Dòng sự kiện:
Chênh lệch giữa tín dụng và huy động vốn giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm
18/05/2022 11:17:57
Với việc tín dụng tăng nhanh hơn nhiều so với huy động, các ngân hàng đã phải điều chỉnh mặt bằng lãi suất huy động tăng khoảng 30 – 50 điểm cơ bản so với cuối năm 2021...

Ảnh minh họa.

Báo cáo thị trường tiền tệ, trái phiếu do SSI Research mới công bố cho biết, chênh lệch giữa tín dụng và huy động vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm nay.

Cụ thể, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tín dụng tính đến ngày 25/4 đã tăng 6,75% so với cuối 2021 (tương đương 16,4% so với cùng kỳ) trong khi huy động vốn chỉ tăng 3,55% (tương đương 10,7% so với cùng kỳ).

Thông qua diễn biến trên, áp lực tăng lãi suất huy động đã được thể hiện rõ. Vì vậy, biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân tiếp tục được điều chỉnh tăng nhẹ trong những ngày đầu tháng 5/2022 ở một số ngân hàng vừa và nhỏ, trong khi đó lãi suất huy động dành cho khách hàng tổ chức cũng được điều chỉnh tăng khoảng 20 điểm cơ bản ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn.

Tổng quan cả thị trường, ngoại trừ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước chưa ghi nhận sự điều chỉnh, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 30 – 50 điểm cơ bản so với cuối năm 2021 ở hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng mạnh trong 4 tháng đầu năm.

Với việc nâng lãi suất huy động và thu hút thêm được tiền gửi từ cư dân, thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục được cải thiện. Thậm chí, trong tuần vừa qua (9/5 - 13/5) khi Ngân hàng Nhà nước hút ròng 2,8 nghìn tỷ đồng trên kênh cầm cố thị trường mở (OMO) thì lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm vẫn duy trì thấp ở mức dưới 2%/năm.

Kết tuần, kỳ hạn qua đêm ở mức 1,85% (giảm 13,7 điểm cơ bản so với tuần trước) và kỳ hạn 1 tuần 2,25% (giảm 17,1 điểm cơ bản). Lãi suất các kỳ hạn dài dao động trong khoảng 2,4% - 2,9% và đường cong lãi suất đã trở về mức bình thường.

Tại thị trường trái phiếu Chính phủ sơ cấp, trong tuần qua đã có sự cải thiện đáng kể so với tuần trước đó. Cụ thể, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã gọi thầu thành công 1,5 nghìn tỷ đồng trên tổng cộng 3,0 nghìn tỷ đồng đăng ký, ở kỳ hạn 3 năm và lợi suất trúng thầu là 2,3% (tương đương với mức lợi suất ở thị trường thứ cấp).

Trong khi đó, Kho bạc Nhà nước gọi thầu tổng cộng 4,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và trúng thầu 870 tỷ đồng, ở 2 kỳ hạn 15 năm và 30 năm. Lợi suất trúng thầu không có thay đổi so với phiên trước đó.

Nhìn chung, sự chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ trên 2 thị trường sơ cấp và thứ cấp vẫn được duy trì khiến nhu cầu đầu tư trái phiếu Chính phủ vẫn thận trọng.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tại SSI kỳ vọng giải ngân đầu tư công sẽ được cải thiện kể từ cuối quý 2/2022, khi các rào cản về mặt pháp lý có thể được cải thiện sau kỳ họp Quốc hội vào cuối tháng 5 tới đây và thị trường sơ cấp sẽ nhộn nhịp trở lại. Tính đến hiện tại, chỉ có 11,7% kế hoạch phát hành năm và 4,6% kế hoạch Quý được thực hiện.

Trên thị trường thứ cấp, lợi suất trái phiếu tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Kết tuần đóng cửa như sau: 1 năm (2,02%, tăng 0,13 điểm phần trăm); 3 năm (2,24%; tăng 0,16 điểm phần trăm); 5 năm (2,50%, tăng 0,24 điểm phần trăm); 10 năm (3,27%, tăng 0,19 phần trăm); 15 năm (3,36%, tăng 0,15 điểm phần trăm); 20 năm (3,33%, tăng 0,10 điểm phần trăm) và 30 năm (3,40%, tăng 0,11 điểm phần trăm).

Tác giả: Vũ Phong

Theo: Vneconomy
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến