Dòng sự kiện:
Chế tài nào cho thí sinh phạm quy nhưng đoạt giải tại cuộc thi hoa hậu?
01/11/2017 14:35:39
Tuy luôn yêu cầu tổ chức, cá nhân phải chấp hành đúng các quy định về việc thi người đẹp nhưng Cục Nghệ thuật biểu diễn lại không có chế tài nào cho các trường hợp thí sinh phạm quy và đoạt giải.

Kể từ đêm chung kết Hoa hậu Đại dương, tân Hoa hậu Ngân Anh nhận phải nhiều ý kiến trái chiều về sắc vóc cũng như bị đặt câu hỏi về vấn đề thẩm mỹ vẫn đang là chủ đề nóng. Bản thân Ngân Anh cũng thừa nhận từng phẫu thuật thẩm mỹ mũi, nhưng cô đã "tháo độn" trước khi tham gia cuộc thi nhan sắc này.

Việc này thể hiện rõ Hoa hậu Đại dương 2017 Lê Âu Ngân Anh đã vi phạm điều kiện dự thi hoa hậu ở khoản từng phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi. Tuy nhiên, liệu Ngân Anh có bị thu hồi danh hiệu hoa hậu, điều từng được áp dụng đối với Á khôi 1 Nguyễn Thị Thành của cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017 vì đã chỉnh răng và nếu có thì căn cứ theo quy định nào?

Lê Âu Ngân Anh đăng quang Hoa hậu Đại dương 2017

Điều 19 Nghị định 79/2012/NĐ-CP về thi người đẹp ghi rõ: "Thí sinh tham dự cuộc thi nhan sắc trong nước phải có vẻ đẹp tự nhiên. Mọi cuộc thi hoa hậu, người mẫu ở Việt Nam đều phải tuân thủ quy định thí sinh chưa thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ". Thế nhưng, chưa có văn bản hiện hành nào quy định các chế tài nếu thí sinh phạm quy và đoạt giải.

Theo nguồn tin trên Pháp luật TP HCM, Nghị định 28/2017 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 158/2013) có quy định rõ một sai phạm có thể bị thu hồi danh hiệu. Đó là khi các cá nhân sau khi đoạt giải các cuộc thi người đẹp đã “thực hiện hành vi không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam”. Tuy vậy, hai nghị định này lại cho phép thu hồi vương miện theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền (trong đó tất nhiên có Cục Nghệ thuật biểu diễn) mà không hề giới hạn trường hợp nào được quyền yêu cầu, trường hợp nào không.

Từ sơ hở đó, có một số trường hợp mặc dù bị Cục yêu cầu tước danh hiệu nhưng khi hỏi “căn cứ pháp lý cụ thể nào” thì câu trả lời lại là “không có”. Nghĩa là, tuy luôn yêu cầu tổ chức, cá nhân phải chấp hành đúng các quy định về việc thi người đẹp và có sự lắng nghe ý kiến của dư luận để vương miện không bị trao nhầm địa chỉ nhưng hành xử của Cục đã không đảm bảo tính quy củ, chuyên nghiệp.

Trường hợp của Nguyễn Thị Thành, tại cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017 là một đơn cử cho cái gọi là “quyền năng vô tận” của Cục. Năm 2017, người đẹp này đã bị Cục yêu cầu tước danh hiệu á khôi 1 rất thiếu căn cứ. Lý do chỉnh răng chỉ là kết quả của một biện pháp kỹ thuật khác chứ không phải từ sự mổ xẻ - phẫu thuật thẩm mỹ.

Điều này cũng đã tạo nên nhiều luồng tranh cãi trong dư luận. Có nhiều ý kiến cho rằng, Nguyễn Thị Thành bị oan uổng. Bởi đã có nhiều người đẹp khi tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế như Mai Phương Thúy hay Hương Giang đều phải chỉnh sửa răng để phù hợp với tiêu chí của các cuộc thi lớn. Do vậy chuyện Nguyễn Thị Thành chỉnh nha là hoàn toàn bình thường không đáng bị xử lý. Tuy nhiên, đã là quy định thì các thí sinh phải theo và phải chấp nhận chấp hành đúng với những điều ấy.

Đối với Ngân Anh, dẫu có khác Thành nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng cần tước danh hiệu của cô. Nhưng nếu điều đó xảy ra thì mấy ai đoán chắc việc truất ngôi này là đúng luật định dù đích thực cô đã vi phạm luật chơi.

Phải chăng, Cục Nghệ thuật biểu diễn cần xây dựng tiêu chí chặt chẽ về tổ chức cuộc thi, cũng như chuẩn mực hành vi người đẹp sau đăng quang, để có các cuộc thi sắc đẹp lành mạnh, để vẻ đẹp đích thực được tôn vinh. Trong khi chờ các quy định pháp luật, bản thân mỗi cuộc thi cũng cần bổ sung quy định những trường hợp hoa hậu vi phạm sẽ bị tước vương miện và ai là người tước vương miện.

Ly Na

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến