Tôm đạt kỷ lục xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2022
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 1,4 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục trong 5 năm trở lại đây.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Cao Văn Cường, giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa, địa phương có diện tích nuôi trồng tôm lớn thứ hai tại miền Bắc cho hay: “4 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm giữ đà tăng trưởng ổn định là do nhu cầu thị trường thế giới hồi phục trở lại sau đại dịch, cộng với đó là tình trạng khan hiếm nguồn cung ở một số khu vực khiến giá trị tôm xuất khẩu đạt giá tốt”.
Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa, ông Cao Văn Cường
Hiện Thanh Hóa có 4.073 ha nuôi tôm nước lợ cho sản lượng 2.600 tấn mỗi năm, đặc biệt, tại địa phương này, mô hình nuôi tôm công nghiệp trên cát cho những con số rất khả quan trong những năm gần đây, năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha. Đây cũng là mô hình đáng được các địa phương khác tham khảo và học tập.
Năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, ngành thủy sản Thanh Hóa đạt tốc độ tăng trưởng 4,2%, giá trị xuất khẩu đạt 126,589 triệu USD tăng 26,3% so với cùng kì. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 201.687 tấn đạt 104% kế hoạch, tăng 4,6% so với cùng kỳ.
Bà Phùng Thị Kim Thu, chuyên gia thị trường ngành Tôm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ với Người Đưa tin rằng, 5 thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam trong những năm gần đây lần lượt là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc. 4 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng tại các thị trường này đều đạt khá, từ 15%-91%.
Thiếu đầu vào nguyên liệu tôm đang khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu
Bà Thu cũng cho biết thêm, sau đại dịch Covid-19, nhu cầu tại các thị trường đang trên đà hồi phục nhưng tình hình xung đột tại Ukraine, nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, lạm phát gia tăng…là những khó khăn doanh nghiệp cần phải tính đến trong giai đoạn sắp tới.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã tận dụng tốt thời cơ, biến khó khăn thành thuận lợi khi lên kế hoạch sản xuất kinh doanh một cách bài bản và tranh thủ được các thị trường mới. Nhất là cơ hội đến từ các Hội chợ thủy sản quốc tế như Hội chợ Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ diễn ra vào tháng 3/2022 và Triển lãm Thuỷ sản Toàn cầu diễn ra vào cuối tháng 4/2022, khi lượng khách hàng quan tâm đến tôm Việt Nam gia tăng rõ rệt.
Những thách thức và thuận lợi từ thị trường truyền thống
Mỹ và Trung Quốc luôn là thị trường đầy tiềm năng cho xuất khẩu tôm Việt Nam trong gần một thập kỷ trở lại đây.
Tính riêng trong tháng 3/2022, nhập khẩu tôm từ Mỹ đã tăng trưởng 22%, tương đương với 76.626 tấn, ước đạt 729 triệu USD. Giá trị nhập khẩu cũng tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 9,52 USD mỗi kg
Như vậy, lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, Mỹ là thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất của tôm Việt Nam với kim ngạch ước đạt 291 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 16% tỷ trọng toàn ngành. Đây là thị trường đang vào vụ cung ứng nguồn thực phẩm mùa hè và dự trữ cho mùa thu.
Một thuận lợi nữa cho tôm Việt Nam tại thị trường này là được người tiêu dùng Hoa Kỳ rất ưa chuộng bởi dễ chế biến và bảo quản. Theo thống kê của Vasep, mức tiêu thụ tôm trung bình của mỗi người dân Mỹ đạt khoảng 5 pound (2,27 kg) mỗi năm.
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình lạm phát tại Mỹ đang có xu hướng gia tăng, 4 tháng đầu năm đã nhập số lượng lớn ngành hàng tôm nên khả năng còn tồn hàng là hoàn toàn có thể. Do vậy, dự đoán trong tháng 5, nhu cầu của thị trường này sẽ chững lại.
Xếp sau Mỹ, Nhật Bản và EU là Trung Quốc, thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 4 của Việt Nam. Bất chấp đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại cũng như chính sách “Zero Covid” của nước này, xuất khẩu tôm Việt Nam tháng 4 vào thị trường tỷ dân vẫn tăng 128%, đạt 81 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm vào thị trường Trung Quốc đạt hơn 187 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về nguyên nhân, bà Phùng Thị Kim Thu cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng rất tốt thời cơ khi nhiều khu vực tại Trung Quốc chịu phong tỏa phòng chống dịch, một số nhà máy tại đây ngưng trệ sản xuất dẫn đến thiếu hụt nguồn cung tôm cho thị trường tiêu thụ nội địa để tăng mạnh xuất khẩu. Dự kiến, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc các tháng tới đây vẫn tiếp tục duy trì kết quả khả quan.
Thời tiết thất thường làm ảnh hưởng tới nguồn cung tôm nhiên liệu, chi phí đầu vào, vật tư sản xuất gia tăng do phụ thuộc vào giá xăng dầu…là những nguyên nhân có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy vậy, quý II năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm kỳ vọng vẫn tiếp tục tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 1,2 tỷ USD.
Tác giả: Lê Tuấn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy