sát liên tục cảnh báo rằng việc sử dụng các giải pháp ngoại giao để chấm dứt xung đột sẽ là một rủi ro lớn khi Nga đang có nhiều lợi thế như vậy.  

“Nga sẽ đồng ý nhượng bộ những gì? Nga có giữ lại tất cả các khu vực đã chiếm giữ không? Và ngay cả khi Nga chấp nhận "đóng băng" xung đột ở Ukraine, liệu xung đột có thực sự kết thúc và hòa bình sẽ được lập lại lâu dài hay không? Nên nhớ rằng, Nga đang là bên thắng thế trong cuộc chiến với Ukraine”, một quan chức giấu tên chia sẻ với đài CNN.

Hiện các đồng minh đang phải vật lộn để đọc được những tín hiệu hạn chế từ Nhà Trắng trong bối cảnh ông Trump vẫn chưa đưa ra kế hoạch rõ rằng để chấm dứt xung đột Nga-Ukraine. Người được bổ nhiệm cho vị trí cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - ông Mike Waltz, hầu như không nói gì về chính sách đối ngoại kể từ khi nhận việc. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với The Economist diễn ra chỉ ba ngày trước cuộc bầu cử Mỹ, ông Waltz cho rằng “tham gia vào một cuộc chiến tiêu hao chống lại một thế lực lớn hơn là công thức cho sự thất bại”.

Những người ủng hộ ông Trump phần nào đã tìm cách bác bỏ ý tưởng rằng Tổng thống đắc cử sẽ tìm kiếm hòa bình bằng mọi giá đối với Kiev. Ông Kurt Volker, cựu đặc phái viên của ông Trump về vấn đề Ukraine cho biết động thái mở màn nhiệm kỳ mới của Tổng thống phải là "thể hiện sức mạnh Mỹ" để nhà lãnh đạo Nga Putin nhận ra rằng không đáng để tiếp tục cuộc chiến với Ukraine.

“Giới quan sát có thể nhìn thấy nhiều điều từ những tuyên bố trước đó của ông Trump. Chẳng phải ông ấy đã lặp lại nhiều lần câu khẩu hiệu: 'hòa bình thông qua sức mạnh’ hay sao?", ông Volker nói.

Ông Volker cũng dự đoán ông Trump rất có thể sẽ cấp các khoản vay thay vì tiếp tục viện trợ cho Ukraine.

Những tuần gần đây đã chứng kiến những nỗ lực tăng cường viện trợ của chính quyền Tổng thống Joe Biden và các quốc gia châu Âu cho Kiev, bao gồm gói viện trợ trị giá 425 triệu USD được công bố hồi đầu tháng 11. Ngoài ra, một quan chức phương Tây cho biết thỏa thuận gần đây của G7 liên quan đến việc cho Ukraine vay 50 tỷ USD dựa trên lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga “có nghĩa là về cơ bản, Ukraine sẽ an toàn về mặt tài chính trong suốt năm 2025".

Vẫn chưa rõ một nhà lãnh đạo khó đoán như ông Trump sẽ triển khai chính sách đối ngoại của mình như thế nào trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, những quyết định bổ nhiệm nhân sự gây tranh cãi gần đây và tuyên bố chấm dứt xung đột Nga-Ukraine bằng một cuộc đàm phán đang khiến nhiều quốc gia châu Âu thấy rằng cần phải nhanh chóng hành động và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi khả năng trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng.

 Tác giả: Diệp Thảo/Theo CNN

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến