Dòng sự kiện:
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung phủ bóng kinh tế thế giới 2018
22/12/2018 17:04:28
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cuộc gặp Donald Trump - Kim Jong-un, Mỹ trừng phạt Iran... là những sự kiện tác động mạnh đến kinh tế - chính trị thế giới trong năm 2018.

1. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Năm 2018, kinh tế thế giới bị phủ bóng bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Trung Quốc cáo buộc Mỹ phát động “cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế” sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Mexico, Canada và Liên minh châu Âu (EU) để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm Mỹ. Tất cả các bên liên quan đều có biện pháp đáp trả.

Riêng với Trung Quốc, Mỹ đã áp 3 đợt thuế với hàng hóa nhập khẩu từ nước này với tổng giá trị 250 tỷ USD.

Ảnh: CNN.

Hai đợt đầu tiên có thuế suất 25%, áp với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả tương đương.

Mỹ tiếp tục leo thang căng thẳng thương mại bằng đợt thuế thứ 3 lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 24/9. Thuế suất ban đầu là 10% và dự kiến tăng lên 25% kể từ ngày 1/1/2019 nếu hai bên không đạt một thỏa thuận thương mại.

Ông Trump còn cảnh báo sẽ áp thêm thuế với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nếu Bắc Kinh tiếp tục đáp trả. Nếu thực hiện, điều này đồng nghĩa với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ bị áp thuế. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đáp trả, với quy mô thấp hơn, áp thuế với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Lãnh đạo hai nước đã gặp thượng đỉnh bên lề hội nghị G20 tại Buenos Aires, Argentina, hôm 1/12 và nhất trí đình chiến thương mại trong 90 ngày để đàm phán một thỏa thuận thương mại. Giai đoạn này kéo dài đến ngày 1/3. Mỹ cũng thông báo chọn ngày 2/3 là ngày tăng thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nếu đàm phán không hiệu quả.

2. Cuộc gặp giữa lãnh đạo Triều Tiên với tổng thống Hàn Quốc

Năm 2017 kết thúc với căng thẳng địa chính trị tại bán đảo Triều Tiên tăng cao. Mỹ và Triều Tiên liên tục có những tuyên bố đe dọa, làm dấy lên nguy cơ có tính toán sai lầm dẫn đến chiến tranh.

Tình hình bắt đầu dịu xuống khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bày tỏ mong muốn cử vận động viên sang Hàn Quốc dự Olympic 2018 ở thành phố Pyeongchang. Trong thời gian diễn ra sự kiện thể thao, ông Kim đề nghị đàm phán với Hàn Quốc để tổ chức gặp thượng đỉnh với Tổng thống Moon Jae-in.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Reuters.

Cuộc gặp Kim – Moon đã trở thành hiện thực vào ngày 27/4, lần đầu tiên sau 11 năm, với nhiều cam kết về hòa bình, hợp tác được thiết lập. Hai nhà lãnh đạo còn gặp thượng đỉnh hai lần nữa vào ngày 27/5 và vào tháng 9.

3. Cuộc gặp đầu tiên giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên

Tháng 6, cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo Mỹ - Triều đã diễn tại khu nghỉ dưỡng Sentosa, Singapore. Ông Trump và ông Kim đã ký tuyên bố chung, nhất trí đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, thiết lập quan hệ hòa bình, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thu hồi hài cốt binh sĩ và tiếp tục đàm phán.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Cuộc gặp thượng đỉnh phần nào giúp xoa dịu căng thẳng địa chính trị liên quan chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Giới chức Mỹ và Triều Tiên được cho là đang chuẩn bị tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Kim lần hai, sớm nhất là vào đầu năm 2019 với nhiều địa điểm đang được nghiên cứu.

4. Bầu cử giữa kỳ Mỹ

Cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ diễn ra ngày 6/11. Đây là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất tại Mỹ năm nay.

Cuộc bầu cử kết thúc với kết quả đảng Dân chủ giành lại thế đa số tại Hạ viện từ tay đảng Cộng hòa còn Thượng viện vẫn do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Kết quả bầu cử giữa kỳ được coi là dấu hiệu thể hiện niềm tin của cử tri Mỹ đối với các chính sách mà Tổng thống Trump, đảng Cộng hòa, đã thực hiện trong hai năm cầm quyền. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá rằng thất bại này vẫn không khiến ông mất sự ủng hộ từ đảng Cộng hòa, ngược lại còn tăng thêm những người trung thành trong quốc hội.

Đảng Cộng hòa mất quyền kiểm soát Hạ viện đồng nghĩa với việc các chính sách của Trump sẽ gặp khó khăn hơn để được thông qua, nguy cơ Trump bị phe Dân chủ ở Hạ viện điều tra hoặc luận tội cũng tăng lên. Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ lại có xu hướng diễn biến tốt trong những giai đoạn tương tự trong quá khứ.

“Thị trường chứng khoán thường đi lên trong thời kỳ bế tắc”, Joseph Song, nhà kinh tế tại Bank of America Merrill Lynch (BofAML), nói.

5.Một năm bấp bênh của chứng khoán thế giới

Chứng khoán thế giới năm nay biến động mạnh, phần nào do ảnh hưởng từ các bất ổn địa chính trị, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cùng lo ngại kinh tế toàn cầu sắp chững lại sau gần một thập kỷ tăng trưởng.

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 5/2 có phiên giảm mạnh lịch sử, mất 1.175,26 điểm, tương đương 4,6%. Giới phân tích nhận định Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đã trong thị trường giá lên quá lâu.


Đồ thị: Marketwatch

Hàng loạt đợt tăng lãi suất bởi Fed có thể sắp khiến kinh tế Mỹ chững lại, đặc biệt là khi tác động tích cực từ chính sách cắt giảm thuế đang dần phai nhạt, khiến nhà đầu tư lo ngại. Cùng với căng thẳng thương mại leo thang, thị trường Mỹ đã có một tháng 10 tồi tệ, mất gần 2 nghìn tỷ USD giá trị thị trườngvốn hóa. Đây là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2016 của Dow Jones, từ tháng 9/2011 của S&P 500 và từ tháng 11/2008 của Nasdaq.

Một chiến lược gia chứng khoán của Morgan Stanley cảnh báo xu hướng thị trường giá xuống trên thế giới có thể ảnh hưởng tới Mỹ. Phố Wall định nghĩa một chỉ số hoặc cổ phiếu rơi vào vùng điều chỉnh nếu nó giảm 10% so với đỉnh gần nhất và rơi vào thị trường giá xuống nếu giảm ít nhất 20%.

Dow Jones và S&P 500 đang trên đà có tháng 12 tệ nhất kể từ đại khủng hoảng. Hai chỉ số này đã giảm lần lượt 9,69% và 10,16% kể từ đầu tháng 12.

Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản ngày 20/12 chính thức rơi vào thị trường giá xuống khi giảm gần 21% so với đỉnh hồi tháng 1. Chứng khoán Anh hồi đầu tháng 12 cũng xóa sạch toàn bộ phần tăng thêm kể từ năm 2000.

Chứng khoán Trung Quốc cũng có một năm sóng gió. Chỉ số Shanghai Composite của sàn Thượng Hải và Shenzhen Composite của sàn Thâm Quyết lần lượt giảm hơn 20% và 30% trong năm nay, khiến Trung Quốc là thị trường diễn biến kém nhất thế giới năm nay.

6. Nội tệ hàng loạt thị trường mới nổi mất giá vì Fed tăng lãi suất

Nội tệ, chứng khoán và trái phiếu bằng đồng nội tệ các nền kinh tế đang phát triển trong năm 2018 đều hướng về đáy kể từ năm 2015. Tuy nhiên, chúng đã phục hồi phần nào sau vài tháng qua.

Cổ phiếu thị trường mới nổi trong tháng 10 chìm sâu vào thị trường gấu khi Fed tăng lãi suất thúc đẩy giá trị USD và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, tác động những nước có yếu tố nền tảng yếu như Indonesia, Nam Phi. Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ còn “đổ dầu vào lửa” với những bất ổn trong nước. Trong khi đó, Mexico và Brazil tổ chức tổng tuyển cử.


Diễn biến đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ so với USD

Một chỉ số theo dõi đồng tiền của các thị trường mới nổi hôm 13/6 đã lần đầu tiên xuống dưới đường trung bình động 50 tuần kể từ tháng 12/2016, ngay sau khi Fed tăng lãi suất lần thứ hai trong năm lên 1,75% – 2%.

Nội tệ mất giá sẽ ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của nhà đầu tư nước ngoài, khiến họ rút vốn – động thái làm gia tăng áp lực lên nội tệ, dẫn đến một vòng lặp nguy hiểm. Những quốc gia phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư từ nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng sẽ thiệt hại nhiều nhất.

Tuy nhiên, tình trạng này cũng mở ra cơ hội phục hồi cho thị trường mới nổi trong năm 2019, khi định giá thấp sẽ thu hút mua vào.

Sau khi tăng lãi suất lần 4 hôm 19/12 lên 2,25% - 2,5%, Fed đã giảm số lần tăng dự kiến cho năm 2019 từ 3 còn 2. Về lý thuyết, thông báo trên phần nào giúp các thị trường mới nổi giảm bớt lo ngại về một đồng bạc xanh mạnh hơn.

7. Bất ổn ở châu Âu

Thị trường châu Âu trong năm 2018 diễn biến không mấy tích cực, đặc biệt là ở Italia và Đức. Đây là hai quốc gia đang đối mặt tình trạng kinh tế chững lại. Chỉ số FTSE MIB của Italia đã giảm 24% từ đỉnh hồi cuối tháng 5, chỉ số DAX tại Đức giảm gần 21% so với đỉnh tháng 1, tiến vào thị trường giá xuống hồi đầu tháng 12.

Nhà đầu tư rút khỏi thị trường chứng khoán Italia chủ yếu do lo ngại trong nước này. Chính phủ Italia kiên quyết giữ tham vọng chi tiêu trong năm 2019, gồm thâm hụt tương đương 2,4% GDP thường niên. Ý định này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ EU. EU tháng 11 bác bỏ dự thảo ngân sách của Rome và dọa áp lệnh trừng phạt. Thủ tướng Italia đã có nhượng bộ nhưng vẫn còn khoảng cách giữa hai bên.

Trong khi đó, DAX bị ảnh hưởng đặc biệt mạnh từ căng thẳng thương mại toàn cầu. DAX, theo dõi 30 công ty lớn nhất của Đức, bao gồm nhiều công ty có doanh thu chủ yếu từ nước ngoài, khiến họ đặc biệt nhạy cảm với diễn biến thương mại.

Ảnh: Reuters.

Tiến trình Anh rời EU (Brexit) cũng còn nhiều bất ổn, khi thời điểm London chính thức rời liên minh 28 nước – ngày 29/3 – đang đến gần. Sau nhiều tháng đàm phán, Thủ tướng Anh Theresa May đã nhất trí được một dự thảo Brexit với Brussels và đang chờ quốc hội thông qua. Bà đã hoãn trình quốc hội bỏ phiếu thông qua hôm 11/12 vì lo thất bại.

Điều này khiến Thủ tướng May phải đối mặt và vượt qua thành công cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền. Quốc hội Anh dự kiến bỏ phiếu về dự thảo Brexit vào tuần thứ 3 trong tháng 1.

Bất ổn cũng lan sang nhiều nền kinh tế khác như Pháp, Bỉ… - hai quốc gia đang phải đối mặt với biểu tình phản đối tăng giá nhiên liệu.

Bộ Nội vụ Pháp cho biết có khoảng 31.000 người đã tham gia các cuộc biểu tình của phe "Áo vàng" trên toàn nước Pháp trong ngày 8/12. Đụng độ đã nổ ra giữa cảnh sát và những người biểu tình quá khích. Khoảng 700 đối tượng đã bị bắt giữ.

Chính phủ Pháp hôm 4/12 đã thông báo hoãn tăng thuế nhiên liệu cùng một số biện pháp nhượng bộ khác nhằm xoa dịu tình hình. Tuy nhiên, phong trào “Áo vàng”, trong đó có nhiều phần tử quá khích vẫn huy động lực lượng tham gia biểu tình.

Ngân hàng Pháp đã phải giảm dự báo tăng trưởng cho quý IV từ 0,4% còn 0,2% do chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng. Trước đó, giới phân tích kỳ vọng kinh tế Pháp sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong nửa sau năm 2018 nhờ chính sách giảm thuế.


Biểu tình tại Pháp. Ảnh: AP

8. Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tái trừng phạt Tehran

Không hài lòng với Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà chính quyền cựu tổng thống Barack Obama cùng 5 cường quốc khác đạt được với Iran năm 2015, ông Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hồi tháng 5. Theo JCPOA, Iran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc được nới lỏng các lệnh trừng phạt.

Hệ quả, các lệnh trừng phạt mà Mỹ cùng các nước khác đã dỡ bỏ năm 2016 lại đang được Washington tái triển khai. Những nước khác, bao gồm thành viên Liên minh châu Âu (EU), tin Iran vẫn tuân thủ cam kết trong thỏa thuận và nêu rõ ý định không đi theo sự dẫn dắt của Mỹ.

Ảnh: iStock.

Các lệnh tái trừng phạt của Mỹ được chia làm 2 đợt. Đợt 1, có hiệu lực từ ngày 7/8, nhằm vào các lĩnh vực tài chính, giao dịch kim loại quý, mua bán ôtô và phụ tùng, máy bay. Đợt 2, có hiệu lực từ ngày 4/11, nhằm vào ngành dầu mỏ của Iran.

Hành động của Mỹ làm gia tăng bất ổn với đồng rial, khiến lạm phát tại Iran tăng mạnh khi người dân tìm đến USD và vàng để tích lũy giá trị.

Thông tin về đợt trừng phạt thứ hai tác động đáng kể đến thị trường dầu, đẩy giá dầu tăng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, xu hướng này nhanh chóng biến mất khi Mỹ chấp thuận tạm miễn trừ cho 6 nền kinh tế được phép mua dầu Iran, thời gian miễn trừ có thể lên đến 180 ngày.

Iran tuyên bố không lo ngại khi Mỹ tái áp trừng phạt.

9. Bitcoin lao dốc, có tháng giảm mạnh nhất 7 năm

Ngày 17/12/2017, Bitcoin đạt đỉnh 20.000 USD/BTC trên trên CoinDesk. Hai sàn giao dịch mở cửa thị trường Bitcoin tương lai, động thái được ca ngợi là bước đi hướng dến hợp pháp hóa đồng tiền số này. Hàng loạt nhà đầu tư ít kinh nghiệm cũng dấn thân vào làn sóng mua vào.

Một nhà phân tích còn lạc quan đến mức dự báo Bitcoin sẽ tăng tới 100.000 USD/BTC trong năm 2018. Tuy nhiên, kịch bản này đã không xảy ra. Thay vào đó, Bitcoin cùng nhiều đồng tiền số khác lao dốc, làm dấy lên lo ngại về tương lai tiền kỹ thuật số.

Bitcoin mất đến 51% giá trị trong thời gian từ 1/1 đến ngày 6/2, xóa sạch hàng tỷ USD giá trị thị trường.

Ảnh: CNBC.

Quy định từ chính phủ các nước cũng tạo ra sức ép. Tháng 1, giá Bitcoin giảm 19% khi Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc cân nhắc đóng cửa các sàn giao dịch tiền ảo. Trong tháng 3, Bitcoin giảm xuống dưới 10.000 USD trước thông tin các sàn tài sản số phải được đăng ký với Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC).

Bitcoin đang ở gần mốc 3.000 USD/BTC. Bitcoin có thể ổn định trong ngắn hạn nhưng sẽ cần rất nhiều nỗ lực dài hạn để quay lại đỉnh 20.000 USD/BTC.

Số liệu thống kê cho thấy những nhà đầu tư nhỏ lẻ là bên thiệt hại nhiều nhất trong thị trường giá xuống. Họ sẽ không sớm quay lại thị trường. Chỉ những nhà đầu tư kỳ cựu, có niềm tin, ở lại với thị trường tiền ảo.


Diễn biến bitcoin 2018 (Nguồn: Coinbase)

Giới chuyên gia có quan điểm tích cực về blockchain, công nghệ đằng sau Bitcoin, nhưng chia rẽ khi đề cập đến tương lai đồng tiền này. Một số người như Erik Finman, thiếu niên trở thành triệu phú nhờ đầu tư vào Bitcoin trong năm 2017, cho rằng Bitcoin “đã tận số’.

“Bitcoin đã chết. Nó quá rời rạc, có rất nhiều lý do khiến tôi không nghĩ nó sẽ tồn tại lâu”, Finman nói. Số khác tin Bitcoin vẫn có tương lai tươi sáng, nhưng không đạt được mức giá “trên trời” như trong năm 2017.

10. Thảm họa tự nhiên ‘càn quét’ kinh tế thế giới

2018 cũng là năm có nhiều thảm họa tự nhiên, ảnh hưởng đến kinh tế của từng nước nói riêng và thế giới nói chung.

Một khối khí lạnh mạnh từ vùng Siberia đã gây ra bão tuyết khắp châu Âu vào cuối tháng 2, đầu tháng 3. Tại Anh, đợt bão tuyết được gọi là “Quái vật từ phương Đông”, khiến nhiệt độ xuống thấp bất thường. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến người vô gia cư.

Argentina và Uruguay đối mặt hạn hán từ tháng 1 đến tháng 3. Tình trạng khô hạn ở Argentina, quốc gia xuất khẩu ngô và đậu tương lớn thứ 3 thế giới, nghiêm trọng nhất 30 năm. Sàn giao dịch ngũ cốc Buenos Aires ước tính kinh tế Argentina thiệt hại tới 3,4 tỷ USD.

Ảnh: AFP.

Ảnh hưởng lan rộng ra khắp thị trường thế giới, thể hiện ở giá ngũ cốc tăng trước thông tin sản lượng giảm. Công ty bảo hiểm Anh Lloyd năm 2015 từng cảnh báo hạn hán sẽ xảy ra thường xuyên hơn và đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là khi nhiều nước bị ảnh hưởng cùng lúc.

Mỹ năm nay hứng chịu hai loại thảm họa đáng chú ý là bão, gồm Florence và Michael, và cháy rừng bang California. Bão Florence và Michael gây ra thiệt hại ước tính khoảng 17 – 22 tỷ USD và trên 15 tỷ USD trong khi kinh tế Mỹ mất khoảng 3,5 tỷ USD vì cháy rừng.

Trong khi đó, Indonesia hứng chịu thảm họa kép động đất và sóng thần làm hơn 2.200 người chết, hàng chục nghìn ngôi nhà bị phá hủy. Theo cơ quan giảm thiểu thiên tai quốc gia Indonesia, kinh tế tỉnh Central Sulawesi – nơi xảy ra thảm họa, thiệt hai 13,82 nghìn tỷ rupiah (khoảng 911 triệu USD).

Theo Người đồng hành

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến