Dòng sự kiện:
Chiến lược của ngân hàng trong cuộc đua công nghệ
16/01/2019 11:13:58
Trong thời gian qua đã chứng kiến sự lớn mạnh không ngừng của các cty công nghệ thực hiện các dịch vụ tài chính số. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng lớn cũng phải có chiến lược theo các cách khác nhau để ứng phó.

Tờ Financial Times đã phỏng vấn nhiều lãnh đạo ngân hàng, các chuyên gia tư vấn và các nhà điều hành trong những công ty fintech để tìm hiểu xem các ngân hàng đang “phản công” như thế nào. Về cơ bản, có các cách thức phổ biến như sau:

Trước hết, một số ngân hàng cho rằng phương pháp phòng vệ tốt nhất là tự mình phát triển các dịch vụ tài chính số. Theo đó, những ngân hàng có các chiến lược phát triển kỹ thuật số tiên tiến nhất như DBS đã tung ra các ngân hàng số của riêng họ để bước vào các thị trường mới hoặc bảo vệ các thị trường cũ.

Ngành ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc chơi công nghệ

Goldman Sachs đã ra mắt một bộ phận cho vay và tiết kiệm kỹ thuật số tiêu dùng cách đây 2 năm. Bộ phận kỹ thuật số mới có tên Marcus đã thu hút hơn 25 tỷ USD tiền gửi và cho vay 3 tỷ USD cho các khách hàng, tạo ra hơn 1 tỷ USD doanh thu mới cho ngân hàng này. Hay Banco Santander là ngân hàng quốc tế đầu tiên tung ra dịch vụ thanh toán xuyên biên giới dựa trên blockchain.

Giải pháp thứ hai là thông qua mua bán sáp nhập để giúp tiết kiệm chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng mới trong khi vẫn tận dụng được lợi thế sẵn có của doanh nghiệp công nghệ. Ngân hàng tiêu biểu đã theo đuổi chiến lược này là BBVA của Tây Ban Nha khi mua lại hàng loạt các startup kỹ thuật số như Simple ở Mỹ, Atom Bank ở Anh và Holvi ở Phần Lan. BBVA đã đầu tư 250 triệu USD vào Propel Venture Partners, một quỹ đầu tư mạo hiểm độc lập chuyên đầu tư vào các fintech trên khắp thế giới.

Một chiến lược khác được dùng để đối phó với các đối thủ kỹ thuật số là đa dạng hóa. Một số ngân hàng đang sử dụng các công nghệ mới để tiến vào các thị trường mới.

Dave McKay, CEO Royal Bank of Canada (RBC) vừa qua đã công bố chiến lược biến ngân hàng lớn nhất Canada trở thành một nền tảng rộng lớn hơn chuyên cung cấp đa dạng các dịch vụ, từ việc đăng ký thành lập doanh nghiệp cho đến hỗ trợ thuê nhà trên Airbnb. Khi các khách hàng muốn bán hoặc mua nhà, RBC sẽ cung cấp dịch vụ tìm hiểu các vùng lân cận, di chuyển đồ đạc, sơn nhà và thậm chí đổ rác mỗi tuần.

Một ví dụ khác đó là Barclays cung cấp cho khách hàng các dịch vụ lưu trữ những giấy tờ quan trọng như hộ chiếu và giấy khai sinh trên đám mây. Commonwealth Bank of Australia cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin sâu hơn về thói quen chi tiêu của khách hàng thông qua công cụ Daily IQ.

Mặc dù vậy, giải pháp phổ biến được nhiều ngân hàng lựa chọn hơn cả là thực hiện chiến lược liên minh hợp tác. Trong năm 2018 đã chứng kiến các ngân hàng lớn trên toàn cầu đang đẩy mạnh các nỗ lực hợp tác với công ty công nghệ mới đang phát triển nhanh, đặc biệt tại khu vực châu Á, trong bối cảnh sự cạnh tranh gia tăng trong mảng dịch vụ truyền thống.

Một ví dụ tiêu biểu đó là Standard Chartered Bank đã bắt tay với Alipay của Trung Quốc để tung ra một dịch vụ kiều hối kỹ thuật số sử dụng công nghệ blockchain để gửi tiền xuyên biên giới một cách nhanh chóng với giá rẻ. Bộ đôi này cũng đã bắt tay với Gcash, chi nhánh thanh toán di động của Globe Telecoms ở Philippines, cho phép người tiêu dùng gửi tiền giữa Hồng Kông và Philippines bằng điện thoại di động. Kế hoạch của họ là mở rộng dịch vụ này sang nhiều thị trường khác.

Rajesh Mehta, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương phụ trách các giải pháp thương mại và tài chính của Citibank cho biết, châu Á đang chứng kiến tốc độ số hóa tiền mặt diễn ra nhanh chóng và nhu cầu về nền tảng giao dịch trực tuyến gia tăng và nhu cầu quản lý tiền mặt của các công ty về thương mại điện tử với chuỗi phân phối trải dài trong khu vực đang là cơ hội tốt, khi các công ty này phát triển và mạng lưới chuỗi cung ứng lớn hơn và phức tạp hơn.

Doanh thu của Citibank từ các khách hàng trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm các công ty thương mại điện tử, cho tới thời điểm này của năm nay tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn so với mức tăng 17% của năm 2017. Đây cũng là phân khúc tăng trưởng mạnh nhất trong mảng giải pháp thương mại và tài chính tại châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng này.

Các quan chức ngành ngân hàng cho rằng tăng trưởng trong phân khúc khách hàng công nghệ có thể sẽ gia tăng nhờ lượng giao dịch liên quan đến các nền tảng kỹ thuật số ở châu Á tăng vọt và khi nhiều công ty công nghệ mở rộng hoạt động ra nước ngoài, nhờ đó hạn chế tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến