Dòng sự kiện:
Chi phí đầu vào tăng cao bào mòn lợi nhuận của Dệt may Thành Công
17/03/2022 13:05:37
Hai tháng đầu năm 2022, doanh thu của Dệt may Thành Công đạt 654,6 tỷ đồng, tăng 14%, song lợi nhuận chỉ đạt 38,6 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ.

Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) vừa công bố thông tin về hoạt động kinh doanh tháng 2/2022, doanh thu Dệt may Thành Công đạt 11,3 triệu USD (tương đương hơn 259 tỷ đồng), tăng 18% so với cùng kỳ, nhưng chỉ bằng 65% của tháng 1/2022.

Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế tháng 2 chỉ đạt hơn 571.000 USD (tương đương 13 tỷ đồng), giảm 12% so với cùng kỳ và đạt 52% so với mức thực hiện tháng đầu năm 2022. Trong cơ cấu doanh thu, mảng sản phẩm may chiếm 77%, vải chiếm 15% và sợi chiếm 7% tổng doanh thu.

Luỹ kế 2 tháng đầu năm nay, doanh thu của Công ty đạt 28,6 triệu USD (tương đương 654,6 tỷ đồng), tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Song lợi nhuận lũy kế hai tháng qua chỉ đạt xấp xỉ 1,7 triệu USD (tương ứng 38,6 tỷ đồng), giảm 2% so với cùng kỳ năm 2021. Chi phí sản xuất và đầu vào tăng cao là nguyên nhân chính dẫn đến biên lợi nhuận của Dệt may Thành Công giảm so với cùng kỳ.

Dệt may Thành Công xuất khẩu hàng dệt may đi nhiều nước lớn trên thế giới. Riêng tháng 2, xuất khẩu của Công ty sang Châu Á chiếm 71,12%.

Trong đó, thị trường Hàn Quốc chiếm tỉ trọng cao nhất 24,59% tổng lượng hàng xuất khẩu, tiếp đến là thị trường Nhật chiếm 24,29%, Trung Quốc 10,07%, Việt Nam 9,04%. Xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ chiếm 22,8%, trong đó Mỹ chiếm 22,41% và xuất khẩu sang thị trường châu Âu chiếm 6,1% trong đó Anh chiếm ưu thế 5,13%.

Hiện, Dệt may Thành Công đã nhận đơn hàng đến quý III/2022. Công ty đã và đang hoàn thành xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 và đang dần lắp đặt máy móc, thiết bị và đi vào hoạt động những chuyền đầu tiên vào đầu tháng 3 và góp phần đẩy mạnh sản xuất đơn hàng cho năm 2022, mang lại doanh thu, lợi nhuận cho Công ty trong thời gian tới.

Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ nội tại như bất lợi về tỷ giá khiến dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ, dịch bệnh khiến tình trạng doanh nghiệp thiếu lao động trở thành vấn đề nan giải.

Thời điểm này, giá nhiên liệu tăng kéo theo chi phí vận tải tăng cao, đồng thời tình trạng thiếu container vẫn là nút thắt lớn cần tháo gỡ.

VITAS dự báo phải đến nửa cuối năm 2022, khi số lượng container đóng mới được cung cấp ra thị trường vấn đề vận tải mới bắt đầu được giải quyết. Logistics tiếp tục là những khó khăn tác động không nhỏ đến xuất khẩu nói chung và ngành dệt may nói riêng trong năm 2022.

Một rủi ro nữa mà xuất khẩu dệt may Việt Nam phải đối mặt là còn phụ thuộc vào các thị trường trọng điểm. Hiện, xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào 2 thị trường chính là Trung Quốc (chiếm khoảng 71% xuất khẩu mặt hàng sợi) và Mỹ (chiếm 56% xuất khẩu hàng may mặc, thời trang). Do đó, bất kỳ thay đổi nào ở 2 thị trường này cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành dệt may Việt Nam.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến