Tỉnh chỉ đạo quyết liệt, địa phương vẫn cố tình làm “ngơ”
Thực hiện Quyết định 1777/QĐ-UBND ngày 18/6/2010 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc thu hồi đất gắn với thu hồi rừng của công ty Cổ phần Nông Lâm Sản Hà Tĩnh giao cho các xã quản lý, UBND xã Kỳ Hưng, huyện Kỳ Anh, nay là TX Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng phương án giao đất cho thuê đất, gắn với giao rừng cho thuê rừng cho các hộ có nhu cầu bắt thăm nhận đất.
Quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Phan Công Sửu (SN 1974), trú tại xã Kỳ Hưng, TX Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh thông tin: Ngày 26/4/2012, UBND xã Kỳ Hưng thông báo về việc giao đất gắn với rừng cho hộ dân có nhu cầu cần và nhận giao khoán đất rừng để canh tác, sản xuất. Tại thửa đất của ông Nguyễn Văn Túy, trú tại xã Kỳ Trinh, TX. Kỳ Anh đang sử dụng ở khu vực chân núi Động Ván có 11,25ha (ông Túy nhận khoán của công ty Cổ phần Nông Lâm Sản Hà Tĩnh) được chia làm 4 thửa cho 4 hộ dân nhận gồm ông Phan Công Sửu, Nguyễn Văn Vũ, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Danh đều trú tại xã Kỳ Hưng, TX Kỳ Anh. Theo đó, mỗi hộ nhận 2,8ha.
Sau khi hoàn thành bốc thăm giao đất, ngày 20/6/2013, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Văn bản số 2091 do đích thân Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn ký. Văn bản yêu cầu UBND huyện Kỳ Anh chỉ đạo các xã xây dựng phương án giao đất gắn liền với giao rừng, giao khoán rừng và đất lâm nghiệp và hoàn thiện các trình tự thủ tục để tổ chức giao khoán cho các hộ đảm bảo đồng bộ, hợp lý. Cụ thể, các xã ngoài Khu kinh tế Vũng Áng hoàn thành trước 30/9/2013 (riêng 9 xã tiếp nhận đất, rừng từ Công ty Cổ phần Nông Lâm Sản Hà Tĩnh theo quyết định của UBND tỉnh phải hoàn thành trước ngày 30/7/2013); Đồng thời, yêu cầu Công ty Cổ phần Nông Lâm Sản Hà Tĩnh khẩn trương thanh lý các hợp đồng giao khoán rừng và đất lâm nghệp cho các hộ dân trước đây theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 3412/UBND-NL ngày 4/10/2012 và hướng dẫn của Sở NN&PTNT tại các văn bản liên quan và quy định hiện hành của pháp luật, hoàn thành trước ngày 30/7/2013; Nếu không chấp hành, làm ảnh hưởng đến việc giao khoán đất, rừng tại huyện Kỳ Anh thì Công ty phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh.
Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Cũng theo thông tin từ ông Sửu, trong thời gian UBND xã Kỳ Hưng và UBND huyện Kỳ Anh cũ đang lập hồ sơ cấp giấy CNQSD đất cho các hộ thì ông Nguyễn Văn Túy vẫn sử dụng thửa đất nói trên vì đang có tài sản trên đất.
Mặc dù dã có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh nhưng một số hộ dân ở xã Kỳ Hưng, TX. Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã được các cơ quan chức năng giao đất lâm nghiệp thực địa tạm thời, nộp tiền trích đo... nhưng đến nay gia đình ông Sửu vẫn chưa nhận được đất để sản xuất.
Thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND Lê Đình Sơn tại cuộc họp ngày 10/3/2014 về tiến độ, kết quả giao đất, giao rừng tại huyện Kỳ Anh ông Sửu cung cấp có viết: “Để xảy ra tình trạng trên, ngoài nguyên nhân khách quan còn do năng lực của đội ngũ cán bộ thực hiện yếu, thiếu phương pháp làm việc, thiếu quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền huyện Kỳ Anh....”
5 năm mòn mỏi chờ đất để sản xuất
Tìm hiểu được biết, không riêng gì tại địa phương xã Kỳ Hưng mà hiện nay nhiều xã khác trên địa bàn TX Kỳ Anh cũng đang xảy ra tình trạng tương tự. Nhiều hộ dân đã hoàn tất các thủ tục, hồ sơ pháp lý ban đầu nhưng đến nay vẫn chưa nhận được đất, rừng để ổn định, sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Cường (bố của anh Nguyễn Văn Vũ) bức xúc: “Thực hiện chủ trương, 4 gia đình chúng tôi đã nộp tiền cho UBND xã Kỳ Hưng có phiếu thu. Sau khi làm hồ sơ, chúng tôi được các cơ quan ban ngành tiến hành giao đất lâm nghiệp trên thực địa tạm thời nhưng từ đó đến nay mảnh đất đã bốc thăm vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi hỏi thì chính quyền trả lời là đất đang tranh chấp chưa giao được”.
Vùng đất đã thu hồi của Công ty cổ phần Nông lâm sản Hà Tĩnh, người dân đã hoàn tất hồ sơ ban đầu nhưng vẫn chưa thể tiếp nhận để sản xuất.
“Nếu đất đang tranh chấp thì vì sao lại bảo chúng tôi đi bốc thăm và giao đất thực địa. Gia đình đã thuê máy múc lên làm được 1 ngày sau đó lại không được làm nữa. Sự việc kéo dài mà không cơ quan nào giải quyết cho chúng tôi để có điều kiện canh tác, sản xuất”, ông Nguyễn Văn Cường cho biết thêm.
Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Đình Tài, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hưng, TX Kỳ Anh cho biết: “Đúng là có việc gia đình ông Sửu, ông Vũ chưa giao được đất nhưng đã được thu tiền làm trích đo và làm hồ sơ, giao đất thực địa. Sự việc này đáng lẽ xong rồi vì khi cấp bìa cho các hộ lại không có dấu giáp lai nên không có tác dụng. Sự việc dẫn đến kéo dài là do khi đó thực hiện chủ trương của tỉnh tách huyện Kỳ Anh ra thành 2 đơn vị hành chính là huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh nên anh em cũng hoang mang lo lắng người đi, người ở lại nên bỏ bê”.
Ông Nguyễn Đình Tài chia sẻ với PV.
Không những thế, khi chưa bàn giao đất, rừng của ông Túy cho 4 hộ dân sau khi bốc thăm thì bất ngờ năm 2015, ông Nguyễn Văn Túy có đơn kiến nghị đến UBND huyện Kỳ Anh yêu cầu tiếp tục giao nhận diện tích của công ty Nông Lâm Sản Hà Tĩnh. Ông Túy dựa vào hướng dẫn số 1140/HĐ-LS-NN-PTNT-TNMT-TC ngày 14/4/2014. Tại mục 4 giải quyết các đối tượng đã sử dụng đất rừng ghi rõ: Đối với phần diện tích cá hộ gia đình, cá nhân đang nhận khoán (đúng quy định, đang sử dụng hiệu quả) nếu không đúng đối tượng giao thì chuyển sang cho thuê. Như vậy, ông Túy thuộc đối tượng trong diện được tiếp tục cho thuê đất, ông Nguyễn Đình Tài cho biết thêm.
Tuy nhiên khi PV đề cập, văn bản mới của tỉnh có từ tháng 4/2014, còn trước đó, đã thu hồi, họp bàn và giao đất trên thực địa của ông Túy cho 4 hộ khác tại địa phương rồi sao lại còn sử dụng nữa thì ông Nguyễn Đình Tài thừa nhận: “Khi đó chỉ trao đổi bằng miệng là ông Túy đang có tài sản trên đất đến năm 2015 thu hoạch thì sẽ bàn giao lại cho 4 hộ đó”.
Bản đồ quy hoạch năm 2014 thể hiện rõ mảnh đất của ông Túy đã được phân 4 lô.
Điều đáng nói, trên mảnh đất của ông Túy đã thu hồi và chia cho 4 hộ dân ở xã Kỳ Hưng nhưng đến nay đã có 2 hộ được nhận giao, sản xuất nhưng 2 hộ khác lại không được tiếp nhận dù đã đủ hoàn thiện các hồ sơ ban đầu. Không những thế, tại bản đồ quy hoạch trích lục thực địa 2014 cũng thể hiện rõ mảnh đất rừng của ông Túy đã được phân lô.
Hiện, vụ việc kéo dài gần 5 năm nhưng các hộ dân vẫn chưa được nhận đất sản xuất đã khiến dư luận bức xúc. Không những thế, tới thời điểm hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay tìm phương án giải quyết.
Ngọc Tuấn – Quốc Hoàn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy