Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nóng trở lại khiến đồng nhân dân tệ đã liên tục mất giá trước đô la Mỹ ngay trong ngày đầu tuần này. Trong nước, tỷ giá cũng tăng mạnh, bên cạnh đó lãi suất vẫn neo cao, lạm phát thường trực đang đổ dồn áp lực cho chính sách tiền tệ.
Tỷ giá Việt Nam chịu tác động đáng kể từ tỷ giá Trung Quốc
Tưởng chừng như chính sách tiền tệ sẽ có một năm “êm đềm” khi diễn biến thị trường tài chính quốc tế ổn định suốt từ đầu năm, củng cố cho một nền tảng vĩ mô ổn định trong nước. Tiêu biểu phải kể tới xu hướng thắt chặt tiền tệ toàn cầu trong năm ngoái đã ngừng vô thời hạn, từ Mỹ, các nước EU, theo sau là một loạt nền kinh tế mới nổi Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia... sau khi lạm phát không đạt mục tiêu, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia tiếp tục nới lỏng tiền tệ, như Nhật Bản hay Trung Quốc - bạn hàng lớn và có ảnh hưởng mạnh tới chính sách tiền tệ của Việt Nam. Hơn thế nữa, chiến tranh thương mại liên tục có dấu hiệu lạc quan củng cố đáng kể cho tỷ giá. Những diễn biến trên đã góp phần củng cố mặt bằng tỷ giá và lãi suất ổn định trong nước.
Tuy vậy, những bất ổn trong các chính sách vĩ mô trong nước, cộng hưởng với việc chiến tranh thương mại có chiều hướng xấu, đang tạo áp lực cho các biến số kể trên và đặt ra nhiều thách thức cho chính sách tiền tệ thời điểm hiện tại.
Lời nhắn từ ông D.Trump và những áp lực cho tỷ giá
Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ D.Trump vừa qua đã gây áp lực lên Trung Quốc bằng con bài “thuế” trong khi cả hai bên đang tích cực đàm phát để giải quyết mâu thuẫn trong thương mại. Ông cho rằng Mỹ đã thiệt hại khoảng 500 tỉ đô la Mỹ trong thương mại với Trung Quốc những năm qua và không thể trì hoãn thêm việc đánh thuế nếu mâu thuẫn thương mại này không sớm được giải quyết bởi lẽ việc hai bên nỗ lực đàm phán suốt từ đầu năm vẫn đang kéo dài mà chưa có hồi kết hay sự nhượng bộ đáng kể nào từ Trung Quốc.
Ngay sau khi thông điệp phát đi, tỷ giá đô la Mỹ/nhân dân tệ (USD/CNY) tăng 0,4% ngay trong ngày đầu tuần.
Tỷ giá Việt Nam chịu tác động đáng kể từ tỷ giá Trung Quốc, vì vậy nó phụ thuộc rất lớn vào diễn biến chiến tranh thương mại. Điều này đã được kiểm chứng trong nửa cuối năm 2018 khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng (USD/VND) tăng mạnh suốt giai đoạn dài. Cộng hưởng từ tỷ giá đang tăng cao trong thời gian qua, thì dự báo đà tăng này còn tiếp diễn trong giai đoạn tới.
Vĩ mô trong nước đang có dấu hiệu không tốt
Tài khóa và tiền tệ đang thiếu “ăn ý”. Câu chuyện đã trở nên quen thuộc trên thị trường tiền tệ, mỗi khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gọi thầu tín phiếu hút nội tệ dư thừa thì đúng lúc Kho bạc Nhà nước (KBNN) lại rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng khiến thị trường ngay lập tức thiếu vốn. Ngược lại, khi thanh khoản eo hẹp, NHNN dừng phát hành tín phiếu thì KBNN lại điều tiền về (gửi tiền trở lại hệ thống ngân hàng) khiến nội tệ dư đầy trong hệ thống. Mục tiêu đưa lãi suất liên ngân hàng về mức mục tiêu 3% của NHNN có vẻ khó đạt được.
Bên cạnh đó, lạm phát đang bị áp lực lớn từ việc tăng giá điện và giá xăng liên tiếp. Nhiều chuyên gia đã tỏ ra nghi ngờ số liệu CPI tháng 4 không tương xứng với đà tăng trên. Điều này càng làm gia tăng kỳ vọng lạm phát ở Việt Nam vốn được đánh giá rất lớn.
Tin tức không lạc quan về lạm phát, cộng hưởng với tỷ giá và lãi suất liên ngân hàng đang tăng cao đã ảnh hưởng đáng kể tới thị trường trái phiếu. Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) trên thị trường thứ cấp đã tăng mạnh và kỳ vọng tăng cao hơn giai đoạn tới. KBNN nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn trong phát hành trái phiếu ngay từ nửa đầu năm khi lợi suất yêu cầu của các nhà đầu tư ở mức khá cao. Nhìn một cách đơn giản, việc KBNN rút tiền lại đang gây khó khăn cho chính cơ quan này trong việc huy động vốn (phát hành TPCP). Nó đặt ra câu hỏi trong điều hành tài khóa, sự liên kết giữa tài khóa và tiền tệ.
Quan sát lãi suất mức tín phiếu kỳ hạn 1 và 2 tuần mà NHNN phát hành vừa qua, có thể thấy độ chênh 0,5% so với lãi suất mục tiêu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ - Fed (Fed fund target rate - 2,5%). Độ chênh này đã được NHNN duy trì suốt năm 2018, nghĩa là khi Fed tăng lãi suất thì NHNN cũng tăng lãi suất tín phiếu kỳ hạn 1 hoặc 2 tuần (việc lựa chọn hai kỳ hạn này tùy thuộc vào trạng thái thanh khoản thị trường). Tuy nhiên, mức lãi suất cao nhất trong năm 2018 của kỳ hạn 1 hay 2 tuần chỉ đạt 2,75% do lần Fed tăng lãi suất vào tháng 12 thì thanh khoản nội tệ đang căng thẳng và NHNN đã dừng gọi thầu tín phiếu.
Ngay sau Tết, thanh khoản hệ thống được cải thiện và NHNN bắt đầu gọi thầu với mức 3% để duy trì độ chênh 0,5% với lãi suất của Fed. Mức 2,5% cũng chính là lãi suất đô la Mỹ liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và có thể hiểu phần chênh 0,5% là tính toán từ NHNN để duy trì cân bằng cung cầu ngoại tệ, nội tệ, góp phần ổn định tỷ giá và lạm phát.
Tuy nhiên, chưa lúc nào trong năm nay, NHNN ổn định được lãi suất ở mức 3% khi tài khóa và tiền tệ liên tục lệch pha, thiếu nhất quán.
Dư địa nào cho chính sách tiền tệ thời gian tới?
Việc NHNN gọi thầu tín phiếu kỳ hạn 2 tuần lại đang gây khó cho chính nhà điều hành. Tổng mức tín phiếu đang lưu hành là 50.000 tỉ đồng và phải mất hai tuần mới đáo hạn trong khi thị trường đang thiếu vốn trầm trọng. Tỷ giá lại đang leo thang, cao hơn mức NHNN mua (23.200 đồng/đô la Mỹ) vì vậy nhà điều hành cũng không thể bơm nội tệ trên thị trường ngoại hối. Một kênh bơm vốn nữa trên thị trường mở (OMO) là mua bán kỳ hạn giấy tờ có giá thì số dư khá ít, chỉ vỏn vẹn vài trăm tỉ đồng. Và hẳn NHNN cũng không muốn lãi suất liên ngân hàng cao tới mức các ngân hàng đổ xô đi vay trên OMO như thời điểm cận Tết vì điều này sẽ khiến thị trường trở nên hoang mang.
Xét tổng thể, lạm phát đang là biến số nóng nhất và luôn là quan trọng nhất của NHNN. Nhiều khả năng để duy trì lạm phát, NHNN sẽ hạn chế cung vốn ra thị trường trong thời gian tới, chấp nhận duy trì lãi suất nội tệ ở mức cao, đồng thời cũng giảm áp lực cho tỷ giá, đang chịu sức ép từ tài chính quốc tế. Năm 2019, có một yếu tố thuận lợi cho điều hành đó là chỉ tiêu tín dụng ở mức thấp hơn nhiều so với mọi năm, đồng thời tín dụng ngoại tệ đang bị siết chặt. Điều này giảm áp lực cho huy động vốn và mặt bằng lãi suất, đồng thời cũng củng cố cho động thái hạn chế bơm thanh khoản của NHNN.
Nhiều khả năng nếu chiến tranh thương mại tồi tệ hơn thì NHNN sẽ tính tới việc bán ngoại tệ để can thiệp tỷ giá, song sẽ đồng nghĩa với việc hút ròng nội tệ, và đánh đổi là mặt bằng lãi suất cao hơn. Dư địa bình ổn mặt bằng lãi suất của các công cụ chính sách tiền tệ hiện không còn nhiều và cần thiết có một sự phối hợp giữa tài khóa và tiền tệ để duy trì sự biến động của các biến số vĩ mô ở mức hợp lý.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy