Dòng sự kiện:
Chiêu trò mới thổi giá đất ở Cam Lâm
08/12/2021 10:12:03
Nhiều người đi ôtô mang theo trụ bê tông được đánh số, viết chữ sẵn đến Cam Lâm (Khánh Hòa) rồi đào hố chôn cắm mốc. Vài ngày sau, giá đất khu vực này tăng từng giờ.

Sau khi UBND tỉnh Khánh Hòa và huyện Cam Lâm vào cuộc, tăng cường công tác quản, việc phân lô, bán nền tràn lan tại tỉnh tạm lắng. Tuy nhiên, khoảng 10 ngày gần đây, các cò đất tiếp tục đổ về huyện Cam Lâm, giá đất ở địa phương này đang tăng chóng mặt, mất kiểm soát.

Cắm mốc ghi tên Bộ TNMT

Theo phản ánh của người dân các xã Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam (huyện Cam Lâm) khoảng 10 ngày gần đây nhiều đoàn người đi ôtô mang theo biển hạn chế lưu thông, trụ bê tông đến địa bàn đào hố, chôn cột mốc.

Theo ông Nguyễn Văn Bình (ngụ xã Cam Hiệp Bắc), những người đi ôtô đều nói giọng miền ngoài, mang theo trụ bê tông có ghi chữ Bộ Tài nguyên Môi trường và số ghi giống tọa độ.

Trụ bê tông được chôn có ghi tên Bộ Tài nguyên Môi trường. Ảnh: An Bình.

Người dân địa phương cho biết, từ lúc các trụ bê tông được chôn, giá đất ở địa phương tăng từng ngày, thậm chí từng giờ.

“Trước đây khu vực này khoảng 60-70 triệu đồng mét chạy (mét ngang), nhưng khi có thông tin tập đoàn lớn về làm dự án giá đất đã tăng 80-100 triệu/mét. Mấy hôm gần đây khi có cọc mốc, giá tiếp tục lên trên 130 triệu đồng mét. Thấy họ tranh nhau trả giá, đoàn sau lại bị hét giá cao hơn đoàn trước dù họ chỉ coi đất cách nhau chừng 1 tiếng đồng hồ”, ông Bình kể.

Dự án gì đó thì chúng tôi có nghe đồn, nhưng chưa thấy chính quyền thông báo gì. Còn giá đất trên địa bàn thì vẫn tăng từng ngày

Ông Nguyễn Văn Bình

Theo ông Bình, trước đây rất nhiều cò đất gần như suốt ngày đêm ở địa phương sau khi nghe thông tin có tập đoàn lớn đầu tư dự án. “Dự án gì đó thì chúng tôi có nghe đồn, nhưng chưa thấy chính quyền thông báo gì. Còn giá đất trên địa bàn thì vẫn tăng từng ngày”, ông Bình nói thêm.

Theo ghi nhận, các trụ bê tông được đào hố chôn lộn xộn. Trên cùng một tuyến đường nhưng mốc được chôn cả 2 bên, khoảng cách cũng không đều nhau. Mặt trên ghi chữ Bộ TNMT được sơn mực xanh, các con số kèm chữ cái giống ghi mốc tọa độ.

Hàng chục trụ bê tông được chôn gần các khu đất đã được chia lô hoặc trong các khu dân cư còn nhiều quỹ đất trống.

Ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, cho biết thông tin về việc tập đoàn về đầu tư là có. Tuy nhiên, sự việc mới chỉ nằm ở giai đoạn đồng ý chủ trương cho phép khảo sát.

“Việc cắm cọc, mốc lộ giới để giao đất địa phương chưa thực hiện và khi làm phải được UBND tỉnh đồng ý phê duyệt, đồng thời sẽ thông báo rộng rãi đến người dân”, ông Bảo nói và cho biết sẽ chỉ đạo kiếm tra ngay thông tin có người đi chặn đường, đào hố cắm cột mốc dự án.

Theo Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, sau thời gian đất sốt ảo, phân lô bán nền, địa phương đã ra văn bản chỉ đạo các địa phương việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý và quản lý đất đai trên địa bàn.

“Huyện đã dừng việc cấp phép phân lô bán nền và chuyển mục đích sử dụng đất trong dân. Hiện huyện đang chờ kết luận của đoàn thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Khánh Hòa để có hướng xử lý”, ông Bảo cho biết.

Chiêu trò thổi giá đất

Vị chủ tịch huyện Cam Lâm cũng khẳng định tình trạng phân lô bán nền lớn trên địa bàn sau khi có các đoàn kiểm tra thì đã dừng.

Liên quan việc mua bán đất trong dân, ông cho biết đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền để tránh người dân làm sai quy định của pháp luật trong việc mua bán đất đai, sang nhượng qua lại.

Đối với trường hợp có giấy tờ hợp lệ, muốn chuyển nhượng, mua bán, huyện không cấm.

Trước đó, trên địa bàn huyện Cam Lâm đã xuất hiện tình trạng có một số trường hợp người sử dụng đất tự ý phân lô, sử dụng đất sai mục đích, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Cò đất sử dụng mạng xã hội, tung tin có tập đoàn lớn sẽ đầu từ vào Cam Lâm khiến giá đất nơi này tăng vọt. Hàng chục dự án “hoành tráng” mọc lên ở Cam Lâm, như: Cam Lâm Future, Cam Lâm Sky Lake, Cam Lâm Daimond, Cam Đức New Town, Cam Lâm Riverside, khu dân cư Trần Đại Nghĩa, khu dân cư Quang Trung...

Các dự án này được công ty bất động sản như Hưng Vượng Holdings, Cường Thịnh Land… giới thiệu với những lời có cánh.

Tuy nhiên, UBND huyện Cam Lâm khẳng định địa phương không hề có các dự án mang tên như vậy.

Giá đất ở huyện Cam Lâm vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: An Bình.

Ông Phan Việt Hoàng, Phó tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết các chiêu trò phổ biến nhất hiện nay của các sàn môi giới bất động sản là lợi dụng thông tin xúc tiến đầu tư của các tập đoàn lớn sắp triển khai dự án vào địa phương để tạo sóng bán hàng.

Theo ông Hoàng, hiện một số tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản đang lợi dụng sự thiếu chặt chẽ và đồng nhất trong các quy định của pháp luật để tiến hành thu gom đất nông nghiệp.

Sau đó họ san lấp mặt bằng, lợi dụng cơ chế hiến đất làm đường chia tách thửa do luật quy định để tặng cho con cái hoặc chuyển nhượng cho người khác nhưng không nhằm mục đích hoạt động kinh doanh bất động để tiến hành chuyển mục đích, tách thửa.

“Sau khi hoàn tất các thủ tục trên, họ chỉ làm công việc đơn giản còn lại là triển khai phân lô, bán nền mà không cần phải lập dự án đầu tư nhà ở theo quy định pháp luật”, ông Hoàng nói và cho biết việc này rất dễ gây xung đột giữa các quy định của quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu và quy hoạch điểm dân cư nông thôn.

Phó tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam phân tích nếu là dự án chính thống, các nền đất phân lô phải được triển khai theo mô hình dự án nằm trong quy hoạch, được chính quyền địa phương chấp nhận, chủ đầu tư phải hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ tài chính và phải đáp ứng các điều kiện khác theo quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng, phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản và nhà ở.

Ngoài ra, theo ông Hoàng, chủ đầu tư phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt trước khi thực hiện.

Tác giả: Xuân Hoát

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến