Dòng sự kiện:
Chi phí logistics tăng cao do COVID khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn
25/10/2021 13:00:06
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi chi phí vận tải biển tăng cao gấp 5-7 lần.

Chi phí tăng 5 - 7 lần

Không phải vùng đỏ trong bản đồ dịch COVID-19 của cả nước, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn duy trì hoạt động sản xuất ổn định trong 2 năm qua, đảm bảo cung ứng hàng hóa ra thị trường, giải quyết lượng lớn việc làm cho lao động tại địa phương. Song, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thì bị tác động nghiêm trọng bởi diễn biến dịch phức tạp trên thế giới.

Là một doanh nghiệp lớn nằm trong top đầu của cả nước về xuất khẩu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa, trụ sở tại KCN Lễ Môn (TP Thanh Hóa) có sản phẩm chính là ngao hấp chín xuất khẩu.


Các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn duy trì sản xuất ổn định, vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch

Ông Lê Quý Việt, Chủ tịch HĐQT công ty, cho biết: Từ năm 2015 đến nay, sản phẩm của công ty xuất khẩu sang nhiều nước châu Á, châu Âu và châu Mỹ với các hợp đồng được duy trì và luôn có mức tăng trưởng khá từ 15-20% mỗi năm. Riêng năm 2020, bình quân công ty xuất khẩu 1.200 tấn sản phẩm/tháng .

Những tháng đầu năm 2021, dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến thị trường xuất khẩu, nhiều nước tạm cấm hoặc giảm sản lượng mua vào nên hoạt động xuất khẩu của công ty gần như bị đóng băng. Từ tháng 5 đến nay, thị trường xuất khẩu ở một số nước được nối lại, mỗi tháng công ty có từ 1.500 - 1.700 tấn ngao hấp chín được xuất khẩu và là 1 trong 2 công ty đạt sản lượng lớn ngao hấp chín xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Tuy sản lượng ngao xuất khẩu đạt cao, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động với mức thu nhập 8 triệu đồng/người/ tháng nhưng doanh nghiệp gần như không có lợi nhuận, do cước vận tải tăng gấp nhiều lần so với những năm trước đó. Dù vậy, công ty vẫn phải cố gắng khắc phục để duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng và giữ thị trường tiêu thụ.

"Đứng trước tình hình đó, doanh nghiệp đã hợp tác chặt chẽ với khách hàng truyền thống để gỡ khó cho nhau. Chúng tôi may mắn có một số khách hàng hỗ trợ chúng tôi trong công tác thanh toán và đặt hàng. Đồng thời, chủ động sắp xếp lại sản xuất, giảm chi phí, hạ giá thành, hỗ trợ khách hàng. Bên cạnh đó sự giúp đỡ của ngân hàng sẵn sàng tạo nguồn vốn để đảm bảo duy trì hoạt động ổn định", ông Việt chia sẻ.

Tại Khu công nghiệp Đình Hương – Tây Bắc Ga (TP Thanh Hóa), Công ty TNHH Tư Thành là doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm củ, quả xuất khẩu, gồm: vải, dưa chuột và dứa đóng hộp. Sản phẩm của công ty hiện có mặt tại thị trường nhiều nước châu Âu và Trung Cận Đông.

Bà Đồng Thị Tuyết Anh, Giám đốc công ty cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài gặp khó khăn về chi phí và thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất.

Doanh nghiệp phải chịu giá cước vận tải bằng đường biển tăng từ 5 - 7 lần so với những năm trước, cùng với đó là thiếu hụt container rỗng đóng hàng nên khó tìm đặt chỗ chuẩn bị cho việc xuất hàng hóa. Khó đặt chỗ đã đành nhưng đặt được chỗ, cầm lệnh xuất trên tay cũng chưa chắc hàng đã đi được.

Vượt qua khó khăn để giữ thị trường

Theo quy định của phía vận tải biển, nếu đặt chỗ 6 xe container, tương đương phải huy động 6 xe tải gắp cùng một lúc 6 vỏ container từ Hải Phòng về đóng hàng lên tàu. Đây là quy định rất khó đối với doanh nghiệp vì không thể chủ động được xe.

"Chính vì quy định đặt ra như vậy nên có lúc đặt chỗ được rồi và cầm lệnh trên tay nhưng hàng vẫn không xuất được, đành phải hủy và nằm chờ cả tháng. Hàng không đi được nghĩa là thêm chi phí lưu kho, bãi, chi phí thay đổi khai báo hải quan và quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp", nữ giám đốc chia sẻ.

Tuy vậy, doanh nghiệp đã tìm mọi cách để thích nghi với bối cảnh mới. Xây dựng chiến lược nhằm ổn định và phát triển sản xuất, giữ vững được thị trường. Do vậy, 9 tháng đầu năm 2021, Công ty TNHH Tư Thành đạt doanh thu hơn 3 triệu USD, tăng 125% so với cùng kỳ.

"Tuy giá trị xuất khẩu tăng, song lợi nhuận đem lại gần như bằng 0. Bởi, ảnh hưởng dịch bệnh đội giá cước vận chuyển hàng hóa, cộng với các chi phí đầu vào (đường nguyên liệu và vỏ lon đóng hộp) đều tăng khoảng 60%. Mặc dù vậy, chúng tôi chấp nhận duy trì sản xuất nhằm tránh đứt gãy chuỗi sản xuất và giữ thị trường xuất khẩu", bà Tuyết Anh cho hay.

Tình trạng như trên là khó khăn chung của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong hoàn cảnh dịch COVID-19 như hiện nay.

Về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu (Sở Công Thương) thông tin, Thanh Hóa có 150 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng hóa, trong đó 40 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Vừa qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có việc cắt giảm chi phí logistics.

Khi các khó khăn được tháo gỡ, dịch bệnh được kiểm soát, cộng với các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam, Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) được thực thi một cách toàn diện, hiệu quả, sẽ là đòn bẩy để xuất khẩu Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng tiếp tục phát triển.

Trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Đào Trọng Khoa mong muốn các quy định chống dịch và phục hồi kinh tế sau đại dịch được áp dụng thống nhất trong cả nước, tránh tình trạng mỗi địa phương một cách như vừa qua, gây ách tắc, đứt gãy việc vận chuyển hàng hóa, vật tư thiết yếu cho đời sống xã hội, sản xuất và xuất nhập khẩu. Đồng thời, hệ thống y tế trong cả nước phải được củng cố để bảo đảm mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất trong điều kiện “bình thường mới”.

Vừa qua, Chính phủ đã đề ra các giải pháp về tài khóa rất kịp thời và phù hợp, nhưng khi triển khai, doanh nghiệp vẫn gặp khó, như về ưu đãi thuế, giảm các chi phí đường bộ, phí hạ tầng cảng biển và hỗ trợ người lao động…

"Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành hỗ trợ doanh nghiệp logistics trong việc chuyển đổi số, có các giải pháp đầu tư nâng cao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời tiếp tục tiêm chủng đầy đủ cho lực lượng lao động trực tiếp để bảo đảm hoạt động logistics không bị đứt đoạn", ông Khoa nói.

Điều 233 Luật Thương mại 2005 quy định Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao. 

...

Khi chưa thực hiện quyền định đoạt hàng hoá, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics thực hiện quyền cầm giữ hàng hoá có các nghĩa vụ sau đây:

– Bảo quản, giữ gìn hàng hoá;

– Không được sử dụng hàng hoá nếu không được bên có hàng hoá bị cầm giữ đồng ý;

– Trả lại hàng hoá khi các điều kiện cầm giữ, định đoạt hàng hoá quy định tại Điều 239 của Luật này không còn;

– Bồi thường thiệt hại cho bên có hàng hoá bị cầm giữ nếu làm mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá cầm giữ.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Lương Diễn 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến