Dòng sự kiện:
Chính quyền Palestine nêu điều kiện trở lại nắm quyền tại Dải Gaza
06/11/2023 08:24:08
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Tổng thống Chính quyền Palestine (PA) Mahmoud Abbas tuyên bố PA chỉ có thể trở lại nắm quyền ở Dải Gaza nếu tìm được "một giải pháp chính trị tị toàn diện"...


Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại cuộc gặp ở Ramallah, Bờ Tây, ngày 5/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng thông tấn chính thức Wafa của Palestine dẫn lời Tổng thống Abbas nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ hoàn toàn đảm nhận trách nhiệm trong khuôn khổ một giải pháp chính trị toàn diện, bao gồm toàn bộ khu Bờ Tây, cũng như Đông Jerusalem và Dải Gaza”.

Về phần mình, Ngoại trưởng Blinken cho rằng Chính quyền Palestine cần đóng vai trò "trung tâm" về những gì xảy ra tiếp theo ở Dải Gaza. Theo ông, việc PA kiểm soát Dải Gaza suy cho cùng là việc có ý nghĩa nhất, song cho rằng các nước cũng như các tổ chức quốc tế có thể đóng vai trò quản lý và đảm bảo an ninh tạm thời. Trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ hồi tuần trước, Ngoại trưởng Blinken cũng cho rằng Chính quyền Palestine cần giành lại quyền kiểm soát Gaza.

Phong trào Hồi giáo Hamas, đối thủ của đảng Fatah của Tổng thống PA Abbas, đã nắm quyền kiểm soát Dải Gaza từ năm 2007. Trong khi đó, Israel đã rút binh sĩ và người định cư tại Dải Gaza vào năm 2005, song đã phong tỏa dải đất này sau khi Hamas nắm quyền.

Sau khi tới Bờ Tây, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã bất ngờ dừng chân tại sân bay Larnaca của Cyprus. Tại đây, ông đã gặp Tổng thống nước chủ nhà Nikos Christodoulides. 

Theo người phát ngôn Chính phủ Cyprus, ông Konstantinos Letymbiotis, hai bên đã trao đổi những diễn biến hiện nay tại Trung Đông, cũng như đề xuất của Cyprus về việc thiết lập một lành lang nhân đạo hàng hải một chiều, đảm bảo hàng viện trợ từ đảo Cyprus tới tay người dân ở Gaza. 

Cyprus - quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) gần nhất với Trung Đông, đã và đang đàm phán với các nước láng giềng Trung Đông và các đối tác EU về việc thiết lập hành lang sử dụng riêng cho viện trợ nhân đạo. Trước đó cùng ngày, Tổng thống Cyprus cho biết phương thức chuyển viện trợ vẫn đang được tính toán.

Liên quan đến cuộc xung đột hiện nay giữa Hamas-Israel, ngày 5/11, Nhà Trắng cho biết hơn 300 công dân Mỹ đã rời khỏi Gaza, song hiện vẫn còn người dân nước này ở Gaza.  

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ, thảo luận tình hình Dải Gaza với những người đồng cấp Ai Cập, Jordan. Trong các cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Fidan đã trao đổi quan điểm về việc “chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào dân thường ở Gaza”, nhằm đạt được lệnh ngừng bắn khẩn cấp. Ông Fidan cũng thảo luận với Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry các nỗ lực đảm bảo việc cung cấp liên tục, không bị cản trở viện trợ nhân đạo cho Gaza.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Italy, Giáo hoàng Francis đã nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt xung đột Hamas-Israel, kêu gọi thả con tin và viện trợ nhân đạo cho Gaza, đồng thời mô tả tình hình hiện này “rất nghiêm trọng”.

Phát biểu sau buổi cầu nguyện truyền thống tại Quảng trường Thánh Peter ở Rome, Giáo hoàng lưu ý tình hình nghiêm trọng ở Palestine và ở Israel, nơi có nhiều người đã thiệt mạng đồng thời yêu cầu các bên ngừng bắn. 

Theo cơ quan y tế Dải Gaza, kể từ khi xung đột bùng phát hôm 7/10 đến nay, ít nhất 9.770 người Palestine đã thiệt mạng và khoảng 23.000 người bị thương. Trong khi đó, số người thiệt mạng bên phía Israel là hơn 1.400 người và khoảng 240 người bị bắt làm con tin. 

Cùng ngày, Ủy ban châu Âu lên án tình trạng bài Do Thái đang ngày một tăng trên khắp các nước EU kể từ khi xung đột Hamas - Israel leo thang, coi đây là hành động "đi ngược lại tất cả những gì mà châu Âu đại diện".

Tác giả: Cao Văn Ứng - Dương Hoa - Ngọc Hà

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến