“Nếu có nhu cầu bọn em sẽ cho xe đưa đón anh tận nơi. Đất của bọn em có sổ đỏ chính chủ, quy hoạch rõ ràng”, Huy, một môi giới nhiệt tình nói khi được hỏi cần mua đất ở Cam Lâm.
Theo Huy, công ty anh mỗi ngày đưa cả chục lượt khách đi xem đất. “Giá nào cũng có, diện tích nào công ty cũng đáp ứng được”, Huy nói và cho biết khách hàng chủ yếu hỏi mua đất nền.
Gần một tháng qua, huyện Cam Lâm lại “nóng” chuyện phân lô, bán nền khi hàng trăm cò đất khắp nơi đổ xô về nơi này.
"Thủ phủ" phân lô, bán nền
Theo một số môi giới đất, sau khi một vài tập đoàn lớn công bố ý định đầu tư dự án khủng ở Cam Lâm đã khiến giá đất nơi này tăng vọt. Hàng chục dự án “hoành tráng” mọc lên ở Cam Lâm, như Cam Lâm Future, Cam Lâm Sky Lake, Cam Lâm Daimond, Cam Đức New Town, Cam Lâm Riverside...
Các dự án này được công ty bất động sản như Hưng Vượng Holdings, Cường Thịnh Land… giới thiệu với những lời có cánh.
Một dự án được quảng cáo hoành tráng trên đất đìa tôm ở huyện Cam Lâm.
Theo tìm hiểu, phần lớn các lô đất được quảng cáo trước đây là đìa nuôi trồng thủy sản hoặc các vườn xoài, nhưng đã được các “cò” vẽ theo dạng dự án cách sân bay quốc tế Cam Ranh và các resort tại khu Bãi Dài và đang được chào bán với mức giá từ 10, 20, 25 triệu đồng/m2.
Các chủ đầu tư cho đổ đất làm đường, phân lô, trồng cây xanh, xây taluy, đổ đá... để trở thành dự án, được rao bán công khai.
“Nhiều năm trước họ mua đất đìa tôm, vườn xoài rộng từ 1.000-2.000 m2. Các mảnh đất này sau đó được phân lô nhỏ để bán”, một người dân địa phương cho hay.
“Ăn theo” quy hoạch, dự án khủng
Tuy nhiên, theo UBND huyện Cam Lâm, địa phương không hề có các dự án mang tên như Cam Lâm Future, Cam Lâm Sky Lake, Cam Lâm Daimond, Cam Đức New Town, Cam Lâm Riverside...
Ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch huyện Cam Lâm, cho biết bản chất đây là các dự án phân lô bán nền.
"Kiểm toán Nhà nước, đoàn thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường đã làm việc với địa phương về vấn đề phân lô bán nền và UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo các sở ngành và địa phương xử lý các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, hiện chưa có kết luận chính thức nên địa phương chưa thể tiến hành xử lý các vi phạm trên", ông Bảo cho biết.
Một môi giới đất tiết lộ, ngoài việc nới lỏng giãn cách xã hội thì thông tin quy hoạch huyện Cam Lâm và một vài doanh nghiệp khủng sắp đầu tư vào đây đã khiến “cơn sốt đất” nóng trở lại.
Theo đó, trước thông tin huyện Cam Lâm nghiên cứu điều chỉnh mục tiêu phát triển của huyện theo định hướng trở thành vùng đô thị sân bay hiện đại, sinh thái và kết nối quốc tế nhằm góp phần hiện thực hóa tầm nhìn đưa địa phương này trở thành cực tăng trưởng mới khu vực vịnh Cam Ranh, kết nối TP Cam Ranh và TP Nha Trang.
Hàng trăm hecta đất đìa tôm ở huyện Cam Lâm được chuyển đổi, biến thành các "dự án ma" phân lô, bán nền. Ảnh: An Bình.
Huyện Cam Lâm cũng đang hướng đến việc quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bố trí quỹ đất để đầu tư phát triển vùng đô thị mới mang tầm khu vực và quốc tế, trung tâm thương mại, các khu du lịch và giải trí lớn, hạ tầng và dịch vụ logistics; nghiên cứu phát triển nông nghiệp theo hướng trang trại sinh thái, công nghệ cao gắn với du lịch; chú trọng xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư ngoài ngân sách có đẳng cấp, thương hiệu trong và ngoài nước.
Mới nhất, trong tháng 10, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý chủ trương cho phép một số tập đoàn lớn nghiên cứu, đề xuất đầu tư nhiều dự án với quy mô hàng nghìn hecta tại Cam Lâm đã khiến giá đất khu vực này tăng chóng mặt.
“Các nhà đầu tư ở Hà Nội, Quảng Ninh liên lạc để mua đất nhiều nhất. Nhiều người đã đặt sẵn lịch và chỉ chờ các chuyến bay Hà Nội - Cam Ranh để vào xem đất. Giá đất ở Cam Lam đang tăng từng ngày”, Huy cho biết.
Hậu quả khó lường
Ông Phan Việt Hoàng, Phó tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết các chiêu trò phổ biến nhất hiện nay của các sàn môi giới BĐS là lợi dụng thông tin xúc tiến đầu tư của các tập đoàn lớn sắp triển khai dự án vào địa phương để tạo sóng bán hàng.
Theo ông Hoàng, hiện một số tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản đang lợi dụng sự thiếu chặt chẽ và đồng nhất trong các quy định của pháp luật để tiến hành thu gom đất nông nghiệp.
Sau đó họ san lấp mặt bằng, lợi dụng cơ chế hiến đất làm đường chia tách thửa do luật quy định để tặng cho con cái hoặc chuyển nhượng cho người khác nhưng không nhằm mục đích hoạt động kinh doanh bất động để tiến hành chuyển mục đích, tách thửa.
“Sau khi hoàn tất các thủ tục trên, họ chỉ làm công việc đơn giản còn lại là triển khai phân lô, bán nền mà không cần phải lập dự án đầu tư nhà ở theo quy định pháp luật”, ông Hoàng nói và cho biết việc này rất dễ gây xung đột giữa các quy định của quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu và quy hoạch điểm dân cư nông thôn.
Phó tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam phân tích nếu là dự án chính thống, các nền đất phân lô phải được triển khai theo mô hình dự án nằm trong quy hoạch, được chính quyền địa phương chấp nhận, chủ đầu tư phải hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ tài chính và phải đáp ứng các điều kiện khác theo quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng, phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản và nhà ở.
Ngoài ra, chủ đầu tư phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt.
Theo ông Hoàng, trên thực tế đa số các khu đất phân lô bán nền đều nằm trong tình trạng bỏ hoang, hạ tầng xuống cấp, không đưa vào sử dụng gây lãng phí nghiêm trọng nguồn lực tài nguyên và an sinh xã hội. Ông cho rằng “mô hình” này chỉ mang lại hiệu quả ngắn hạn về kinh tế trước mắt, còn về lâu dài sẽ phát sinh nhiều tiêu cực, hệ lụy cho vấn đề an sinh xã hội.
“Bài học cay đắng cách đây tròn 3 năm từ cơn sốt đất mang tên đặc khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) vào năm 2018 vẫn còn. Thị trường bất động sản tại huyện Vạn Ninh lúc đó ‘dậy sóng’ với thông tin trở thành đặc khu kinh tế, giá đất tại đây nóng lên từng giờ", ông Hoàng cho biết.
"Nhưng khi cơn sốt đất qua đi đã để lại hệ quả nặng nề cho người dân địa phương, họ bỏ hết công việc để chạy theo giấc mơ tỷ phú, còn giới đầu tư kiệt quệ khi gánh nặng tài chính quá lớn vì ôm hàng không thanh khoản được lâm vào cảnh chết trên tài sản", ông Hoàng nói.
"Còn địa phương thì mất cơ hội kêu gọi, thu hút đầu tư bởi giá đất tăng cao vô lý ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, chi phí giải phóng mặt bằng và nhà đầu tư sẽ đi tìm môi trường đầu tư khác ‘an lành’ hơn”, Phó tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam phân tích.
Bài học cay đắng cách đây tròn 3 năm từ cơn sốt đất mang tên đặc khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) vào năm 2018 vẫn còn. Ông Phan Việt Hoàng, Phó tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam |
Tác giả: Xuân Hoát
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy