Việc các ngân hàng tiếp tục thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng đã được dự đoán từ trước
Mong mỏi đó của nhà đầu tư cũng đã được trở thành hiện thực. Tại ĐHĐCĐ của VIB tổ chức vào sáng ngày 28/3, ngân hàng này thông qua kế hoạch chia cổ tức 5,5% bằng tiền mặt. Đây cũng là năm thứ 3, ngân hàng này chia cổ tức bằng tiền mặt. Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2018, VIB cho biết, sau khi trích lập các quỹ, ngân hàng còn734 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông, do vậy sẽ thực hiện chia cổ tức với tỷ lệ 5,5% bằng tiền mặt. Tỷ lệ này cao hơn so với mức cổ tức tiền mặt mà cổ đông nhận được trong các năm từ 2016 - 2018 (tỷ lệ 5%).
Tổng giám đốc VIB Hàn Ngọc Vũ cho biết, việc chia cổ tức bằng tiền mặt 3 năm vừa qua đã tạo được sự hấp dẫn nhất định của ngân hàng với nhà đầu tư, số các cổ đông của VIB tăng mạnh, từ hơn 1.200 cổ đông năm 2016 nay đã có trên 5.000 cổ đông cho dù ngân hàng chưa niêm yết trên sàn chính thức.
“Việc 3 năm liên tiếp VIB đã trả cổ tức tiền mặt 5%, bên cạnh nguồn cổ phiếu thưởng cũng rất cao, đã tạo thành một "văn hoá" của VIB. Nếu năm nay được NHNN thông qua thì tỷ lệ chi trả cổ tức sẽ cao hơn, ở mức 5,5%”, ông Hàn Ngọc Vũ chia sẻ thêm.
Cùng với việc nhận cổ phiếu quỹ, cổ tức bằng tiền mặt, cổ đông VIB còn được nhận thêm cổ phiếu thưởng tỷ lệ 18% theo phương án tăng vốn điều lệ 2019. Như vậy, cổ đông VIB sẽ có năm thứ 2 liên tiếp bội thu từ cổ tức và cổ phiếu thưởng, sau khi nhận tổng tỷ lệ hơn 40% trong năm 2018.
VIB là một trong số không nhiều các ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay. Theo báo cáo gửi các cổ đông của nhiều ngân hàng, phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu vẫn chiếm ưu thế. Ngân hàng đầu tiên tổ chức ĐHĐCĐ là Nam A Bank cũng đã thông qua phương án chia cổ tức với tỷ lệ 16% bằng cổ phiếu. Lãnh đạo Nam A Bank cho biết, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ, tăng năng lực tài chính cho ngân hàng.
Hay như VPBank, dù có lợi nhuận khá tốt trong năm 2018 khi đạt hơn 7.355 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nhưng lãnh đạo VPBank chia sẻ ngân hàng này sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trước đó, ngân hàng này đã xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phân phối lợi nhuận năm 2018.
Theo văn bản này, VPBank đã đề xuất phương án sau khi trích lập các quỹ bao gồm quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính và quỹ đầu tư phát triển hơn 3.924 tỷ đồng, số lợi nhuận chưa phân phối 3.431 tỷ đồng sẽ được giữ lại toàn bộ nhằm mục đích bổ sung vốn cho hoạt động của VPBank.
Việc các ngân hàng tiếp tục thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng đã được dự đoán từ trước. Hiện tại các ngân hàng đang chịu sức ép tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính nhất là đáp ứng Basel II với những tiêu chuẩn về an toàn vốn khắt khe hơn nhiều. Như Nam A Bank, hiện tại vốn điều lệ của ngân hàng này mới vẻn vẹn 3.350 tỷ đồng.
Ngân hàng này dự kiến tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng nhằm phát huy nội lực và nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng lộ trình thực hiện các chuẩn của Basel II qua nhiều hình thức một trong số đó có trả cổ tức bằng cổ phiếu. TPBank lên kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tổng tỷ lệ 28% để tăng vốn lên 8.566 tỷ đồng…
Đối với các NHTM có vốn Nhà nước việc tăng vốn lại càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của NHTM có vốn nhà nước thời gian qua gặp nhiều khó khăn. VietinBank là trường hợp gặp khó khăn nhất khi các phương án tăng vốn của VietinBank đều tắc. Nguồn vốn ngân sách chắc chắn không có. Đối với phương án phát hành riêng lẻ, VietinBank đã chạm giới hạn cả về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa và sở hữu Nhà nước tối thiểu. Phương án được đánh giá khả thi nhất cho các NHTM có vốn nhà nước chứ không riêng gì VietinBank là tăng vốn qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Tuy nhiên, khe cửa hẹp này cũng đang gặp khó khăn do liên quan đến kế hoạch thu chi ngân sách của Bộ Tài chính. Vì vậy, vấn đề chia cổ tức tại các ngân hàng trên vẫn chưa được tiết lộ mà phải đợi đến kỳ họp ĐHĐCĐ năm 2019 tới đây.
Sự rốt ráo tăng vốn của các ngân hàng được đánh giá là rất cần thiết bởi thời hạn hoàn thành chuẩn Basel II ngày càng gần. Mà số ngân hàng áp dụng chuẩn Basel II lại rất khiêm tốn mới có 3 ngân hàng hoàn thành “nhiệm vụ”. Theo mục tiêu Chiến lược ngân hàng, tới cuối năm 2025, tất cả các NHTM áp dụng Basel II tiêu chuẩn, thí điểm áp dụng Basel II nâng cao tại NHTM nhà nước và NHTMCP có chất lượng quản trị tốt.
Riêng đối với các NHTM có vốn nhà nước nhất là VietinBank đang chịu gánh nặng kép vừa lo không đủ vốn cung ứng cho nền kinh tế vừa lo đụng trần CAR. Trước sự cấp bách trên, mới đây, tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, một lần nữa, lãnh đạo NHNN đề xuất Quốc hội xem xét giải pháp để tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước ngoại trừ các NHTM mua bắt buộc.
Theo Thời báo ngân hàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy