Dòng sự kiện:
Đề án cây mắc ca của LienVietPostBank: 'Cần cân nhắc thận trọng'
02/04/2015 08:55:04
ANTT.VN - Các vấn đề về nợ xấu ngân hàng, biến động tỷ giá thời gian qua, hay chủ trương sáp nhập ngân hàng đầu năm 2015, Đề án phát triển cây mắc-ca “tỷ đô” của LienVietPostBank… đều được cơ quan báo chí đặt câu hỏi và có được những câu trả lời cụ thể, chi tiết của Bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng Chính phủ.

Tin liên quan

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2015 diễn ra chiều 1/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn Chính phủ Nguyễn Văn Nên cùng đại diện phát ngôn của Ngân hàng Nhà nước đã giải đáp, làm rõ nhiều vấn đề nóng về tài chính, ngân hàng đang được báo chí và dư luận xã hội quan tâm.

Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2015

Một số ý kiến cho rằng chủ trương mua lại các ngân hàng thua lỗ của NHNN có hiệu quả chưa rõ ràng trong khi NHNN lại phải ôm vào một khoản nợ xấu lớn, rất khó xử lý và nguy cơ mất vốn cao. Xin hỏi quan điểm của Chính phủ về vấn đề này?

Sự phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng có vai trò hết sức quan trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế.

Khi ngân hàng thương mại gặp khó khăn, thua lỗ, Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp xử lý phù hợp như yêu cầu tự tái cấu trúc; thực hiện hợp nhất, sáp nhập, mua lại tự nguyện hoặc bắt buộc; Ngân hàng Nhà nước trực tiếp hoặc chỉ định ngân hàng thương mại Nhà nước mua lại cổ phần, vốn góp của ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm sự an toàn, ổn định, trật tự của hệ thống ngân hàng thương mại, thị trường tài chính và quyền lợi của người gửi tiền theo quy định.

Việc can thiệp bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước thông qua mua, tiếp quản ngân hàng thương mại yếu kém để xử lý, cơ cấu lại chỉ được thực hiện khi ngân hàng yếu kém không có khả năng tự tái cơ cấu, không sáp nhập, hợp nhất tự nguyện được hoặc trong trường hợp chỉ định ngân hàng thương mại nhà nước mua lại, nhận sáp nhập sẽ có tác động tiêu cực trực tiếp đến tình hình tài chính, hoạt động của ngân hàng thương mại nhà nước. Trong khi đó, việc áp dụng biện pháp phá sản ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, qua phân tích và đánh giá cụ thể từng trường hợp cho thấy tổn thất cho Nhà nước và xã hội là rất lớn và có thể gây mất an toàn hệ thống.

Việc Ngân hàng Nhà nước mua, tiếp quản ngân hàng thương mại yếu kém là cách làm phù hợp thông lệ quốc tế, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cũng đã áp dụng.

Trong giai đoạn hiện nay, quan điểm xử lý, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng đã được phê duyệt là phù hợp, bảo đảm tránh gây đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát và giữ ổn định hệ thống.

Việc Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần của ngân hàng yếu kém và chuyển thành ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước (như áp dụng đối với Ngân hàng Xây dựng vừa qua) được thực hiện  theo quy định của pháp luật (Điều 149 Luật các Tổ chức tín dụng, Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg hướng dẫn chi tiết về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt). Đây là biện pháp mạnh, khẳng định quyết tâm của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước kiên quyết xử lý triệt để, tái cơ cấu những tổ chức này, đồng thời cảnh báo trách nhiệm của các cổ đông nói chung, nhất là các cổ đông lớn trong việc quản trị, điều hành, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Sau khi mua lại ngân hàng yếu kém, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý những tồn tại, yếu kém và cơ cấu lại toàn diện, nhất là về quản trị, điều hành, chiến lược kinh doanh phù hợp hơn, lành mạnh hoá tài chính, xử lý nợ xấu để thu hồi vốn cho ngân hàng. Nợ xấu của các ngân hàng yếu kém (phần lớn có liên quan hoặc có tài sản bảo đảm là bất động sản) sẽ được thu hồi, xử lý triệt để bằng các biện pháp cơ cấu lại, xử lý phù hợp với sự hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan chức năng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đang phát triển ổn định thuận lợi, cùng với đó các hoạt động kinh doanh mới của ngân hàng sẽ tạo lợi nhuận bù đắp các tổn thất còn lại (nếu có).    

Nguồn vốn để xử lý, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém chủ yếu là nguồn vốn huy động trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Quan điểm nhất quán của Chính phủ là không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung và mua lại, xử lý ngân hàng yếu kém nói riêng. Trong trường hợp phải bỏ tiền ra để mua cổ phần của ngân hàng yếu kém thì Ngân hàng Nhà nước sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật. Tất cả số tiền này sẽ được thu hồi sau thời gian tái cơ cấu lành mạnh tình hình tài chính bằng chính lợi nhuận của các ngân hàng này cũng như bán lại số cổ phần đã mua cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và công ty Him Lam đưa ra Đề án phát triển cây mắc-ca tại Việt Nam với quy mô trồng 200.000 ha tại Tây Nguyên trong 5 năm tới. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất bổ sung cây mắc-ca vào nhóm cây nông, công, lâm nghiệp mũi nhọn cần được ưu tiên phát triển giai đoạn tới tại Việt Nam. Một số chuyên gia cho rằng, nên thận trọng khi trồng ồ ạt cây mắc-ca để tránh những hệ luỵ như mất giá, không có thị trường tiêu thụ… Xin cho biết Chính phủ có quan điểm như thế nào về việc này?

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cây mắc-ca có thể trồng được ở nước ta và đã được trồng khảo nghiệm thành công ở một số nơi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận đưa vào sản xuất 10 giống và Chính phủ đã có chính sách khuyến khích tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP.

Tuy nhiên, việc trồng mắc-ca ở Tây Nguyên với quy mô 200 nghìn ha như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và công ty Him Lam đề xuất cần phải cân nhắc thận trọng. Hiện nay, trên thế giới sau nhiều năm phát triển mới chỉ có khoảng 80 nghìn ha.

Chính phủ cho rằng đề án 200 nghìn ha trồng mắc-ca của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và công ty Him Lam cần cân nhắc thận trọng

Đối với đề nghị của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên về việc xem xét bổ sung cây mắc-ca vào nhóm cây nông, công nghiệp mũi nhọn cần được ưu tiên phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xử lý các đề xuất, kiến nghị của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lập quy hoạch phát triển cây mắc-ca, trước mắt dự kiến tới năm 2020 phát triển với quy mô khoảng 10 nghìn ha, chủ yếu ở những địa bàn đã khảo nghiệm thành công, có hiệu quả ở Tây Bắc và Tây Nguyên và chỉ trồng những giống được Bộ công nhận, bao gồm cả trồng tập trung và trồng xen trong các vườn cà phê.

Từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 32 năm 2014 đến nay, tốc độ cho vay và giải ngân với gói 30.000 tỷ có tăng hay không, con số cụ thể đến nay là bao nhiêu? Các ngân hàng mới tham gia vào gói 30.000 tỷ đã cam kết hay giải ngân được khoản cho vay nào chưa? NHNN có biện pháp gì sắp tới để thúc đẩy giải ngân gói cho vay này?

Từ 1/6/2013 đến 31/10/2014 (sau 16 tháng áp dụng Thông tư 11) có 9.376 khách hàng được ký hợp đồng tín dụng trong gói tín dụng hỗ trợ nhà ở với tổng số tiền cam kết cho vay từ các ngân hàng đạt 7.357,7 tỷ đồng.

Sau khi ban hành Thông tư 32, tốc độ cho vay, giải ngân tăng liên tục, tháng sau cao hơn tháng trước. Đến 28/2/2015 (sau khoảng 4 tháng triển khai), số khách hàng được các ngân hàng cam kết cho vay theo gói 30.000 tỷ là 14.895 khách hàng (tăng 5.519 khách hàng), với tổng số tiền cam kết cho vay là 11.307,2 tỷ đồng, tăng khoảng 53,7% so với thời điểm 31/10/2014.

Thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng này, NHNN sẽ thực hiện các giải pháp: Theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện của các NHTM tham gia chương trình và có văn bản chỉ đạo kịp thời, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Xem xét khả năng mở rộng số lượng NHTM tham gia. Đề nghị Bộ Xây dựng có văn bản hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc về các quy định, thủ tục liên quan đến đối tượng vay vốn đặc biệt là đối tượng mua, cải tạo nhà ở; có biện pháp tích cực đẩy nhanh nguồn cung về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại với giá rẻ.

Thời gian qua, tỷ giá trên thị trường có nhiều biến động, tăng mạnh. Trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chính phủ chỉ đạo việc điều hành tỷ giá phù hợp và trong năm 2015, NHNN khẳng định vẫn giữ mục tiêu điều hành tỷ giá đô la Mỹ trong biên độ không quá 2%. Xin cho biết thời gian tới, Chính phủ có chỉ đạo điều chỉnh tỷ giá hay không?

Diễn biến tỷ giá có xu hướng tăng trên thị trường hiện nay chủ yếu là do yếu tố tâm lý, còn các yếu tố về kinh tế cơ bản không có biến động lớn và không đáng quan ngại.

Việc tiếp tục điều chỉnh tỷ giá cần được cân nhắc thận trọng trên cơ sở đánh giá tác động trên nhiều mặt đến nền kinh tế như: (i) Mức độ cải thiện xuất khẩu so với tác động tăng chi phí nhập khẩu; (ii) Sức ép gia tăng lạm phát; (iii) Ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp.

Trên cơ sở đánh giá tổng thể các vấn đề nêu trên, NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến trên thị trường ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế, tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, điều hành tỷ giá theo mục tiêu đề ra từ đầu năm để đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ và chính sách tiền tệ của NHNN.

Xin hỏi Phó Thống đốc NHNN, trong thời gian gần đây, nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập ngân hàng diễn ra rất mạnh mẽ. NHNN có chủ trương như thế nào để đảm bảo không ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ và tâm lý của người gửi tiền?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Căn cứ vào số liệu thống kê trong quý I/2015 xuất khẩu của Việt Nam có sự suy giảm trong một số nhóm hàng, đặc biệt là nhóm hàng nông-lâm-thủy sản của Việt Nam sang các thị trường. Trong đó một số mặt hàng rất lớn của chúng ta như gạo, cà phê, cao su đều có sự suy giảm với mức độ trên dưới 30%. Tính chung nhóm mặt hàng nông-lâm-thủy sản xuất khẩu trong quý I, suy giảm làm mất đi khoảng hơn 500 triệu USD. Bên cạnh đó, nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản cũng suy giảm đáng kể cả về khối lượng lẫn giá xuất khẩu và mức suy giảm làm chúng ta mất đi hơn 1 tỷ USD. Qua phân tích đánh giá, chúng ta thấy có một số nguyên nhân.

Trước tiên trong năm 2015, áp lực cân đối cung-cầu trên thị trường thế giới, nhất là các mặt hàng nông sản, tiếp tục có diễn biến khó khăn cho hàng xuất khẩu của chúng ta, đặc biệt là các mặt hàng như gạo, cà phê... Nguồn cung trong quý I trên thị trường thế giới có gia tăng dẫn đến áp lực cho các mặt hàng của Việt Nam cạnh tranh với các nước khác.

Thứ hai, giá cả của các mặt hàng như nhiên liệu, khoáng sản có sự sụt giảm đáng kể. Ví dụ dầu thô suy giảm rất lớn cuối 2015, đầu 2015 dẫn đến mặc dù lượng xuất khẩu một số mặt hàng khoáng sản tăng nhưng không bù nổi phần giá suy giảm.

Đi vào cụ thể một số mặt hàng như gạo, cà phê, cao su... thì thị trường Trung Quốc trong quý I có những diễn biến tương đối bất thường, việc nhập khẩu gạo và nông sản bị suy giảm. Qua phân tích, đánh giá chúng ta thấy chính sách vĩ mô điều hành của nước láng giềng có những thay đổi, ví dụ cấp hạn ngạch cho nhập khẩu gạo diễn ra rất nhỏ giọt, rất chậm dẫn đến các mặt hàng gạo, ngoài gạo xuất khẩu vào nước láng giềng suy giảm tới 30%. Một số thị trường truyền thống ở ASEAN như Philippines, Indonesia, Malaysia lượng hàng nhập khẩu không có những hợp đồng lớn cho quý I/2015. Điều này khác với những năm trước chúng ta có những hợp đồng lớn của năm trước chuyển sang quý I của năm tiếp theo. Vì vậy lượng gạo của chúng ta xuất khẩu giảm rất lớn. Một số mặt hàng khác, ví dụ thủy sản, thiệt hại rất lớn do Mỹ tiếp tục áp dụng thuế chống bán phá giá ở mức cao gây khó khăn cho DN của chúng ta. Một số vấn đề liên quan đến tỷ giá đồng USD có xu hướng mạnh lên so với một số đồng tiền khác như Euro làm giảm nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường.

Vì vậy tựu chung lại, trong quý I/201,5 tăng trưởng xuất khẩu của chúng ta chỉ đạt 6,9% trong khi kế hoạch của chúng ta đăng ký với Quốc hội là 10%; đồng thời như Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã thông báo là nhập siêu trở lại với mức hơn 5%. Tình hình này chúng tôi cũng không cho là bất ngờ bởi trong dự báo đánh giá, chúng ta dự kiến quý I/2015 sẽ có những khó khăn trong công tác thị trường. Ngoài những nguyên nhân kể trên, chúng ta cũng phải thấy rằng năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của chúng ta đạt ngưỡng cao của những năm 2013-2014, vì vậy, tăng trưởng những năm tiếp theo sẽ khó khăn hơn.

Thứ hai vấn đề liên quan đến thị trường nông sản tiếp tục gặp khó khăn do cung cầu trên thế giới áp lực lớn đến chúng ta khi các nước xuất khẩu khác như Thái Lan với kho dự trữ gạo rất lớn đang tìm cách tiêu thụ và đẩy ra thị trường thế giới làm giá trên thị trường thế giới giảm sâu, nhất là những mặt hàng như gạo của Việt Nam.

Thứ ba là những khó khăn biến động tỷ giá, và những ảnh hưởng khác mà chúng ta cũng đã dự báo. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong phát triển kinh tế-xã hội là phải tìm cách thúc đẩy xuất khẩu, phát triển bền vững thông qua các biện pháp mở rộng tìm kiếm thị trường mới. Trong năm 2015, hàng loạt hiệp định thương mại tự do đang được tiếp tục triển khai và đưa vào cuộc sống. Chúng ta có Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, đàm phán TPP, hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Liên minh Thuế quan đang được triển khai tích cực... Hàng loạt hiệp định thương mại tự do khác với Hàn Quốc, Chile đã được triển khai, có hiệu lực, đang mở ra cơ hội cho chúng ta thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Việc xây dựng văn bản hướng dẫn các khuôn khổ này, thể chế hóa nó để phục vụ DN nhằm thúc đẩy cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam là những nội dung cơ bản trong năm 2015.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục ổn định vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, sản xuất, xuất khẩu cũng là những nội dung quan trọng trong nghị quyết của Chính phủ. Như Nghị quyết 19 đã có nội dung rất rõ yêu cầu tất cả các bộ, ngành tập trung tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, cho sản xuất, cho điều phối lưu thông, đặc biệt cho xuất khẩu để đảm bảo yêu cầu của chúng ta. Trong đó một trong những nội dung lớn mà Bộ Công Thương và các bộ, ngành thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng là tiếp tục CCHC, tháo gỡ khó khăn theo hướng đơn giản hóa cho các thủ tục thông quan, kể cả các thủ tục hải quan cũng như thủ tục khác liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Thứ ba, chúng ta phải tích cực tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hướng tới chất lượng, đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại, gắn kết chặt chẽ nhu cầu của các ngành hàng, của DN, hướng thị trường trọng tâm, trọng điểm có nhu cầu lớn, tiềm năng để tháo gỡ khó khăn cho các sản phẩm, DN của chúng ta để tiếp cận thị trường.

Thứ tư là tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để hỗ trợ cho các DN đặc biệt là DN sản xuất hàng xuất khẩu và từng bước cùng với các DN tạo cơ chế thực hiện các hoạt động liên kết thúc đẩy sản xuất, ví dụ trong các ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản để tạo thuận lợi, tạo thành chuỗi giá trị, từng bước có điều thuận lợi hơn trong xâm nhập thị trường và cạnh tranh thuận lợi hơn trên thị trường quốc tế.

Thứ năm là tiếp tục tăng cường chỉ đạo cho các cơ quan đại diện, cơ quan xúc tiến thương mại để cung cấp thông tin thị trường, nghiên cứu phát triển thị trường, đồng thời giải quyết có hiệu quả các tranh chấp thương mại quốc tế bảo vệ lợi ích của DN Việt Nam trên cơ sở các cam kết hội nhập quốc tế và công cụ của WTO.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Trước hết, theo Quyết định 254 của Chính phủ, trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, những chủ trương, quan điểm xuyên suốt quá trình tái cơ cấu là quá trình liên tục, không chỉ tái cơ cấu đối với các tổ chức tín dụng yếu kém mà còn tái cơ cấu các tổ chức tín dụng tốt và chưa tốt. Đối với những TCTD tốt thì tự tái cơ cấu để tốt hơn, đối với tổ chức tín dụng chưa tốt cũng sẽ có những cách thức để tự tái cơ cấu. Trong quá trình tái cơ cấu đó, bản thân các TCTD yếu kém hoặc bình thường đều có thể tự nguyện trao đổi, thỏa thuận và đi đến thống nhất xây dựng đề án tái cơ cấu trình NHNN phê duyệt.

Thời gian qua, từ năm 2011 đến nay quá trình tái cơ cấu đã xử lý được những bước căn bản, xử lý các ngân hàng yếu kém, là nguyên nhân gây ra biến động của thị trường tiền tệ và ngân hàng trong giai đoạn cách đây 3 năm. Trong giai đoạn này, NHNN cũng đang chủ trương thực hiện đúng theo lộ trình của đề án 254 và với vai trò quản lý Nhà nước về hoạt động ngân hàng của mình. Quan điểm, chủ trương cũng là nhằm đảm bảo việc tái cơ cấu nằm trong tầm kiểm soát của Nhà nước và tránh đổ vỡ hệ thống. Trong quá trình đó, NHNN theo dõi rất sát diễn biến tình hình của từng tổ chức tín dụng cũng như của toàn hệ thống để có những giải pháp phù hợp hỗ trợ thanh khoản kịp thời, đồng thời đảm bảo an toàn.

Thời gian qua, NHNN cũng nhận được sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao của Chính phủ, sự phối hợ chặt chẽ của các bộ ngành, đặc biệt là các cơ quan truyền thông đã giúp cho việc chuyển tải các chủ trương về tái cơ cấu, làm cho người dân, người gửi tiền, bản thân thị trường rất yên tâm về sự an toàn của hệ thống.

Theo Chinhphu.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến