Dòng sự kiện:
Chiết khấu xăng dầu thoát cảnh 0 đồng nhưng vẫn chưa đủ bù lỗ
05/10/2022 21:53:10
Nhiều cửa hàng bán lẻ cho biết sau kỳ điều hành ngày 3/10, mức chiết khấu của doanh nghiệp đầu mối với đại lý đã tăng lên nhưng vẫn chưa gánh nổi mọi chi phí.

Ông Đ.V. Hậu (39 tuổi, Thái Bình) chủ cửa hàng kinh doanh xăng dầu H.Petro, thông tin, hiện mức chiết khấu của doanh nghiệp đầu mối với đại lý đã tăng lên 400 đồng/lít với xăng và 700 đồng/lít với dầu. Trước đó, có thời điểm, mức chiết khấu giảm về 50 đồng/lít, thậm chí là 0 đồng/lít xăng. Với mức hoa hồng “bèo bọt” này, cửa hàng bán lẻ cầm chắc lỗ do phải chịu tiền điện, khấu hao máy móc, nhân công bán hàng, mặt bằng… Trường hợp không được hỗ trợ cước vận chuyển từ kho đầu mối đến cửa hàng thì xác định “chết không kịp ngáp”.

“Chiết khấu là khoản tiền mà doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cắt lại các đại lý, cửa hàng bán lẻ tính trên mỗi lít xăng, lít dầu. Khi chiết khấu bằng 0, tức là không có hoa hồng, giá nhập vào bằng giá bán ra, doanh nghiệp sẽ lỗ các khoản phí vận hành bán hàng, mặt bằng, điện nước... Nếu đầu mối lại tính cả cước xe bồn nữa thì lỗ càng trầm trọng hơn do giá nhập cao hơn giá bán”, ông Hậu nói.

Nhiều cửa hàng xăng dầu lâm cảnh thua lỗ vì mức chiết khấu giảm mạnh. (Ảnh minh họa: Tiền phong)

Bà V.T. Xuyền (40 tuổi), chủ đại lý xăng dầu P.Oil, cũng cho hay, mức chiết khấu trên mỗi lít xăng dầu thời gian qua đã giảm mạnh khiến mỗi tháng cửa hàng của bà X. lỗ hàng chục triệu đồng.

Đáng chú ý, dù lỗ nhưng bà Xuyền vẫn phải "cắn răng" nhập hàng về bán, vì nghỉ bán là bị thu hồi giấy phép ngay. “Nguồn cung xăng dầu không thiếu nhưng chiết khấu thấp nên chúng tôi càng bán nhiều càng lỗ. Trước đây còn được đầu mối phân phối bao chi phí vận chuyển, nay họ kêu lỗ nên không hỗ trợ nữa. Chúng tôi kêu nhiều cũng không giải quyết được gì do đầu mối cũng không muốn bán vì lỗ quá”, bà Xuyền cho hay.

Theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sơn Hải (Hà Nội), doanh nghiệp của ông đang gặp khó khăn lớn, càng kinh doanh càng lỗ nặng do mức chiết khấu thấp không đủ chi phí trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động. Trong khi đó, tổng chi phí cho mỗi lít xăng từ đầu nguồn đến bán lẻ là từ 1.250 - 1.300 đồng/lít, chi phí cho dầu là 1.130 -1.250 đồng/lít. Ngoài ra doanh nghiệp còn phải gánh đủ mọi loại chi phí khác như lương, thuê nhân sự, vận chuyển, phí bảo hiểm, công đoàn...

Bà Lê Thị Nhã, lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân Văn Phúc (Hà Nội), cũng phản ánh lợi nhuận kinh doanh suốt 2 tháng nay không đủ trả tiền điện vì chiết khấu không có.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Chiến Thắng (Yên Bái) cho hay hiện chiết khấu với doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu tại kho Đức Giang là 0 đồng/lít. Trong khi chi phí vận chuyển từ kho Đức Giang đến các đại lý mất khoảng 700 đồng/lít. Với mỗi lít bán ra, doanh nghiệp lỗ 1.200-1.300 đồng. Nhưng nguồn cung cũng không sẵn, tình trạng khan hiếm, đứt hàng từ các doanh nghiệp đầu mối xảy ra liên tục. Theo bà Sinh, trong bối cảnh khó khăn chung, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không cần có lãi nhưng cơ quan quản lý phải làm sao để doanh nghiệp có đủ chi phí trả lương cho người lao động.

Trước những khó khăn trên, doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị Nhà nước cần có quy định về mức chiết khấu cho các đại lý để đảm bảo đủ chi phí trong kinh doanh.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, việc các doanh nghiệp đầu mối, nhà phân phối giảm chiết khấu xăng dầu xuống mức thấp, thậm chí hạ xuống 0 đồng, là chuyện không ai mong muốn. Hiện các đầu mối, nhà phân phối xăng dầu cũng đang lỗ nặng. Trong hoàn cảnh này, đại lý, cửa hàng bán lẻ nên chia sẻ, cùng "gánh lỗ" với đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu.

Vẫn theo vị này, cơ chế tính chi phí xăng dầu đã lạc hậu, khiến giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu dẫn đến việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường.

"Để mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu được duy trì phù hợp, cơ quan quản lý cần sớm rà soát và áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành", vị này nói.

Hiệp hội Xăng đầu Việt Nam (VINPA) cũng cho biết 6 tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của địa chính trị khiến giá sản phẩm tăng cao, dẫn đến khoản premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng cũng tăng theo. Chi phí kinh doanh định mức của một số thương nhân đầu mối lớn theo kết quả kiểm toán năm 2021 tăng do những chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ tăng. Tuy nhiên, các khoản chi phí vẫn giữ nguyên và không được thay đổi cho phù hợp với thực tiễn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong sáu tháng cuối năm.

Từ đó, VINPA kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh và phản ánh kịp thời các khoản chi phí tính toán trong công thức giá cơ sở xăng dầu phù hợp quy định để giảm bớt áp lực cho các thương nhân đầu mối, đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xăng dầu có tích lũy và tái đầu tư.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 1/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lý giải nguyên nhân khiến mức chiết khấu của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thấp.

"Hiện nay, không có quy định về mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu. Nhà nước điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, chỉ quản lý giá bán lẻ xăng dầu.

Ta hiểu rằng, đây là mức giá trần, khi các doanh nghiệp bán xăng dầu thì họ sẽ bán bằng giá này nhưng chiết khấu một mức độ nào đó cho người mua. Khi nguồn cung xăng dầu dồi dào hoặc giá thế giới giảm thì các doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp bán xăng dầu có xu hướng tăng mức chiết khấu để đẩy lượng bán ra. Ngược lại, khi giá tăng lên thì họ sẽ giảm mức chiết khấu đi", ông Hải nói.

Theo ông Hải, thời gian vừa qua, mức chiết khấu kinh doanh xăng dầu thấp vì hai lý do.

Thứ nhất là từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn. Những yếu tố trên đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp. Trong giai đoạn quý 2, do lo ngại thiếu nguồn cung, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng mạnh lượng nhập khẩu. Tuy nhiên sang quý 3, giá xăng dầu thế giới liên tục giảm, nhiều doanh nghiệp đã thua lỗ do nhập khẩu lượng xăng dầu tương đối lớn với giá cao. Và để tiết giản chi phí, giảm thiệt hại trong kinh doanh, các doanh nghiệp phải giảm mức chiết khấu trong phân phối.

Lý do thứ hai là từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu rất tăng, ví dụ chi phí vận tải, vận chuyển...nhưng để kiểm chế lạm phát, những chi phí này chưa được Bộ Tài chính - đơn vị trực tiếp quản lý giá các mặt hàng này - công bố điều chỉnh. Để đảm bảo duy trì kinh doanh, các doanh nghiệp đầu mối buộc phải cắt giảm các khoản chi phí, trong đó có mức chiết khấu.

Tác giả: Hòa Bình

Theo: VTC News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến