Mức giảm trừ gia cảnh đang được coi là lạc hậu, bất cập trong tính thuế thu nhập cá nhân, khi chi tiêu và cuộc sống ngày càng đắt đỏ. Ảnh: Ảnh: Chí Hùng.
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1 được Văn phòng Chính phủ ban hành mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong việc tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống người dân.
Theo Nghị quyết 954 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại là 11 triệu đồng với giảm trừ cá nhân và 4,4 triệu đồng giảm trừ trên mỗi người phụ thuộc.
Trong đó, mức giảm trừ bản thân 11 triệu đồng khi tính thuế TNCN được cơ quan thuế xác định bằng “mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một người”, còn 4,4 triệu đồng giảm trừ người phụ thuộc được xác định bằng 40% so với mức giảm trừ của bản thân người nộp thuế.
Mức giảm trừ gia cảnh này đã được xây dựng, áp dụng trong thời gian dài và mức quy định tại Luật này cũng là mức cố định. Trên thực tế, khi kinh tế - xã hội phát triển, thu nhập người dân tăng lên, giá cả thị trường cũng tăng… nên với mức giảm trừ gia cảnh cố định chỉ thuận tiện cho việc tính toán và thực hành thu.
Bên cạnh đó, mức tính giảm trừ cố định này lại càng lạc hậu hơn so với thực tế của đời sống, thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội, giá cả… Mặt khác, quy định khi nào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cũng gây bất lợi cho người nộp thuế.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, số thu thuế TNCN trong 9 tháng năm 2023 đã đạt 121.200 tỷ đồng, thấp hơn 7.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm liền trước, tương đương mức giảm 6%. Con số này cũng chỉ đạt 78% dự thu ngân sách năm 2023 (154.652 tỷ đồng). Trong 10 năm qua, đây là năm đầu tiên số thu thuế thu nhập cá nhân trong 3 quý đầu năm tăng trưởng âm.
Nhìn nhận về con số này, nhiều chuyên gia về thuế cho rằng, số thuế TNCN giảm, nhất là nguồn thu chính từ tiền lương, tiền công bắt đầu giảm là báo hiệu cho thấy người nộp thuế đang khó khăn thật sự. Doanh nghiệp bị cắt đơn hàng nên phải cho người lao động giảm giờ làm, thậm chí sa thải bớt nhân công… Những thực tế này khiến thu nhập của người lao động giảm sút.
Chia sẻ hồi tháng 11/2023, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận mức giảm trừ gia cảnh đang thấp. Bởi hầu hết mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng khoảng 20-30% từ sau dịch Covid-19, khiến chi phí sinh hoạt của người dân tăng lên.
Bộ trưởng Tài chính thông tin mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế hiện cao hơn 2,4 lần so với thu nhập bình quân đầu người, cao hơn nhiều so với mức phổ biến các nước trên thế giới đang áp dụng 0,5-1 lần. Đồng thời, mức giảm trừ này cũng cao hơn lương bình quân 4,6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, so với cuộc sống tại các đô thị thì mức giảm trừ này đang thấp.
Bộ Tài chính đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét đưa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào chương trình sửa đổi, để điều chỉnh các quy định tính thuế thu nhập.
Tác giả: Hồng Nhung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy